Sau một năm thực hiện con dấu xác thực

VĨNH LỘC 11/07/2017 08:39

Hơn một năm kể từ ngày Sở Công thương và Sở VH-TT&DL phối hợp tổ chức công bố 34 sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được dán “con dấu xác thực” (Crafted in Quang Nam), tuy nhiên đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn…

Nhiều sản phẩm dù đã được đăng ký “Con dấu xác thực” nhưng sau đó đã không tiếp tục được duy trì. Ảnh: V.LỘC
Nhiều sản phẩm dù đã được đăng ký “Con dấu xác thực” nhưng sau đó đã không tiếp tục được duy trì. Ảnh: V.LỘC

“Không biết con dấu là cái chi…”

Mục đích là xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm thủ công truyền thống Quảng Nam, bảo vệ quyền và lợi ích của hộ sản xuất, làng nghề, cũng như các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công trên địa bàn tỉnh; giúp du khách chọn lựa đúng các sản phẩm thủ công mang đặc trưng văn hóa điểm đến, tạo cơ hội phát triển sản phẩm làng nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương… Vì vậy, ngày 31.5.2016 Sở Công thương phối hợp cùng Sở VH-TT&DL tổ chức công bố 34 sản phẩm thủ công mỹ nghệ được dán “con dấu xác thực” (Crafted in Quang Nam). Bộ sản phẩm đầu tiên này gồm 34 sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến từ 12 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thuộc các cơ sở làng nghề như Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (Điện Bàn), ghế tựa, thùng rác, bàn ghế giả mây của HTX Thương mại Mây tre Điện Thọ (Điện Bàn), nhang trầm, trầm cảnh của Công ty TNHH Hương Tràm (Tiên Phước), vải lụa hoa văn nhuộm màu tự nhiên; váy từ lanh tơ tằm của HTX Tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên)… được tuyển chọn từ hơn 100 sản phẩm đăng ký đóng dấu xác thực. Con dấu được giao cho Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam quản lý.

Tuy nhiên, sau những “xôn xao” và kỳ vọng ban đầu, việc đăng ký và mua con dấu xác thực của các cơ sở, làng nghề đã trôi vào quên lãng. Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, có nhiều nguyên nhân khiến con dấu khó “sống” được. Ngoài lý do chính là người sản xuất, các cơ sở làng nghề không quan tâm đăng ký, các quầy hàng lưu niệm hay các cửa hàng thương mại cũng không muốn áp dụng con dấu này, chưa kể khách hàng cũng không biết, thậm chí không thích dán con dấu lên sản phẩm mình mua. “Có lần tôi đóng một đơn hàng ra Đà Nẵng, trong đó vừa có logo của công ty chạm trực tiếp vừa có con dấu xác thực dán lên nhưng khách hàng gỡ ra với lý do sao dán cái giấy này vào đồ của họ làm gì. Điều này cho thấy nhiều khách hàng không biết, không dùng và không tin tưởng con dấu xác thực. Sau khi nghe tôi giới thiệu, quảng bá về con dấu xác thực, họ nói chỉ tin tưởng cơ sở nên đặt hàng chứ không quan tâm con dấu này” - ông Tiếp cho biết. Không chỉ vậy, một số cơ sở ban đầu đăng ký nhưng sau đó cũng quên luôn,  nói gì đến việc mua con dấu dán lên sản phẩm của mình. Một chủ cơ sở gốm đã từng thẳng thắn chia sẻ: “Hàng của tôi đã có thương hiệu nên không lý do gì tôi phải dán thêm một con dấu lên sản phẩm nữa, vừa phiền phức, giá sản phẩm cũng tăng thêm do chi phí mua con dấu”. Thực tế, sau khi công bố con dấu xác thực đã có 34 sản phẩm của hơn 10 đơn vị đăng ký nhưng sau đó rất ít cơ sở mua con dấu.

Câu chuyện hậu “Con dấu xác thực”

Để thúc đẩy việc nhận biết “Con dấu xác thực”, thời gian qua ông Tiếp cũng đã tích cực quảng quá thông qua các hội chợ, triển lãm. Gần đây nhất, trong triển lãm thành tựu kinh tế 20 năm tại TP.Tam Kỳ hàng trăm con dấu đã được ông dán trên nhiều mặt hàng của cơ sở, nhưng dán thì cứ dán vậy chứ không biết có bao nhiêu người xem hiểu được về con dấu này. Để người dân, khách hàng biết về con dấu xác thực, vai trò của các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được điều này, bởi việc gắn con dấu phụ thuộc vào lợi ích một số cơ sở, nhất là cơ sở bán hàng lưu niệm, không ít nơi chủ yếu lấy hàng từ nơi khác về bán dựa trên thương hiệu làng nghề đã có. Bên cạnh đó, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Quảng Nam hoạt động kém hiệu quả cũng khiến việc thúc đẩy quảng bá “Con dấu xác thực” không như mong muốn. “Từ năm 2016 đến nay cứ 6 tháng một lần tôi đều làm báo cáo gửi UBND tỉnh và các sở ngành liên quan như Sở VH-TT&DL; Sở KH&ĐT, Sở Công thương; Sở NN&PTNT, tính đến nay cũng đã 3 lần gửi rồi nhưng chẳng thấy ai trả lời phản hồi gì cả” - ông Tiếp nói.

Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Quảng Nam) cho biết, hiện tỉnh đã có chủ trương xây dựng mỗi xã một sản phẩm và giao cho Sở NN&PTNT làm đề án, đề án thành công hứa hẹn sẽ thúc đẩy “Con dấu xác thực” phát triển rộng rãi. Cũng theo ông Thông, con dấu chỉ là một phương tiện để hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm địa phương, nếu doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tin dùng thì tốt còn không cũng chẳng ảnh hưởng gì. “Để thúc đẩy việc dán con dấu xác thực rộng rãi, Sở VH-TT&DL phải quảng bá tại các khách sạn, những nơi có khách du lịch đông để khách biết được con dấu và mục đích ra đời của con dấu. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là khách hàng, nhà sản xuất, họ nhận biết được con dấu để mua sản phẩm hay lúc sản xuất họ cần đến nó thì tự nhiên sẽ tác động qua lại nên ngành du lịch phải quảng bá việc này. Cũng cần nói thêm, việc ra đời con dấu xác thực cũng chẳng phương hại gì về kinh tế xã hội mà chỉ có lợi thôi” - ông Thông nói. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc thúc đẩy con dấu xác thực phải do Sở Công thương đảm nhận vì sở quản lý Hiệp hội thủ công mỹ nghệ. Với lại, Sở VH-TT&DL cũng chưa nhận được báo cáo từ Hiệp hội thủ công mỹ nghệ nên không nắm được gì. “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ bán ra thị trường du lịch thì bên Sở VH-TT&DL mới liên quan, mà đến nay bên Hiệp hội cũng chưa triển khai hoàn thiện việc dán con dấu xác thực, còn sở cũng chưa nhận được báo cáo, thông tin gì” - ông Cường giải thích.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sau một năm thực hiện con dấu xác thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO