Trong ký ức người dân thị xã Điện Bàn, phong trào đồng khởi với mốc son là trận đánh của những dũng sĩ Điện Ngọc (26.4.1962) đã trở thành khúc tráng ca về lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi tại Điện Bàn vừa diễn ra cuối tuần qua không chỉ là dịp để các thế hệ hôm nay nhìn lại quá khứ, thêm tin yêu, tự hào với quê hương, đất nước, mà qua đó tạo thêm động lực, nuôi dưỡng ý chí, niềm tin trong công cuộc xây dựng Điện Bàn ngày càng phát triển.
Một thời gian khó
Ông Bùi Hoanh (81 tuổi), khối phố Ngân Giang, phường Điện Ngọc, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Điện Bàn (trước năm 1975) vẫn nhớ như in những gian khó của cách mạng trong những năm 1959 - 1962 khi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện Luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam nhằm “tố cộng”, “diệt cộng”.
“Hồi đó, hầu như tất cả cơ sở cách mạng đều bị đánh phá, càn quét. Giặc ra sức đàn áp, khủng bố và tàn sát những người kháng chiến cũ, gia đình cơ sở cách mạng. Chúng tôi phải lui vào hoạt động bí mật, không ít cơ sở cách mạng bị lộ, nhiều đồng chí bị địch bắt giết hy sinh, toàn dân ai cũng căm thù” - ông Bùi Hoanh kể.
Tháng 1.1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II, khẳng định nhiệm vụ của Cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng.
Tháng 10.1960, tại căn cứ khe Ta Lung thuộc Tống Cói (huyện Hiên bấy giờ), Huyện ủy Điện Bàn thành lập Đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên gồm 12 đồng chí do ông Võ Như Hưng làm Đội trưởng. Đội vũ trang tuyên truyền Điện Bàn đã nhanh chóng phát triển phong trào cách mạng, liên tiếp tổ chức các trận đánh có sức vang rất lớn.
Từ năm 1960 - 1962, phong trào Đồng khởi của Điện Bàn diễn ra mạnh mẽ, lan rộng từ vùng phía Tây xuống vùng đồng bằng, về vùng cát, làm cho địch hoang mang, dao động, thế kìm kẹp của địch được nới lỏng, một số ấp chiến lược bị phá bỏ, một số mâm tề bị tiêu diệt...
Khúc tráng ca
Theo chủ trương chung của Tỉnh ủy, để mở đầu cho cao trào Đồng khởi, kế hoạch định ra là tối 25.4.1962, đội vũ trang của Điện Bàn, đội công tác các xã sẽ ém quân tại tất cả địa bàn.
Đúng 17 giờ ngày 26.4.1962, các mũi tiến công sẽ đồng loạt nổ súng đánh chiếm 6 hội đồng xã của địch, triển khai diệt ác, phá ấp chiến lược, tổ chức mít tinh, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy.
Tỉnh đội Quảng Nam đã chi viện 7 bộ đội đặc công do ông Lê Tấn Hiền (còn gọi là Viễn) làm đội trưởng cùng phối hợp với các đồng chí của huyện và xã thành một đội công tác hành quân về Điện Ngọc.
Đêm 25.4.1962, đội công tác vượt sông Tứ Câu về tới Điện Ngọc. Trong quá trình di chuyển, không may cả đội bị địch phát hiện. Đến 8 giờ sáng 26.4.1962, cả đội đến xóm Đập, thôn 3 Điện Ngọc, giáp với địch và bắt đầu nổ súng.
Trận đánh của những dũng sĩ Điện Ngọc diễn ra tại nhiều điểm trên đất Điện Nam và Điện Ngọc trong sự chênh lệch lớn giữa ta và địch. Chiều tối, địch dồn lực lượng bao vây, đội công tác di chuyển đến thôn 2 Điện Ngọc, trụ lại trong giếng cạn nhà bà Nhì. Địch dùng loa kêu gọi đầu hàng, vừa liên tiếp tổ chức các đợt tấn công vào giếng cạn.
Hơn 4 tiếng đồng hồ, các chiến sĩ kiên cường chống trả. Đêm tối phủ xuống, địch rút lui. Các chiến sĩ dìu nhau vượt ra khỏi giếng cạn. Ngay trong đêm đó, các cơ sở mật của ta ở Điện Ngọc đã tiếp cận các chiến sĩ, thương binh và đưa các tử sĩ về nơi an toàn.
Theo ông Bùi Hoanh, dù chênh lệch lớn về lực lượng, vũ khí, nhưng các dũng sĩ Điện Ngọc đã làm nên kỳ tích anh hùng, đạt được mục tiêu cơ bản là kéo địch tập trung về vùng cát để các điểm tại Điện Bàn nổi dậy đồng khởi thành công.
“Là một trong những người gắn bó với phong trào cách mạng ở Điện Ngọc, Điện Bàn từ phong trào Đồng khởi và suốt những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, tôi vô cùng tự hào về chặng đường mà đồng đội, đồng chí của tôi đã đi qua. Dù thời gian đã trôi xa, nhưng trong trái tim tôi những hy sinh, mất mát đó mãi là những ký ức không bao giờ phai nhòa” - ông Bùi Hoanh tâm sự.
Đổi thay vùng đất anh hùng
Từ một vùng quê hoang tàn đổ nát trong chiến tranh, Điện Bàn hôm nay đã vươn mình đổi thay kỳ diệu. Nhiều khu - cụm công nghiệp, khu đô thị cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng ven biển đã mọc lên. Riêng hai năm 2020 - 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng nền kinh tế của thị xã vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất đạt gần 21 nghìn tỷ đồng.
Hạ tầng đô thị, nông thôn được đầu tư nâng cấp, nhiều công trình trọng điểm được triển khai khởi công. Các công trình điện thắp sáng, cây xanh, các khu dân cư đô thị, khu phố chợ, hạ tầng các cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện.
Diện mạo đô thị, nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử được chú trọng. Đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Giếng Nhà Nhì (nơi diễn ra trận đánh của các dũng sĩ Điện Ngọc) vừa được tỉnh đầu tư kinh phí tôn tạo khang trang…
Ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn chia sẻ, xây dựng Điện Bàn giàu đẹp không chỉ là trách nhiệm mà còn là hành động thiết thực thể hiện sự tri ân thế hệ cha anh đã chiến đấu vì tự do, độc lập của quê hương đất nước.
“Truyền thống văn hóa lịch sử của đất và người Điện Bàn chính là yếu tố nhân văn có tính quyết định sâu sắc đến công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương qua các thời kỳ.
Mỗi người con Điện Bàn dù đang công tác, sinh sống nơi đâu cũng luôn vinh dự, tự hào, phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, tập trung ý chí nghị lực để xây dựng Điện Bàn phát triển toàn diện, hiện đại và văn minh, xứng đáng với truyền thống văn hóa lịch sử của quê hương, xứng đáng với những tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc” - ông Phan Minh Dũng nói.