Sâu bệnh tấn công lúa đông xuân

MAI NHI 01/04/2022 08:06

Hiện nay, hầu hết diện tích lúa đông xuân chủ động nước tưới trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn trổ bông - ngậm sữa - chắc hạt, đây là thời kỳ quyết định đến năng suất cây trồng. Tuy nhiên, một số loại sâu bệnh nguy hiểm bùng phát và gây hại trên nhiều cánh đồng.

Nông dân xã Quế Trung (Nông Sơn) kiểm tra ruộng lúa để chủ động phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: MAI NHI
Nông dân xã Quế Trung (Nông Sơn) kiểm tra ruộng lúa để chủ động phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: MAI NHI

Nhiều loại sâu bệnh gây hại

Ông Phan Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Mỹ (Quế Sơn) cho biết, thời điểm này 385ha lúa đông xuân của địa phương đang trổ đòng tập trung và chắc hạt. Tuy nhiên, những ngày qua rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện trên một số xứ đồng và có nguy cơ bùng phát diện rộng.

Theo ông Mạnh, tại các thôn Phú Cường 1, Phú Cường 2, Phước Chánh của xã Quế Mỹ đã có khoảng 40 sào lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại. “Qua khảo sát cho thấy, trong số diện tích lúa bị nhiễm rầy, có 20 sào bị cháy chòm cục bộ, chủ yếu trên địa bàn thôn Phước Chánh” - ông Mạnh nói thêm.

Thời gian qua, tại 6 địa phương gồm Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh đã có 106,5ha lúa bị chuột cắn phá với tỷ lệ hại bình quân 3 - 5%, nơi cao 10% (Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh), cục bộ 15% (Phú Ninh).

Trong khi đó, sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác ở nhiều địa phương, nhất là tại Duy Xuyên, Tam Kỳ, Núi Thành với diện tích nhiễm 35ha (tăng 34ha so với cùng kỳ năm trước).

Bọ xít dài gây hại 5ha lúa trong giai đoạn ngậm sữa ở Tiên Phước. Bệnh đen lép hạt gây hại rải rác 8ha lúa trong thời kỳ hạt chắc xanh ở Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc...

Vụ đông xuân 2021 - 2022, nông dân toàn tỉnh gieo sạ tổng cộng 42.132ha lúa, tăng 632ha so với kế hoạch đề ra. Trong số diện tích trên, có 38.310ha chủ động nước tưới và 3.822ha phụ thuộc nước trời.

Hiện nay, hầu hết ruộng lúa chủ động nước tưới trong thời kỳ trổ - chắc xanh và lúa nước trời trong giai đoạn trổ - chắc hạt - thu hoạch. Thời gian gần đây các loại dịch hại nguy hiểm xuất hiện trên nhiều cánh đồng, nếu nhà nông không tập trung triển khai hiệu quả biện pháp phòng trừ thì năng suất lúa bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.

Theo ngành nông nghiệp, tại Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh đã có 366ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn (tăng 132ha so với cùng kỳ năm trước) với tỷ lệ hại trung bình 10 - 20%, nơi cao 30% (Điện Bàn, Phú Ninh). Trong khi đó, bệnh đạo ôn lá và cổ lá gây hại rải rác trên các giống BC15, KD18, ML48, Hà Phát 3, Bắc Thịnh, nếp cao sản 224...

Tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh là 118ha (tăng 53ha so với cùng kỳ năm ngoái) với tỷ lệ hại trung bình từ 5 - 10%, nơi cao 15% (Điện Bàn). Ngoài ra, bệnh đạo ôn cổ bông cũng phát sinh trên lúa nước trời ở Núi Thành, Tam Kỳ, Nông Sơn.

Đặc biệt, trong những ngày qua tại nhiều cánh đồng của Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Phú Ninh đã có tổng số hơn 110ha lúa bị nhiễm 2 loại rầy nâu và rầy lưng trắng.

Rầy xuất hiện trên ruộng với mật độ trung bình 300 - 700 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2 (Hiệp Đức, Thăng Bình, Tiên Phước, Phú Ninh), cục bộ có một số khu vực lên đến 3.000 con/m2 gây ra tình trạng lúa bị cháy chòm ở Thăng Bình, Tiên Phước...

Thời điểm này, nhà nông cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh gây hại lúa đông xuân và triển khai hiệu quả những biện pháp phòng trừ. Ảnh: MAI NHI
Thời điểm này, nhà nông cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh gây hại lúa đông xuân và triển khai hiệu quả những biện pháp phòng trừ. Ảnh: MAI NHI

Tập trung phòng trừ

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam hôm qua 31.3, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật tỉnh liên tục có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng, nhất là đối với lúa đông xuân.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, hiện nay rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh diện rộng và sẽ gây hại mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại. Chú ý, phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các ổ rầy cục bộ.

Khi phát hiện rầy có mật độ trung bình 2 - 3 con/dảnh lúa (khoảng 1.000 - 2.000 con/m2) thì dùng các loại thuốc như Chess 50WG, Alika 247SC, Map Jono 700 WP… để phun trừ. Khi phun trừ rầy, cần khoanh vùng và phun kỹ các ổ rầy nhằm diệt trừ triệt để; luôn giữ nước trong ruộng khi phun trừ rầy.

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, phải tăng cường kiểm tra đồng ruộng và tiến hành phun phòng đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày trên các giống nhiễm như BC15, TBR225, Thiên ưu 8, KD18, HT1, DV108, VN121… bằng các loại thuốc Beam 75 WP, Fuji-one 40EC, Filia 525 SE, Flash 75 WP, Mapfamy 700WP… Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn trước trổ thì phun ở giai đoạn sau trổ từ 5 - 7 ngày. Tốt nhất nên phun thuốc phòng bệnh khi lúa trổ lác đác.

Ngành chuyên môn khuyến cáo, khi nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu bệnh thì nồng độ và liều lượng phải theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Chú ý phun đủ lượng nước thuốc theo khuyến cáo để đạt hiệu quả phòng trừ cao. Phun chậm ướt đều gốc lúa đối với trừ rầy và ướt đều mặt lá đối với trừ bệnh đạo ôn cổ bông...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sâu bệnh tấn công lúa đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO