Những con thuyền nhỏ đạp sóng hướng ra phía biển. Chuyến biển tháng Chạp như cố rũ bỏ những uể oải của ngày dài nơi bến mỏi, cố chắt chiu từng chút cá tôm để trở về. Nhiều người bây giờ chỉ cần một ngày nắng, để đôi tay không quên mất nhịp chèo, đầu còn nhớ từng rạn đá ngầm dưới sóng…
Chuyến biển hiếm hoi mùa biển động. Ảnh: THÀNH CÔNG |
1. Giờ đã là con trăng cuối cùng năm cũ. Ông Lê Văn Trạng (58 tuổi, thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành) đứng gỡ từng xác ghẹ mắc đầy mành lưới. “Đánh cá, mà toàn dính ghẹ. Có còn hơn không, loại này được hơn ba chục nghìn đồng một ký, gom lại cũng kiếm được ngày công chuyến biển” - ông cười. Hơn nửa đời người bám biển, giờ ông vẫn phải thuê thuyền của người trong thôn, thành phẩm thì ăn chia với chủ thuyền. Thấy cả nắng, cả gió, cả những con sóng còn ầm ào vỗ dưới kia in trong dáng hình khắc khổ của ông già làng biển. Thứ được, là sức khỏe coi bộ còn dẻo dai của ông già, cứ nắng lên, biển êm chút là lại dong thuyền ngược sóng, như chuyến này. Những chuyến biển hiếm hoi như cái nắng, mà ông Trạng có thể đếm được trên đầu ngón tay suốt một mùa dài biển động. Dân biển nằm bờ, chỉ có xác xơ nỗi buồn trong những gian nhà thấp lè tè nơi bãi Bấc, và tiếng thở dài nghe chừng hiện hữu khắp xóm chài nhỏ.
Bãi Bấc, vốn là chốn nhộn nhịp nhất nhì nơi cửa biển, tấp nập người trở về, người đón đợi, và những bán mua. Dĩ nhiên, là khi biển êm, tàu đi đánh bắt. Ngày chúng tôi đến, nắng lấp loáng theo từng con sóng, nhưng cũng chỉ có dăm chục người đàn bà đứng ngó gió trên bờ biển, sau những chiếc thuyền thúng đang nằm úp. Không nhiều người đi biển. Phần vì mỏi mệt với gió máy mùa biển động, đã đi tìm việc làm tạm kiếm ngày công. Số còn lại, với lấy dầm chèo, nổ máy ngay khi thấy trời nghe chừng lặng lặng, theo cái nghiệp lênh đênh với sóng và gió của ngư dân miền biển. Những chuyến đi, có ngày trúng quả, cũng có ngày chỉ đủ đổ xăng dầu, dư được ít cá tôm cho nhà ăn qua bữa. Như một niềm tin cố hữu, gửi gắm vào đại dương, vào những đêm trắng lênh đênh theo con sóng. Đứng trưa thì ra biển thả lưới rồi vào bờ. Chiều muộn, lại ngược ra nơi đặt lưới, quần quật cả đêm để kịp trở về. Chỉ có điều, năm này, mùa biển động dằng dặc, có khi cả tháng trời không thấy nổi một bình minh… Lòng người mềm theo con sóng, còn toan lo thì cứ dày thêm với tháng với ngày. Chúng tôi đi ra chân sóng, nơi ngư dân Lê Văn Chinh vừa cùng bạn biển trở về. Chiếc thùng xốp nhẹ tênh. Chỉ vài con cá chang, một túi ghẹ biển. Bạn hàng cân túi cá, ghẹ, mặc cả. Hơn bốn trăm nghìn đồng, cho hai người, chưa trừ chi phí xăng dầu. Ông giơ chiếc túi nhỏ đựng vài con cá, ý chừng là phần còn lại để đem về nhà. Cây dầm cao quá đầu người theo ông Chinh khuất sau hàng dừa về phía xóm cũ…
2. Bến mỏi. Ngoài kia, sóng ầm ào vỗ vào bãi Bấc. Nắng chỉ được vài ngày, đã gió lạnh và trời xám đục. Kỳ lạ. Không còn ai ngóng chờ nơi bãi, tháng Chạp, lại loang tiếng thở dài. Anh Huỳnh Ngọc Tuấn, ngư dân làng Thuận An nói với tôi, rằng chưa thấy năm nào nghề biển lại chơi vơi như năm này. Đến giờ đã là 3 tháng ròng, biển động liên tục. Những người có tiền đóng tàu lớn, đánh bắt xa thì còn đi được. Anh Tuấn, và nhiều người khác chỉ có mỗi chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, biển tăng vài cấp gió là lên bãi. Mưa gió triền miên, một mùa biển đìu hiu đối với những thuyền nhỏ, tàu nhỏ. Cá tôm dưới biển thì vô chừng. Anh Tuấn trỏ về phía xa, nói, tàu giã cào của ngư dân xã bạn, ngư dân Quảng Ngãi giờ chạy sát rạt bờ, có khi kéo rách nát hết lưới của dân Tam Hải. “Chạy cỡ đó, còn cá tôm nào mà sót, mà kịp lớn cho tụi tui làm ăn. Thuyền họ máy lớn hơn, chạy nhanh hơn, có bực dọc lớn tiếng cũng chỉ mình mình nghe vì tiếng sóng át đi. Nghề biển cực, nhiều lúc nản, đi cả buổi về chỉ đủ tiền dầu. Mà mình sinh ra với nghề này, sống bằng nghề này, bỏ biển lấy gì sống” - Tuấn kể, vẫn gửi ánh nhìn đâu đó ngoài con sóng trắng ngoài kia. Họ sống đời chòng chành như con thuyền nhỏ bám lấy từng ngọn sóng, mong chờ biết bao biển êm ngày nắng, mà nào có được…
Phần cá tôm ít ỏi dành lại cho gia đình sau chuyến biển.Ảnh: THÀNH CÔNG |
Đận tôi về chợ Tân Bình Trung ở Tam Tiến, gặp nhiều ngư dân, mà câu chuyện chốc lát lại xoay về những lo toan mùa biển động. Biển, với không ít người, là nguồn sống duy nhất. Mùa sóng lớn, thuyền ngư dân Tam Tiến về đậu phía cảng Kỳ Hà, cá tôm sau những ngày đánh bắt theo đường sông về lại chợ Tân Bình Trung vào giữa khuya, để sáng sớm theo chân những người đàn bà chạy chợ. Bao người sống nhờ chợ cá nhỏ ấy. Anh Huỳnh Văn Phu (thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến), cả năm chỉ có một mùa “làm ăn” nhờ trung chuyển cá từ cảng Kỳ Hà về chợ. Tàu nằm bờ, ông Phu cũng neo ghe ngáp vắn dài chờ chuyến biển. Nhẩm đếm, đã gần hết tháng Chạp, mà mới chỉ có đâu chừng hơn chục chuyến đi. Dân biển lại sắp chạm một cái tết đầy toan lo trước mặt.
3. Ông Trần Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Tam Hải thông tin, rằng tổng sản lượng đánh bắt năm 2017 của ngư dân xã đảo vẫn vượt cao so với kế hoạch đề ra, chỉ không bằng cùng kỳ năm trước. Tam Hải có đội tàu lớn, nhiều ngư dân vươn khơi bám biển hàng tháng trời, con số sản lượng, rõ ràng vẫn là điều đáng mừng khi mùa đánh bắt không dài như năm trước. Nhưng với người làm nghề biển ngang, mùa biển động kéo dài, những thất bát cũng về theo trong mưa gió. Tháng mười một, Tam Hải gánh chịu trận lốc xoáy kinh hoàng, tám chục nóc nhà bay theo lốc, có gia đình bị thương nặng khi nhà đổ, gạch đá đè. Nhưng rồi, lang thang qua từng ngõ, từng nhà, tôi vẫn thấy không khí tết thoang thoảng đâu đó trong gió. Những cây mai đã được lặt hết lá, vài căn nhà thơm mùi sơn mới, hay mái ngói đã kịp thay sau khi lốc xoáy tràn vào. Có vẻ, sau tiếng thở dài, người làng biển lại hối hả vun vén, dành dụm chút yên bình cho tết. Mới đây, ngôi nhà đổ sập trong lốc xoáy ở thôn Long Thạnh Tây đã được dựng lại, nhờ sự ủng hộ của một đơn vị. Mất mát thì không dễ quên, nhưng dân biển, vốn đã quen với khắc nghiệt của đất trời, có lẽ lòng cũng nén xuống những lao xao về ngày cũ. Ông Hữu nói, xã đã có kế hoạch tổ chức văn nghệ và nhiều hoạt động cho nhân dân vui xuân đón tết. “Những gia đình bị thiệt hại đều nhận được hỗ trợ, kịp thời khắc phục hậu quả của đợt lốc xoáy, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng đang tất bật cho những công tác cuối năm để lo tết cho dân” - ông Hữu nói.
Năm cũ đang cạn dần những ngày cuối cùng. Tết thật gần, thành thử ước mong cũng chỉ giản dị quanh những niềm vui ngày tết. Dăm chuyến biển cuối cùng, chắt bóp sắm sửa cho năm mới, những ánh nhìn lại hướng về phía biển khấn cầu. Sau bão gió, sau những cuồng nộ, tàu lại chờ đạp sóng. Không phải là chọn lựa duy nhất để kiếm tiền, nhưng như nhiều người khác, ông Phạm Văn Dục (58 tuổi, thôn Thuận An, xã Tam Hải) vẫn không rời mành lưới và chiếc thuyền nhỏ. Ông đi ra biển, ngó sóng. Đài báo, vài ngày nữa trời vắng gió. Biển không còn hào phóng như trước, nhưng ở đó vẫn là nguồn sống, là cuộc đời của ông, của bao người dân ở xóm chài nhỏ bé này. Thuyền còn nằm bờ, nhưng ánh mắt và ý nghĩ của ông già, có lẽ đã băng qua con sóng, ra khơi…
Phóng sự của PHƯƠNG GIANG