Sâu bệnh bùng phát mạnh

MAI NHI – PHI THÀNH 27/01/2014 21:59

(QNO) – Thời gian gần đây, do ảnh hưởng bởi thời tiết rét lạnh kéo dài kèm theo mưa phùn nên hiện nay nhiều diện tích lúa đông xuân ở huyện Duy Xuyên đã bị ốc bươu vàng và các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại mạnh. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp địa phương này đang tập trung hướng dẫn bà con nông dân cách phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại...

(QNO) – Thời gian gần đây, do ảnh hưởng bởi thời tiết rét lạnh kéo dài kèm theo mưa phùn nên hiện nay nhiều diện tích lúa đông xuân ở huyện Duy Xuyên đã bị ốc bươu vàng và các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại mạnh. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp địa phương này đang tập trung hướng dẫn bà con nông dân cách phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại...
(QNO) – Thời gian gần đây, do ảnh hưởng bởi thời tiết rét lạnh kéo dài kèm theo mưa phùn nên hiện nay nhiều diện tích lúa đông xuân ở huyện Duy Xuyên đã bị ốc bươu vàng và các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại mạnh. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp địa phương này đang tập trung hướng dẫn bà con nông dân cách phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại...

Bám ruộng vì sợ mất mùa

Sáng 27 tháng chạp, tết đã sát bên lưng nhưng trên cánh đồng lúa Máy Quý rộng 3 ha thuộc xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) vẫn đông nghịt nông dân. Lom khom cấy dặm lại 2 sào lúa bị ốc bươu vàng cắn phá, ông Đỗ Thuấn ở thôn Đông Yên cho biết: “Những ngày gần đây ốc bươu vàng xuất hiện nhiều vô kể. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, ruộng lúa non của tôi đã bị chúng cắn tơi tả, đột mạ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, thấy mà xót dạ. Dù tết đã cận kề nhưng bây giờ tôi phải lội khắp nơi xin mạ non về dặm lại, vớt vát được chừng nào hay chừng đó”.

Ngoài ốc bươu vàng, bọ trĩ, ruồi đục nõn thì hiện nay đồng ruộng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ phát sinh mạnh các đối tượng dịch hại nguy hiểm khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, bệnh đạo ôn và chuột. Do vậy, bà con nông dân nên tập trung xới xáo, chăm sóc, phòng bệnh và tổ chức ra quân diệt chuột bằng các biện pháp thủ công, bẫy bả sinh học để bảo vệ an toàn đồng ruộng trong giai đoạn trước, trong và sau tết nguyên đán Giáp Ngọ.

Vừa cầm cái rổ lội trên ruộng bắt ốc bươu vàng, bà Đặng Thị Nửa trú thôn Trà Châu (xã Duy Sơn) vừa nói: “Vụ đông xuân này tôi gieo sạ 3 sào lúa trên cánh đồng Đạt Nhì. Từ hôm 22 tháng chạp đến nay không biết ốc bươu vàng ở đâu ra mà nhiều quá, nó rủ nhau cắn trụi hết lúa non. Trong vòng 1 tuần trở lại đây, cứ mỗi lần trổ nước từ kênh nội đồng vào ruộng thì tôi phải lấy rổ vớt ốc chứ dùng tay thì lượm không xuể. Để tránh nguy cơ vụ mùa thất bát, ngoài chuyện bám ruộng bắt ốc bươu vàng thì chừ tôi phải thuê 3 người hàng xóm phụ với mình cấy dặm lại mạ non, biết là tốn kém nhưng đành chấp nhận”. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Cán bộ khuyến nông xã Duy Sơn cho biết, qua công tác kiểm tra, theo dõi tình hình trên cây lúa thì hiện nay toàn xã đã có ít nhất 80 sào lúa bị ốc bươu vàng gây hại với tỷ lệ hơn 90%, mật độ ốc xuất hiện bình quân 5-7 con/m2, cá biệt một số chân ruộng lên đến 20 con/m2, tập trung nhiều nhất ở những vùng trũng thấp, ven sông suối thuộc các thôn Trà Châu, Trà Kiệu Tây, Kiệu Châu.

Không chỉ 2 địa phương vừa nêu, theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp Duy Xuyên thì đến thời điểm này toàn huyện đã có không dưới 200 sào lúa bị ốc bươu vàng cắn phá nặng, tập trung chủ yếu tại xã Duy Vinh, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Thành, thị trấn Nam Phước. Ngoài ốc bươu vàng, hơn 160 sào lúa khác trên địa bàn Duy Xuyên cũng đã bị bọ trĩ gây hại rải rác với mật độ 500-1.000con/m2. Cạnh đó, ruồi đục nõn cũng đang tấn công những chân ruộng gieo sạ sớm...

Khuyến cáo từ ngành chuyên môn

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dụy - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Duy Xuyên cho biết, vụ đông xuân này toàn huyện tổ chức sản xuất 3.800 ha lúa. Đến nay nông dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn đã tiến hành tỉa dặm, bón thúc phân đợt 1 được 1.200 ha. Trước tình trạng ốc bươu vàng và các loại sâu bệnh nguy hiểm bùng phát mạnh, lãnh đạo đơn vị đã phân công cán bộ kỹ thuật về tận cơ sở bám sát đồng ruộng để nắm bắt tình hình và hướng dẫn chi tiết cho nông dân những biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất. Đồng thời, phối hợp với đội ngũ khuyến nông viên cơ sở mở các lớp tập huấn hướng dẫn nhà nông cách sử dụng thuốc đặc trị để phun trừ. Bà Dụy khuyến cáo: “Thời điểm này, bà con nông dân cần tập trung thu bắt ốc bươu vàng, sử dụng loại thuốc Dioto hoặc Pazol 700WP để phun trừ. Thường xuyên giữ nước trên ruộng, bón thêm tro bếp, bánh dầu hoặc phân chuồng hoai mục để giữ ấm cho lúa; cần bổ sung thêm phân lân và phun phân bón lá Risopla II  hoặc dùng đạm xanh đối với những diện tích bị nghẹt rễ, vàng sinh lý nhằm giúp cây lúa nhanh phục hồi”.

Nông dân cần tích cực theo dõi đồng ruộng để chủ động phun trừ sâu bệnh.
Nông dân cần tích cực theo dõi đồng ruộng để chủ động phun trừ sâu bệnh.

 Theo cơ quan chuyên môn, trong quá trình bón phân thúc lần 1 nông dân cần bón cân đối giữa NPK, chú ý bón phân kali để giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết bất lợi. Khi nhiệt độ xuống dưới 17-18oC không nên nhổ lúa tỉa dặm. Tranh thủ lúc trời nắng ấm, bón thúc kết hợp tỉa dặm, khi tỉa dặm không nên nhổ lúa cấy lại mà nên dùng cuốc chĩa 3 răng cải tiến, cuốc bỏ y nguyên một ít đất dính vào gốc lúa rồi dặm đến nơi khác. Những diện tích lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu đã kéo sạ hàng thì khi tỉa dặm phải dặm theo hàng.

Đối với các loại cây trồng cạn, nông dân cần tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh kết hợp NPK tổng hợp. Dùng rơm, rạ, xác cây trồng thực vật, mùn... tủ ở gốc để giữ ấm cho cây. Khi ban đêm nhiệt độ quá lạnh, sáng ra nên dùng ô doa tưới nước ấm cho cây, tạo cho cây chống rét tốt hơn. Cạnh đó, thường xuyên thực hiện việc xới xáo, phá váng tạo độ thông thoáng cho bộ rễ phát triển. Tập trung bón phân, chăm sóc, tỉa dặm, làm rảnh thoát nước để phòng tránh bệnh hại và hiện tượng thối rễ chết cây. Tuy nhiên, khi xới xáo nên hạn chế việc làm tổn thương bộ rễ để tránh sự xâm nhập của các loại nấm và vi khuẩn gây chết cây con. Đồng thời, nên tỉa cành, ngắt lá già tạo thông thoáng đồng ruộng nhằm hạn chế sâu bệnh bùng phát gây hại...

MAI NHI – PHI THÀNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sâu bệnh bùng phát mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO