Bên cạnh trả lời cũng như đưa ra giải pháp đối với kiến nghị của cử tri về vấn đề môi trường, những kiến nghị chưa đúng thực tế cũng được cơ quan chức năng kịp thời phản hồi cho người dân được rõ.
Bãi rác của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam tại Núi Thành gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực xung quanh. Ảnh: V.ANH |
Kịp thời phản hồi
Sau khi tổng hợp ý kiến cử tri, những vấn đề liên quan đã được cơ quan chuyên trách kịp thời phản hồi để người dân thuận tiện theo dõi, nắm bắt vấn đề của địa phương. Trong đó, những kiến nghị như thiếu đất sản xuất cho đồng bào ảnh hưởng dự án thủy điện Sông Bung 4 hay xây mới nhà máy nước tại xã Điện Quang góp phần giải tỏa thắc mắc của cử tri.
Cụ thể, cử tri huyện Nam Giang phản ảnh các hộ dân ở thôn Vinh, thôn 2, thôn Pà Păng (xã Tà Pơ) bị thu hồi đất do triển khai dự án thủy điện Sông Bung 4 đang thiếu đất sản xuất và đất ở. Thế nhưng thực tế báo cáo của UBND huyện Nam Giang, các hộ dân tái định cư thôn 2, xã Tà Pơ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân hơn 2ha/hộ. Như vậy, các hộ dân này không thiếu đất sản xuất theo tiêu chí xác định vùng thiếu đất sản xuất tại Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT ngày 25.1.2014 của Bộ NN&PTNT. Các thôn Vinh và Pà Păng của xã Tà Pơ không có hộ dân phải di dời, tái định cư do xây dựng dự án thủy điện Sông Bung 4, diện tích đất sản xuất bị thu hồi của các hộ dưới 30% nên không ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất. Vì vậy, yêu cầu UBND huyện Nam Giang khẩn trương tổ chức kiểm tra cụ thể tình hình và có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền, trả lời cho cử tri rõ.
Đối với kiến nghị cho phép xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) xây dựng nhà máy nước sử dụng nguồn nước sông Thu Bồn nhằm bảo đảm nước sinh hoạt vì Nhà máy nước Gò Nổi chưa đảm bảo chất lượng nguồn nước, được cơ quan chức năng trả lời chưa phù hợp. Công trình Nhà máy cấp nước sinh hoạt liên xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong (Điện Bàn) được tài trợ từ Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á. Nhà máy cung cấp nước cho 22.510 người thuộc 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, có công suất 3.500m3/ngày đêm. Về chất lượng nguồn nước, đơn vị quản lý, khai thác là Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Nam thường xuyên kiểm tra xét nghiệm mẫu nước theo quy định hiện hành. Kết quả kiểm tra định kỳ mới nhất vào ngày 23.6.2017 của Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, nhận xét mẫu nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh về vi sinh và hóa lý các chỉ tiêu kiểm tra.
Sớm giải quyết ô nhiễm môi trường
Thời gian qua, ô nhiễm môi trường xuất phát từ bãi rác tập trung, chất thải từ khu công nghiệp (KCN) là vấn đề người dân Núi Thành quan tâm. Bởi đây là địa bàn đóng chân Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai và bãi rác của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam.
Cử tri phản ánh khu xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam chỉ cách khu dân cư Bích Sơn, Bích Nam (xã Tam Xuân II) khoảng 200 mét, gây ra tình trạng ô nhiễm cần sớm xử lý. Về vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã lập phương án trình UBND tỉnh di dời 8 hộ dân đang sinh sống gần khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân II. Đồng thời UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí để cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải khu chứa và xử lý rác thải tại bãi nêu trên; dự kiến cuối năm 2017 hoàn thành đưa vào hoạt động.
Tiếp thu ý kiến phản ảnh của cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Núi Thành, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam kiểm tra, có giải pháp khắc phục kịp thời các vấn đề ô nhiễm nêu trên. Thời gian đến, Sở TN-MT chủ trì, tăng cường phối hợp với UBND cấp huyện, xã (nơi có bãi rác của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam hoạt động) hàng quý tiến hành kiểm tra, nghiệm thu công tác bảo vệ môi trường tại các bãi rác này nhằm kịp thời hướng dẫn công ty thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cử tri Núi Thành cũng đề nghị sớm giải quyết tình trạng xả thải nguồn nước chưa qua xử lý từ các công ty, nhà máy... thuộc KCN trong Khu KTM Chu Lai ra khu vực sông Cầu (xã Tam Anh Nam) làm ngăn dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước và môi trường, đất canh tác (thuộc thôn Tiên Xuân II, xã Tam Anh Nam) bị san lấp, lầy lội không sản xuất được.
Hiện nay, trên địa bàn Khu KTM Chu Lai (trong phạm vi huyện Núi Thành) có 3 KCN đang hoạt động với tình trạng thu gom xử lý nước thải như sau: KCN Bắc Chu Lai đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1) công suất 1.900m3/ngày đêm, đã được UBND tỉnh cấp phép xả thải vào nguồn nước. Nước thải sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) trước khi thoát ra mương Thọ Khương dẫn ra sông An Tân. KCN hậu cần cảng Tam Hiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 4.800m3/ngày đêm, đã được Bộ TN-MT cấp phép xả thải vào nguồn nước. Nước thải sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) trước khi thoát ra sông Trầu. KCN Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải: đang đầu tư xây dựng Hệ thống thu gom và xử lý nước thải với công suất 3.800m3/ngày đêm, dự kiến đầu năm 2018 sẽ đi vào hoạt động. Hiện nay, các nhà máy hoạt động trong KCN có phát sinh nước thải đều đã được UBND tỉnh cấp phép xả thải, nước thải sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột B) được thoát vào sông Eo dẫn vào sông Trầu.
UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai chủ trì, phối hợp với UBND huyện Núi Thành, Sở TN-MT, Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, xem xét lại nội dung phản ánh của cử tri để có hướng khắc phục tình trạng ô nhiễm và xử lý theo đúng quy định (nếu có); báo cáo kết quả kiểm tra cho Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trước ngày 10.11.2017 để theo dõi, chỉ đạo.
TÂY BÌNH (tổng hợp)