Sâu nặng ân tình đất và người xứ Quảng

LÊ TRÂM 15/09/2018 02:14

Với nhiều thể loại: tản văn, truyện ngắn, thơ…, tập sách Răng mà thương mà nhớ (Nxb Hội Nhà văn và Saigonbook, tháng 9.2018) “cô đặc” trong 200 trang nhưng độc giả dễ dàng nhận ra tấm lòng của Lê Công Sơn - nhà báo, nhà văn dù xa quê vẫn luôn đau đáu nghĩ về đất Quảng.

Bìa tập sách.
Bìa tập sách.

Những bài viết ngắn như đang thủ thỉ, tâm tình của chính tác giả mà chỉ với Không đâu bằng nhà mình, những gian khó của Lê Công Sơn bày ra trước căn nhà nhỏ mơ ước cả đời được hai mẹ con “gom nắng, góp mưa” nhọc nhằn: “Đi đâu cũng không bằng nhà mình”. Tạm biệt nhé ngôi nhà quê êm đềm khói bếp thơm mùa rơm rạ, khoác vội chiếc ba lô lên đường vì miếng cơm manh áo nơi đất trọ Sài Gòn và không quên hẹn quê một ngày sẽ quay về”.

Biết bao kỷ niệm êm đềm hiện ra trong Bão về đi đặt lờ, Chuyện cái cổng chào, Cây cà rem tuổi thơ, Thèm món ăn quê, Có ai còn nhớ Vườn Dừa?... mà đọng lại ở đó còn là ý nghĩ về một lằn ranh mơ hồ khó vượt qua (mà sau này tác giả đã vượt qua rất đẹp) trong Chuyện cái cổng chào: “Chưa bao giờ mình dám đạp xe vượt qua hết cổng chào Quế Châu. Bởi, ngày ấy ranh giới giữa “quê và phố” đối với mình còn ghê gớm lắm…”.

Từ một cậu học trò của vùng quê nghèo nhưng ôm ấp trong lòng đầy khát khao, hơn ai hết Lê Công Sơn hiểu được những nỗi cơ cực của bao nhiêu số phận ở quê nhà. Từ sự kết nối của anh, qua báo Thanh Niên, nhiều chương trình hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, những phận đời khốn khó có cơ hội “vượt lên số phận” cùng các mạnh thường quân đã sát cánh cùng anh. Sẽ thấy rõ tình người qua các nhân vật, doanh nhân thành đạt qua những tản văn viết về anh Nguyễn Thanh Trung - TGĐ Tôn Đông Á, NSND Hồng Vân, diễn viên Trương Ngọc Ánh, ông chủ thương hiệu xe đạp Martin 107 Lâm Xuân Thi…

Lê Công Sơn cũng dành nhiều trang viết “rút ruột” về sự hiếu thảo cho những người thân thuộc quanh mình như: ngoại, má, ba vợ…, tình cảm với người phụ nữ hiền hậu luôn bên anh và những người bạn báo chí, văn chương…“sống có nghĩa có tình” cùng lời xác quyết “ăn ở có hậu trời thương” có vẻ như luôn đúng…

Góp gió thành… tập là 33 bài thơ, vẫn chung nhịp đập của một con tim nhà thơ tràn ngập cảm xúc và tưởng chừng chỉ có thơ mới “thấu hết nỗi lòng” của tác giả. Trong hành trình “đi và viết” dày đặc ấy, anh đã có những giây phút lắng lòng để cho những câu thơ bật lên: “Thèm về quê. Đã về quê/ Ngồi nghe tiếng quẫy cá tre, ao nhà (Nhịp hai). Quê nhà đất Quảng hiện rõ mồn một trong nhiều bài thơ của Lê Công Sơn như: Nhớ quê, Thơm khói đốt đồng, Gọi đò ơi…; về thời thơ dại, thương nhớ bâng quơ trong: Ghét, Người dưng, Em và hoàng hôn… Đôi khi, anh lại… rơi ra mấy câu thơ “trải nghiệm” chợt thảng thốt: “Đưa tay vuốt vội mái đầu/ Nhặt thời gian… sợi tóc sâu, giật mình (Nhặt thời gian).

Ở phần truyện ngắn, Lê Công Sơn hóm hỉnh với những câu chuyện về tuổi học trò: Công anh bắt tép, Lớp trưởng của tôi, Đi tàu chui, Kẻ làm thơ trên cây, Thằng… quỷ sứ, Câu chuyện chiều ba mươi Tết. Đó là những cô cậu dễ thương ngồi cùng bàn “Trông giống diễn viên điện ảnh quá mày ơi” đến một ngày đẹp trời bỗng biến thành đứa em gái con của dì Năm! (“Công anh bắt tép nuôi cò”); là “công cuộc chinh phục” cô lớp trưởng Thủy “phách” vô cùng nhọc nhằn rồi phải chia xa với những nỗi niềm không thể giãi bày và cả những sai lầm đến phải… mất hẳn nhau (Lớp trưởng của tôi)…

Tất cả đều nhẹ nhàng, câu chữ cứ đan xen giữa nhiều tình tiết éo le, gay cấn mà bằng quan sát tinh tế, cách thâm nhập như “đọc” được nhân vật, Lê Công Sơn đã khiến các câu chuyện trở nên duyên dáng và thu hút.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sâu nặng ân tình đất và người xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO