Ngoài cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì việc cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội giao thương để doanh nghiệp nhận lấy các cơ hội đưa hàng sang biên giới, đưa sản phẩm vào chuỗi cung ứng, nâng cao sức cạnh tranh… là những hoạt động thường xuyên của chính quyền và cơ quan quản lý.
Nhiều sản phẩm làng nghề của Quảng Nam được mở rộng thị trường nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất gỗ mỹ nghệ ở Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc. Ảnh: T.DŨNG |
Hỗ trợ tìm kiếm thị trường
Trang website của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư nhiều năm qua đã trở thành một trong những kênh chính thống để nhiều doanh nghiệp tìm kiếm thêm những thông tin cần thiết về các hoạt động xúc tiến thương mại. Chỉ cần gõ www.ipaquangnam.gov.vn, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm thấy danh sách các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước, của Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Những thông tin, hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội giao thương đã được cập nhật đầy đủ, hàng ngày trên trang website này. Doanh nghiệp có đủ thông tin về các thuế suất, các ưu đãi, những điều cần biết trong kinh doanh hay nhập khẩu một số mặt hàng nông, lâm sản vào thị trường Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hay xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào Úc, cách thức đưa hàng sang châu Âu…
Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là những manh mối, cơ hội để doanh nghiệp có thể chọn lựa gia nhập thị trường xuất nhập khẩu một cách dễ dàng hơn. Mới đây, sản phẩm kính của một công ty sản xuất ở Cụm công nghiệp Tây An (Duy Xuyên) cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các đối tác nước ngoài. Bà Trần Thị Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Đại Dương Kính nói doanh nghiệp luôn quan tâm tìm kiếm cơ hội làm ăn. Ngoài nỗ lực tự thân thì sự hỗ trợ của chính quyền trong việc mở rộng cơ hội giao thương, cung cấp thông tin đã giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm những đối tác. Đó không chỉ là cách giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi không đơn lẻ xúc tiến thương mại.
Không riêng gì Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, các sở, ngành khác cũng đã tiến hành các phần việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, mở rộng cơ hội giao thương trong chức phận được giao. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Tấn cho hay một số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã thí điểm sẽ được hiện thực hóa, định hướng rõ để tiếp tục chen chân vào chuỗi cung ứng tiêu thụ, phân phối hiện đại trong tương lai. Còn theo ông Lê Thành Lưu - Phó Giám đốc Sở Công Thương, đề án “Thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản địa phương vào siêu thị” đã được cơ quan này hỗ trợ thông tin về thị trường, giá cả, định hướng sản xuất cho từng vùng canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, hàng năm, các ngành chức năng tổ chức nhiều hội nghị, giao lưu kết nối cung - cầu để các siêu thị, doanh nghiệp phân phối trong và ngoại tỉnh gặp gỡ, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh hàng nông sản…
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp
Không như những doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin để mở những cuộc giao thương, 96% doanh nghiệp Quảng Nam nhỏ và siêu nhỏ đang loay hoay trước bối cảnh một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp nói để trụ lại thị trường, phát triển ngoài tự thân vận động, doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ thông tin, cơ chế, chính sách của Nhà nước... trong việc tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường. Câu hỏi đã được đặt ra là khi Việt Nam ký nhiều FTA, doanh nghiệp Quảng Nam làm gì để tận dụng thời cơ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hay đưa hàng sang biên giới? Ông Nguyễn Viết Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Bàn) cho rằng doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hướng tới những thị trường mang tính đặc trưng sản phẩm riêng lẻ của mình. Doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tìm kiếm đầu tư cho xuất khẩu các mặt hàng này trong bối cảnh hội nhập thị trường ngày càng sâu rộng.
Không có một thống kê cụ thể, nhưng số lượng hội chợ được mở tại các vùng kinh tế Việt Nam hay ASEAN, châu Âu… mỗi năm càng nhiều hơn. Thông qua các hội chợ này, nhiều doanh nghiệp đã tìm được đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường phát triển sản xuất kinh doanh và ký kết được hợp đồng xuất khẩu. Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay đã có nhiều đối tác lớn xúc tiến đặt hàng cho doanh nghiệp Quảng Nam sản xuất, nhưng khả năng tài chính, thương hiệu yếu, thiếu định hướng kinh doanh nên cơ hội quay lưng với nhiều doanh nghiệp Quảng Nam. Hiện các cơ quan quản lý đã mở nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài. Các lớp tập huấn về hội nhập quốc tế sẽ thường xuyên được mở.
Ngoài ra, sẽ phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để giải quyết kịp thời, đúng luật và có lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh khi sản xuất - kinh doanh ở nước ngoài. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn tại Quảng Nam cũng đã được hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng chính quyền, cơ quan quản lý đã đặt mình vào tâm thế như doanh nghiệp để có thể tháo gỡ những vướng mắc trên nền tảng của một nền hành chính phục vụ. UBND tỉnh sẽ mở những lớp tập huấn, phổ biến những nội dung ký kết, phân tích rõ những cơ hội, thách thức và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích của các hiệp định. Chính quyền, cơ quan quản lý sẽ tổ chức các chương trình, hội nghị, tiếp tục làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm hay cung cấp thông tin cần mua, bán, cơ hội giao thương để giúp doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm.
TRỊNH DŨNG