Có một nhà văn miền Tây viết rằng, năm tháng qua đi, những thân yêu gia đình xa dần, bữa cơm ấm cúng chỉ còn lại một hai người ngồi, ngó con nước nổi, ngó bèo lục bình trôi, rầu không kể xiết, nhất là khi bữa ăn có rau sầu đông. Họ giải thích với tôi rằng, sầu đông rất đắng, nhưng hình như miền Trung cằn cỗi, cây sầu đông đã đắng càng đắng, còn miền Tây, quanh năm đầy nước, nên nó hiền hơn, biến thành thứ rau sống, mà làm gỏi để nhậu là nhớ điên loạn khi xa xứ. Thêm một nỗi nữa, là mùa nước nổi, thấy con cá là sợ muốn chết, bởi bữa ăn ngập cá, mà những là 4 tháng chứ đâu phải mười ngày năm bảy bữa. Những ngày đó, thèm rau như người mù thèm ánh sáng. Nước ngập trắng trời trắng đất, rau cỏ bị chôn vùi trong nước bạc, chỉ còn vài cây cao, trong đó có sầu đông, và như thế là, cái cây chát đắng bước vào bàn ăn.
Tôi đã thấy cây sầu đông ở nhiều khúc sông, nhiều kênh rạch vùng An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, và nhất là bên kia sông Châu Đốc, ngay chỗ cồn Tiên ngó qua, ở đầu cái xóm nhỏ bị vùi sau những mùa nước nổi, lở dần, bà con chạy hết, còn nó và vài thứ đại mộc khác trụ lại. Thân to mấy người ôm, hình cổ quái xù xì, rễ dài như râu đại hiệp mấy trăm năm không cắt. Người già ở đây nói tuổi nó bằng tuổi ông nội họ, gắn bó như thành viên không thiếu của xóm này, cứu họ đỡ ngán cá dằng dặc. Thứ cây thân quen, đi vào nỗi nhớ, vào bữa ăn, như trả nghĩa sống mà không cần, không đòi hỏi đáp từ.
Cảm giác đắng đó khi bứt thử đọt non nhai theo tôi qua những làng mạc khuất lấp sau ngút ngàn cây trái và kênh rạch, khi len lỏi theo dòng thông tin về những phận đời dang dở của người miền Tây ngày tôi lang thang nơi đó. Lâu nay, như mặc định cay đắng, người ta hay nghĩ về phụ nữ miền Tây, nhất là các cô gái bán thân nuôi miệng “phát hành toàn quốc”, đến những cuộc… ra mắt tuyển chọn như món rau để kiếm tấm chồng ngoại quốc đổi đời, là tham tiền, ưng có tiền nhiều mà ít chịu lao động cực khổ. Tôi về Hậu Giang, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thanh, trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang chứ đâu xa, có hơn 450 người lấy chồng nước ngoài. Hậu quả để lại thì nhiều, nhưng cay đắng nhất là có hàng chục đứa trẻ được mẹ dẫn về quê, gửi cho ông bà ngoại nuôi, mẹ tiếp tục bươn chải xứ người, hoặc mẹ cùng về, hiển nhiên là do hôn nhân tan vỡ nên mới quy cố hương. Những đứa trẻ sinh ở quê cha, có giấy chứng sinh, mặc nhiên là công dân nước đó, khi trở về quê mẹ, không thể làm khai sinh, không được nhập hộ khẩu, nên không được đến trường. Con số trẻ em toàn tỉnh thuộc dạng ấy gần 200 em.
Tôi đã ngồi với mẹ, ông bà tụi nhỏ, cả chúng nữa, nghe những tiếng kêu than kẹt cứng bởi hành lang pháp lý chưa thông. Tôi chỉ nói rằng, bất luận ra sao, thì những đứa trẻ đó bây giờ đã sống làm công dân nước Việt, và có dù gì đi nữa, nó là trẻ em, quyền trẻ em phải được thừa nhận, nó bị vô thừa nhận nơi quê mẹ, đó là nỗi tủi nhục của bất cứ ai có lương tâm. Nhiều người mẹ của chúng đã khóc, rằng biết vậy em không có chồng nước ngoài, để con em bây giờ không thất học! Những tiếng kêu mờ mịt hồi đáp. Chỉ có những đứa trẻ vẫn ngơ ngác khóc cười vui chơi, không hề biết rằng mình đã bị từ chối quyền được gọi tên ở quê mẹ.
Tôi có cuộc trò chuyện ngắn với một nhà văn miền Tây, quanh “mặc định”: Phụ nữ miền Tây lấy chồng nước ngoài vì ham tiền, đúng không? Người này nói, rằng không phải đâu, họ không ưng chồng cùng quê, cùng huyện, tỉnh, bởi họ sợ đàn ông miền Tây… nhậu! Nhậu bất tận thiên thu, mút mùa Lệ Thủy. Đàn ông miền Tây, là quá tốt với anh em bạn bè, bởi sẵn sàng nhậu thả ga, chìm cả phà, ai sống ai chết, mặc, cứ nhậu, mà đã như thế là họ vô trách nhiệm với gia đình, vợ con. Phụ nữ miền Tây nhìn cha, anh, em rồi bạn bè hàng xóm là đàn ông, thấy mà sợ cho tương lai mình, nên họ ra đi lấy chồng xứ khác, tìm kiếm tương lai, dẫu bất định, không biết nó là gì, nhưng thà vậy còn hơn là thấy nhãn tiền mà ớn! Một người khác góp chuyện, nguyên nhân chính là do ít học hành, hạn chế trong chuyện nhìn nhận giá trị bản thân; không có việc làm; đói nghèo; tất nhiên họ thương cha mẹ đói nghèo nên phải ra đi kiếm tiền…
Tất thảy, nói gì thì nói, họ là thân phận đau khổ ngay chính quê nhà hoặc xứ xa. Cơn sóng đói nghèo, thất học, lấy chồng xa xứ vẫn chưa ngưng vỗ, và những phận đời từ mẹ đến con vẫn tiếp tục khúc đau thương. Trên chuyến xe đêm từ Sài Gòn đi An Giang, giữa khuya khoắt, bác tài xế bỏ đĩa nhạc gì đó đặc sệt miền Tây mà tôi nghe có câu “con chim quyên nức nở khóc bạn chung tình”, ai oán giữa mưa đêm nghe não nùng. Những chuyện góp nhặt trong chuyến đi sau đó, khiến tôi ghim trong đầu nhánh sầu đông lả ngọn bên sông Hậu như niềm cay đắng mà kiên gan giấu kín để làm trọn phận sinh ra ở đời, không thể cản tôi nghĩ đến giọt nước mắt của những người mẹ đã một lần lấy chồng ngoại quốc, giờ quay về với kênh rạch làm thuê làm mướn, ao ước con mình được đi học để có cái chữ mà thoát phận nghèo. Ở đó, những “cánh đồng bất tận” về phận người vẫn đang và sẽ tiếp tục trải dài dằng dặc.
Ở đâu, làm gì, thì con người ta có khác nhau đâu trong ao ước vượt lên khốn khổ, chỉ cách nhau trong việc chọn con đường. Và, khi không ai giúp họ chọn lựa, thì họ đành nhắm mắt đưa chân. Nhìn giọt nước mắt than trách chính mình của họ khi vô tình đẩy con cái vào đường mù chữ, tôi lại nhớ những tiếng hét trên đấu trường thời trung cổ, tiếng hét sinh-tử nhưng câu trả lời là của chính họ dội ra từ những vách đá. Trở về, đọc cuốn sách bạn vừa tặng, thấy bạn viết, mùa sa mưa ngồi ăn cơm với sầu đông chấm mắm, gắp một miếng nhai, nước mắt rơi một giọt…
TRUNG VIỆT