Tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa lũ trở thành nỗi lo đối với chính quyền và người dân các huyện miền núi khi ngày càng xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của đồng bào các địa phương.
Sạt lở uy hiếp nhiều ngôi nhà của người dân vùng cao. TRONG ẢNH: Hơn nửa diện tích ngôi nhà một hộ dân ở xã Đắc Pre (Nam Gang) bị cuốn trôi do sạt lở đất. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đất lở sát nách nhà
Lâu nay, tình trạng sạt lở đất luôn là nỗi lo chung của đồng bào vùng cao trong mùa mưa lũ. Đã có nhiều trường hợp, do mưa lớn kéo dài nên gây ra hiện tượng sạt lở đất nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều nhà cửa và vườn tược của đồng bào. Mới đây nhất, tại xã Đắc Pre (huyện Nam Giang), mưa lũ làm cho hơn nửa diện tích ngôi nhà của một hộ dân ở thôn 57 bị cuốn trôi do sạt lở đất ở phía ta luy âm. Rất may nhờ kịp thời phát hiện nên sự việc không gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Brôl Trường - Chủ tịch UBND xã Đắc Pre cho biết, qua kiểm tra hiện có ít nhất 6 ngôi nhà của người dân tại địa phương có nguy cơ bị sạt lở và đang được chính quyền địa phương vận động di dời khẩn cấp. Trước đó, sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất tại nhiều khu vực dân cư, khiến một ngôi nhà bị cuốn hơn nửa diện tích, cùng một ngôi nhà khác bị đe dọa nghiêm trọng khi đất lở sát nách nhà. “Mưa kéo dài, dẫn đến tình trạng nền đất yếu nên xảy ra sạt lở đất ở các phía ta luy âm và dương. Hiểm họa trước mắt nhưng không ít người dân chủ quan, thậm chí không chịu di dời khi chính quyền vận động, buộc phải lên phương án nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của đồng bào” - ông Trường cho biết thêm.
Đợt mưa lũ năm 2009, hàng chục hộ dân ở làng A Điêu (xã Arooih, Đông Giang) lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất” sau trận lở đất kinh hoàng khiến hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp. Chừng vài năm sau đó, sạt lở đất cũng khiến nhiều phòng làm việc của UBND xã Arooih bị hư hỏng nghiêm trọng do hàng trăm khối đất đá tràn xuống gây sập tường. Còn tại huyện Tây Giang, mới đây lũ quét và sạt lở đất cũng làm hàng chục nhà cửa của đồng bào Cơ Tu ở làng K’noonh 1 (xã A Xan) bị hư hỏng, cuốn trôi nhiều vật dụng, tài sản của đồng bào. Còn tại khu vực núi Dốc Kiền (thuộc điểm giáp ranh giữa huyện Đông Giang với TP.Đà Nẵng) vào năm 2009, tình trạng sạt lở khiến con đường huyết mạch đi lên các huyện Đông Giang, Tây Giang bị tê liệt hàng tháng trời. Vào đầu tháng 11 vừa qua, mưa lớn cũng gây sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc tuyến đường lên Nam Trà My trong nhiều ngày liền. |
Là địa phương được đánh giá có nhiều thành công trong công tác quy hoạch, sắp xếp và bố trí dân cư tập trung, song nhiều vùng tái định cư của Tây Giang cũng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Theo ông Bh’riu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng, tại một số điểm khu dân cư tập trung của địa phương như Ahu, R’bhượp…, do thiếu hệ thống kênh mương và kè bảo vệ kiên cố nên sau nhiều năm đã xuất hiện sụt lún nền đất và sạt lở rất nguy hiểm. Trong khi đó, ở phía ta luy dương, tình trạng sạt đất đá vào mùa mưa cũng thỉnh thoảng xảy ra. “Sau những đợt mưa lớn, đất ở phần ta ly âm liên tục bị sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Tại nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị về vấn đề này, nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn nên chưa thể giải quyết. Chúng tôi cũng mong tỉnh, huyện cần ưu tiên nguồn kinh phí phù hợp để xây dựng hệ thống kè, khắc phục tình trạng sạt lở đất giúp người dân an tâm sinh sống” - ông Quân kiến nghị.
Nỗ lực di dân
Tập quán định cư của đồng bào vùng cao thường chọn đất sinh sống cạnh những con sông, con suối dọc các thung lũng sâu nên có nguy cơ xảy ra tình trạng sạt lở đất rất cao. Đó là chưa kể đến địa hình miền núi nhiều hiểm trở, phức tạp, cũng như nguy cơ về lũ quét bất ngờ. Do vậy, việc chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn cho người dân phải được thực hiện xuyên suốt và đồng bộ, nhất là ở thời điểm trước mùa mưa lũ hàng năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Arất Blúi cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản người dân trong mùa mưa bão, địa phương đã triển khai các phương án và nỗ lực di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, di dời khẩn cấp 10 hộ dân ở thôn Apát (xã A Vương) do ảnh hưởng của lòng hồ thủy điện A Vương 3; đồng thời chuẩn bị các điều kiện di dời 123 hộ dân ở thôn Atu 1, Atu 2 (xã Ch’Ơm); 39 hộ ở thôn Bloóc và 8 hộ thôn Atép 1 (xã Bha Lêê). “Bên cạnh đó, UBND huyện còn chỉ đạo các xã khẩn trương hoàn thành, sửa chữa các kho thóc tại các điểm chung của xã, cũng như các kho thóc tình thương tại các điểm thôn và nhanh chóng mua lương thực dự trữ đảm bảo cứu trợ cho nhân dân suốt trong thời gian có xảy ra mưa bão, tránh để xảy ra tình trạng thiếu đói cho người dân” - ông Blúi cho biết thêm.
Tại huyện Nam Trà My, do lường trước được những hiểm họa từ sạt lở đất, chính quyền địa phương đã triển khai di dời hàng chục hộ dân ở các xã Trà Tập, Trà Mai, Trà Dơn và Trà Cang về nơi ở mới an toàn. Đồng thời hỗ trợ, lồng ghép nhiều nguồn vốn để người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Cùng với Tây Giang và Nam Trà My, trước mùa mưa bão năm nay nhiều địa phương miền núi Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn… cũng đã đồng loạt triển khai công tác ứng phó, nỗ lực di dời khẩn cấp nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ bị sạt lở đất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đảm bảo kế hoạch khoanh vùng nguy hiểm tại các điểm cụ thể, thống nhất phương án di dân an toàn, cũng như tuyên truyền và vận động người dân bỏ dần tập quán dựng nhà cạnh sông suối tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu an toàn như trước đây.
ALĂNG NGƯỚC