(Xuân Đinh Dậu) - Đất trung du Phú Thọ, khoảng giao thời cuối đông đầu xuân, tiết trời se lạnh, gần giống thời tiết ở quê nhà Đại Lộc, Quảng Nam. Cây cối, vườn tược cũng bảng lảng một màn sương trắng nhẹ. Những mầm non cựa mình qua lớp vỏ cứng, bật lên chồi xanh mới. Lòng người nhẹ thênh không vướng bận với mùa xuân đang náo nức xa gần. Chú Mười choàng thêm tấm khăn len, đội chiếc mũ dạ lên đầu, bước từ cổng nhà xuôi về phía cuối xóm. Phía ấy có ông bạn già cùng tuổi 90, cũng còn khỏe mạnh. Hai ông ngồi bên bình trà nóng, nhâm nhi những kỷ niệm thời trai tráng.
Làng quê xứ Quảng luôn chất chứa nhiều kỷ niệm đối với người xa xứ. Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
- Tôi muốn về thăm quê hương lần nữa ông ạ!
Chú Mười trầm ngâm, ánh mắt xa xôi, diệu vợi. Có xa gì đâu! Từ nhà xuống sân bay Nội Bài tám chục cây số. Bay vào Đà Nẵng hơn tiếng đồng hồ, rồi bắt xe đò về Đại Lộc. Nhưng buồn nhất là ở quê không còn ai! Ba má mất từ những năm sáu mươi, khi chú còn đóng quân ngoài Bắc. Sau 30 tháng 4 năm 1975, chú và thằng con trai lớn tìm về quê, nhưng không gặp ai. Anh chị em ruột, lớp chết, lớp di tản đi đâu không ai hay.
- Mà cái xã tui giờ không biết gọi là xã gì nữa? Hồi mới giải phóng vẫn giữ tên là Đại An. Hai chục năm sau nghe tin đổi tên là Đại Hòa. Không biết đâu mà lần!
Tác giả và chú Đào Mười. |
Chú Mười đã hơn 60 năm ra Bắc. Đã tròn sáu chục năm sống trên miền đất Tổ vua Hùng này. Nhưng ký ức và nỗi nhớ về quê hương Quảng Nam thì khôn nguôi. Xa lắm rồi, những ngày đầu tuổi trẻ sôi nổi theo cách mạng, từ năm 1948 lận. Chú còn nhớ hai người bạn thân hồi đó tình nguyện lên rừng, “cà răng, căng tai” hòa mình với đồng bào Cơ Tu vận động phong trào cách mạng. Chú Mười thì ở trong đơn vị vũ trang địa phương, cho tới năm 1954 tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ. Bước lên tàu thủy ở Đà Nẵng, cứ nghĩ hai năm sau sẽ trở về. Ai ngờ đi một lèo, nay đã 60 năm. Ông bạn già rót thêm ly trà nóng, gợi chuyện, những câu chuyện hai ông đã thuộc lòng.
- Hồi ấy ra Bắc, đơn vị ông tạt vào Thanh Hóa luôn nhỉ.
- Ghé Thanh Hóa! Học tập về cải cách ruộng đất. Thiệt nhức cả đầu!
Chú Mười chậm rãi nhắc lại lần thứ bao nhiêu chuyện xưa. Năm Ất Mùi (1955) về Nam Định tham gia chống di cư. Năm Bính Thân (1956) về Thái Bình chỉnh huấn. Cuối năm đó cùng đơn vị (Trung đoàn 210, Sư 305) hành quân ra Phú Thọ. Quê hương đất Tổ những ngày giáp tết mưa lạnh tái tê, mùi vị của mùa xuân phảng phất cái nghèo sau chín năm kháng chiến gian khổ, mà người dân vừa trở về, kiến thiết lại mảnh đất cháy khét do lệnh “tiêu thổ kháng chiến”.
Tết Đinh Dậu (1957) ấy, anh em bộ đội miền Nam tập kết trong đơn vị chú Mười được bà con nông dân làng Đá Vách thuộc xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh đùm bọc trong tình thương của những Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Phụ nữ cứu quốc cũ. Chú Mười còn nhớ bà mẹ Đào Thị Mấm có con là liệt sĩ, đêm nào cũng đem bánh giò cho mấy con bộ đội gác khuya. Chú Mười từng mấy lần được nhận những tấm bánh nóng hổi của mẹ Mấm trong đêm khuya giá lạnh bên vọng gác một mình.
Hồi đó đơn vị huấn luyện nâng cao kỹ chiến thuật và làm công tác dân vận. Lăn lưng ra tập luyện ngoài thao trường cũng là một việc làm cho đỡ nhớ quê. Chú Mười hồi đó là xạ thủ giỏi của Tiểu đoàn 35. Kiểm tra bắn đạn thật lần nào cũng 3 viên 30 điểm.
- Vậy mà không được về Hà Nội duyệt binh, bị ở lại đơn vị đào đá ong xây doanh trại. Tui khóc quá trời!
Ông bạn cười hơ hơ, nói với chú Mười:
- Hồi ấy ông thấp bé, nhẹ cân. Thủ trưởng không chọn đi duyệt binh là đúng rồi.
Nhưng chú Mười tâm sự, trong cái buồn có cái vui. Không được về Hà Nội nhưng đơn vị cho nghỉ phép mấy ngày đi thăm người yêu. Làng Đá Vách có cô thôn nữ dịu dàng, chịu thương chịu khó tên là Lai, để ý tới chàng trai đất Quảng giỏi giang, vui tính. Nhân kỳ nghỉ này, chú Mười về ở hẳn trong xóm, đi gặt lúa cuốc ruộng với gia đình cô Lai. Ông già hồi đó quý lắm, quyết định gả con gái cho anh bộ đội, mặc kệ dư luận dân làng cho rằng gả chồng cho bộ đội miền Nam là mất con gái. “Xong chiến tranh, nó dắt con gái mình vào Nam biết đâu mà tìm”. Tuy ì xèo vậy, nhưng tới khi đơn vị và gia đình tổ chức đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ, dân làng đến dự rất đông. Đơn vị bộ đội tính chỉ liên hoan kẹo bánh, nước trà, nhưng ông bố vợ ngả ngay một con heo to làm cỗ cưới, rồi còn tuyên bố:
- Thằng Mười vì dân vì nước mới xa quê hương, cha mẹ. Tôi phải làm cỗ to để con nó khỏi tủi thân, nhớ nhà.
Khi vợ chồng chú Mười có được cô con gái đầu lòng, thì đúng dịp đơn vị phân tán về các nông trường làm kinh tế. Chú Mười xin phục viên rồi ở lại quê vợ làm nông nghiệp. Chàng trai xứ Quảng nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, vùng quê mới, giữa tình thương yêu đùm bọc của gia đình vợ và dân làng. Lần lượt thêm năm người con ra đời. Tính ra chú Mười có ba trai, ba gái, nếp tẻ đủ cả.
Chiều đông này, bên ly trà nóng thơm dịu, chòm râu trắng phất phơ trong gió bấc, chú Mười cười để lộ hàm răng còn chắc khỏe, nói với bạn già:
- Các ông nhát bỏ…! Sau khi vợ tui sanh thằng Kỳ, có mấy tên mới dám yêu và cưới vợ làng Đá Vách.
Ngụm trà chát và ngọt trôi đằm kỷ niệm. Ông bạn già ánh mắt xa vời vợi:
- Thì lúc đó ai chẳng nhớ quê, nhớ gia đình người yêu. Sau mới biết Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, rồi đế quốc Mỹ vào, mở rộng chiến tranh toàn miền Nam, chẳng còn hy vọng gì nữa, anh em mới cưới vợ làng đó chớ.
Thời kỳ đó, trong đơn vị ai cũng sục sôi xin trở lại miền Nam chiến đấu, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ nên không phải ai cũng được toại nguyện. Hai bàn tay già giơ ra, bấm từng đốt: “Làng này sáu thằng rể miền Nam. Tui với Trần Ấm về phục viên. Thằng Võ đi B năm sáu hai, được hai năm thì hy sinh, bỏ vợ và con gái lại đây. Ông thì chuyển ngành sang đường sắt. Thằng Tỵ sang Ty Nông nghiệp. Thằng Tưởng làm mãi ngoài mỏ Hà Lầm. Mấy năm nay chết ráo, còn mỗi hai thằng mình”.
Những năm gắn bó với dân làng, chú Mười từng tham gia du kích xã, từng ôm súng ngồi trên núi Voi bên chiếc kẻng, canh gác bầu trời khi máy bay giặc tới. Chiến tranh những năm đó đã lan ra miền Bắc, cũng ác liệt có kém gì trong quê Quảng Nam. Máy bay Mỹ đêm ngày gầm rú ngay trên những mái nhà lợp lá cọ của làng. Đêm rằm tháng 6 năm 1967, gần chục trái bom Mỹ đã ném xuống quanh núi Voi, sát hại bảy dân thường. Rồi phong trào Hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh. Anh lính cựu Đào Mười xắn tay áo cùng bà con xây dựng đội sản xuất. Bà con tín nhiệm bầu Đào Mười làm Đội phó kiêm Thư ký. Đồi cao, ruộng lầy, nơi nào cũng in dấu chân người lính Cụ Hồ mang nhiệt huyết của quê hương Quảng Nam đi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Chú Mười khoe với khách, mấy người con đều trưởng thành cả rồi. Người là giáo chức đã nghỉ hưu, người là cán bộ địa phương, người lao động chuyên cần như ba mẹ.
- Nhanh thiệt! Mới đó mà đã sáu mươi năm!
Bút ký của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ