Sát cánh cùng ngư dân

HOÀNG LINH 25/07/2014 09:10

Việc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thành lập các nghiệp đoàn nghề cá và các hoạt động giúp đỡ ngư dân được thực hiện xuyên suốt đã khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn (CĐ) đối với ngư dân.

Tạo chỗ dựa vững chắc

Ngày 7.6.2012, LĐLĐ tỉnh công bố quyết định thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) xã Tam Quang (Núi Thành). Đây là NĐNC đầu tiên được thành lập tại Quảng Nam với 187 ngư dân tham gia. Kể từ đây, ngư dân và người lao động vùng biển được đứng trong một tổ chức của chính mình, cùng nhau đoàn kết vươn khơi. Sự ra đời của NĐNC xã Tam Quang đánh dấu một bước chuyển mới trong hoạt động của ngư dân đồng thời có sự hỗ trợ của tổ chức CĐ. Tiếp sau đó, 6 NĐNC khác trong toàn tỉnh liên tục ra đời gồm NĐNC xã Tam Nghĩa (Núi Thành), Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Dương, Bình Minh (Thăng Bình), và mới đây nhất là xã Tam Giang (Núi Thành). Toàn bộ 7 NĐNC thu hút 1.314 ngư dân đang hoạt động trên tổng thể 727 tàu tham gia đánh bắt trên biển trở thành những đoàn viên nghiệp đoàn. Khi đã có một tổ chức đứng ra đại diện cho quyền và lợi ích của ngư dân, họ hoàn toàn có thể tự tin bám biển, và có thể nói lên tiếng nói của bản thân khi có sự cố, gặp khó khăn.

Lần đầu tiên vào năm 2012, ngư dân tự nguyện làm đơn xin gia nhập nghiệp đoàn nghề cá.
Lần đầu tiên vào năm 2012, ngư dân tự nguyện làm đơn xin gia nhập nghiệp đoàn nghề cá.

Ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Tuy mới ra đời, nhưng mô hình NĐNC thực sự là nơi gắn kết, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, vừa là chỗ dựa mỗi khi ngư dân gặp tai nạn rủi ro, đặc biệt là đối với ngư dân đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. LĐLĐ tỉnh đã luôn đứng bên, động viên, giúp đỡ cho ngư dân để họ thấy rằng khi hoạt động trong một tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của họ luôn được bảo vệ”. Theo nhận định của nhiều ngư dân thường xuyên tham gia đánh bắt xa bờ, có NĐNC, ngư dân đã liên kết với nhau trong đánh bắt xa bờ thành một khối có tổ chức thống nhất, chặt chẽ. Ngư dân thường xuyên thông tin về tình hình hoạt động của nhau nhằm hỗ trợ kịp thời khi có sự cố đáng tiếc xảy ra trên biển. Giữa các đoàn viên NĐNC đã có sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt sau những chuyến biển, liên kết trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Các hoạt động hỗ trợ ngư dân liên tục được Công đoàn thực hiện. Ảnh: D.L
Các hoạt động hỗ trợ ngư dân liên tục được Công đoàn thực hiện. Ảnh: D.L

Thiết thực sẻ chia

Trước và sau khi có các NĐNC, sự hỗ trợ của LĐLĐ đối với ngư dân luôn được thực hiện xuyên suốt, giúp nhiều ngư dân yên tâm tham gia đánh bắt, sản xuất trên biển. Thông qua Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, nguồn hỗ trợ của các đơn vị đóng góp cho chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình xã hội cho ngư dân. Cụ thể, đã tặng 2 thiết bị trạm bờ cho NĐNC xã Tam Hải và Tam Quang; 8 Icom cho các NĐNC xã Bình Minh, Bình Dương, Duy Hải, Duy Nghĩa, 53 ống nhòm cho 53 tàu cá thuộc NĐNC xã Tam Giang; 12 nhà mái ấm công đoàn cho đoàn viên nghiệp đoàn gặp khó khăn về nhà ở; hỗ trợ ngư dân đột xuất và trao học bổng cho con của ngư dân với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng… Ông Trần Bẹn, ngư dân xã Tam Quang, nói: “Tôi từng bị cháy tàu và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ NĐNC, giúp tôi khắc phục hậu quả, tiếp tục yên tâm bám biển. Nếu không có sự trợ giúp từ các tổ chức, Nhà nước, có lẽ tàu tôi không sửa được, và không thể tiếp tục vươn khơi khai thác, đánh bắt hải sản. Thời gian gần đây, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân gặp khó khăn do Trung Quốc liên tục phá hoại, chúng tôi đã nhận được sự trợ giúp, động viên kịp thời của các cấp, tổ chức, trong đó sự giúp đỡ của Công đoàn luôn kịp thời”.

Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội nghề cá xã Bình Minh, cho biết: “Sự thành lập NĐNC đối với Bình Minh là việc rất cần thiết cho hoạt động của ngư dân, bởi Bình Minh có đến 70% người dân sống bằng ngư nghiệp. NĐNC Bình Minh ra đời bước đầu đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của bà con ngư dân, đồng thời đáp ứng được là yêu cầu thực tế trong tình hình hiện nay, ngư dân cần có tổ chức đại diện và đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình”. Không những thế, đoàn viên NĐNC còn được Công đoàn hỗ trợ đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức pháp luật. Những chế độ, chính sách phù hợp của ngư dân được Công đoàn đứng ra kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương hỗ trợ nhằm khuyến khích khai thác hải sản, kinh doanh trên biển. Những khó khăn của ngư dân về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật... sẽ được Công đoàn kiến nghị để có sự hỗ trợ. Khi ngư dân gặp vấn đề trên biển như tranh chấp, tai nạn sẽ được bảo vệ, giải quyết, cứu hộ cứu nạn… Đồng thời đoàn viên NĐNC còn được ưu tiên hỗ trợ từ Quỹ nhân đạo nghề cá Việt Nam, Quỹ tấm lòng vàng và các quỹ xã hội từ thiện khác. Đoàn viên còn có nhiều điều kiện hơn trong việc đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ đồng nghiệp đang hoạt động trên biển, cùng nhau bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sát cánh cùng ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO