Quê hương - với nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích thật giản dị, mộc mạc, và chân thành lắm. Đó là bờ đê, cây lúa, dòng sông, là người mẹ, người em tảo tần… Và ông say sưa chắt chiu từng hình ảnh nhỏ, để tự nhiên trở thành ngôn ngữ âm nhạc của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích. |
1. Một giai điệu đẹp, đầu tiên phải là thứ âm giai đi vào lòng người. Dẫu rằng nghệ thuật có những cách lý giải khác nhau về cái hay, cái đẹp, tùy quan niệm thẩm mỹ của mỗi người. Nhưng âm nhạc, cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, cái tối cần để tác phẩm “sống”, là cảm xúc. Nguyễn Hoàng Bích nói, dù nhạc ở đâu, nhạc thể loại gì, thì cũng phải đi ra từ nguồn cơn đó. “Âm nhạc phải có hồn, nhất là về giai điệu. Phải để lòng mình rung động thật sự thì những giai điệu bật lên từ cảm xúc sẽ dễ đi vào lòng người, chạm đến cõi sâu thẳm nơi người nghe. Kể cả những ca khúc đặt hàng, thì ít ra, anh cũng phải xuất phát từ những cảm xúc anh bắt gặp” - nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích nói. Tôi cắc cớ hỏi, với hàng trăm ca khúc trong gia tài âm nhạc của ông, cảm xúc đâu mà “trữ” đến nhiều vậy? Ông nhạc sĩ đôi phần dễ tính, xuề xòa này cười vang. Ông nói, nó đến từ tự nhiên, có những người chọn sự cô đơn để ôm ấp vỗ về đến cùng cạn cuộc đời, thì cũng có những người như Nguyễn Hoàng Bích, mọi suy ngẫm đều có thể ngân nga thành giai điệu.
“Bởi vì khúc ca dân gian, em à! Tôi thuộc nhiều dân ca, lại trải qua nhiều mặt trận. Thời loạn làm văn công, thời bình lại đi làm văn nghệ quần chúng. Âm nhạc quê hương thấm đẫm trong từng thớ thịt” - ông tâm tình. Và có lẽ, vì đã tìm thấy cho mình một chỗ tựa để làm ngôn ngữ tỏ bày mình, nên người nhạc sĩ này, mới tự tin, mới say sưa không ngừng nghỉ từ khi mới lớn cho đến lúc tóc đã hoa râm. Dân ca ăn sâu vào tâm thức, nên dễ hiểu vì sao, nhạc Nguyễn Hoàng Bích, ca khúc nào nghe cũng ngọt ngào, da diết. Đó cũng là nhìn nhận chung của lớp nhạc sĩ đàn anh dành cho Nguyễn Hoàng Bích. Nhạc sĩ Thuận Yến từng nói, “ngôn ngữ âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Bích bắt nguồn từ âm nhạc dân gian pha trộn với hơi thở hiện đại, vừa thắm sâu da diết, lại vừa nồng nàn khát cháy, vừa mang tính bác học, lại mang tính chất đồng quê. Cho dù ở hình thức nào, thể loại nào, các tác phẩm của anh cũng đều có tiếng nói riêng”.
Nếu là người Quảng, hẳn nhiều người cũng đôi lần ngân nga ca khúc “Hát về em gái quê hương” với ca từ giản dị: “Gửi về quê hương đất mẹ Quảng Nam yêu thương, những cô gái giỏi đảm đang kiên cường. Ngày nào em đi chiến trường gùi đạn khiêng thương, đôi vai trăm cân mà chân vẫn dồn, mang đến cho anh tiền phương công đồn…”. Ca khúc này, đến bây giờ, tuổi đời của nó đã hơn 40 năm. Cũng là ca khúc đầu tiên đưa cái tên Nguyễn Hoàng Bích đến với người dân xứ Quảng. Dẫu trước đó, ông đã viết một số bài ca cho các đoàn văn công phục vụ ở chiến khu. Nguyễn Hoàng Bích nói, khúc thức ông sáng tác đơn giản lắm, không đánh đố người nghe, không trắc trở âm điệu hay gấp gáp câu từ. Luôn luôn mượt mà, da diết. Ông say sưa như đang nói với chính mình: “Có 3 yếu tố mà tôi luôn quan tâm, đó là truyền thống - dân tộc - hiện đại, bởi đề tài về quê hương, đất nước có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người nghe. Tôi có lợi thế là thuộc rất nhiều dân ca, đặc biệt là dân ca khu V. Mười bốn tuổi tham gia cách mạng, theo đoàn văn công, cũng từ đó mà nhiều câu hò, điệu lý đã thấm lúc nào không hay. Vì vậy, mỗi lần đặt bút là chất dân ca tự đâu cứ ùa về, ăm ắp. Bối cảnh sáng tác cũng rất quan trọng, ngày xưa những hình ảnh về lao động tập thể rất đẹp và đầy xúc cảm để tôi viết nên các tác phẩm như “Hồ Cao Ngạn”, “Cây lúa quê tôi”… Họ gánh đất đắp đập, làm thủy lợi vì quê hương, không một toan tính cá nhân. Bây giờ để tìm được khung cảnh, hình ảnh ấy thật khó…”.
2. Có những khung cảnh đẹp, đã vào quá vãng, nhưng không có nghĩa chất thơ trong quê xứ mất đi. Và Nguyễn Hoàng Bích vẫn miệt mài, nhiệt tình đến các vùng quê Quảng Nam, rồi những bản ký âm dựa trên điệu hò điệu hát ra đời, như một cách đáp đền quê nhà. Người ta vẫn hay gọi ông là nhạc sĩ của địa phương ca. Tôi hỏi ông có chạnh lòng vì điều đó không. Ông nói, khi sự thanh thản và niềm vui được xem trọng thật sự, có những thứ xộc xệch trở nên không còn quá quan trọng nữa. Nếu biết cuộc đời không bao giờ hoàn hảo, thì hãy vui vẻ chấp nhận điều đó, để làm cho nó dễ chịu hơn bằng chính thái độ của mình. Mà thái độ làm việc của Nguyễn Hoàng Bích, có lẽ ai trong ngành văn hóa lẫn những người nhạc sĩ xứ Quảng đều biết. Ông chưa bao giờ chối từ những lần đặt hàng của các địa phương, hội diễn, hội thi, liên hoan hay cả viết ca khúc cho các ngành. Ông không từ nan tên tuổi bé mọn lẫn chuyện thù lao sáng tác. Cứ nơi nào cần đến mình, ông lại có mặt. Nên người ta yêu quý ông, trong nhiều lẽ, chắc có thêm lý lẽ của sự nhiệt tình này.
Tôi cứ hình dung người nhạc sĩ có tuổi này chắc sẽ không bao giờ để mình rơi vào những nỗi buồn hay cắc cớ về những được mất của một thị trường nghệ thuật hiện tại. Ông bản tính khá xuề xòa, đôi lúc rất nghệ sĩ. Đó, có khi là lý do để ông chọn những mối quan hệ yên ổn và an toàn, hơn là lao đầu vào những trắc trở buồn đau. Nên lúc nào cũng thấy ông cười nói hồn nhiên, ồn ào hồn nhiên. Dĩ nhiên, chọn nụ cười thay vì cau có, đã cho thấy một sắc màu của sự khôn ngoan, kinh nghiệm. Nguyễn Hoàng Bích lớn lên từ những mượt mà quê xứ, một cánh cò trắng trên đồng ruộng mênh mang, một tiếng gõ tách vào mạn thuyền buổi sớm mai của người chài lưới, cũng dễ khiến lòng xao động. Vì đó chính là những nét phác đầu tiên của tuổi thơ để giữ một tâm hồn an nhiên lúc về già. Tôi cứ ám ảnh mãi cái ý này trong nhạc Trần Tiến, “tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt”. Người sống trong đời, chọn một thái độ sống tích cực, hòa nhã hay cáu gắt, hơn thua, có lẽ đầu tiên, xuất phát từ những hình ảnh ấu thơ còn lưu giữ trong ký ức. Nguyễn Hoàng Bích, không biết là may mắn hay thua thiệt, khi gần như trọn đời mình, ông sống hẳn ở quê nhà Quảng Nam. “Ở đất Quảng, cũng là cách tôi trở về, không hẳn cụ thể là Hà Lam, Thăng Bình mà là tìm ngược lại vào trong” - ông nói vậy, thì tôi nghĩ, hẳn chuyện cả đời sống với đất này, là may mắn với ông rồi. Ở giữa quê hương, dễ khiến người ta thư thái và hào sảng chân thành.
Cũng chính những chuyến đi hoạt động văn hóa văn nghệ cơ sở, những chuyến lên non xuống biển, nghe ngóng người vùng cao vùng biển ca hát, là chất liệu để mỗi sáng tác của mình, Nguyễn Hoàng Bích luôn đặt để trong đó rất nhiều hình ảnh. Cứ đi, và có lẽ, để lòng như trang giấy trắng, ngõ hầu chép lại những phong phú của một cuộc sống luôn vận động, rồi khi có dịp, lại lấy nó ra làm đối sánh giữa hôm qua, hôm nay. Đó cũng là cách Nguyễn Hoàng Bích viết những ca khúc về địa phương của mình. Nên “địa phương ca” của nhạc sĩ Hoàng Bích giàu hình tượng, giàu cảm xúc, và luôn luôn ngọt ngào, sâu lắng – thứ đầu tiên ông muốn có trong tác phẩm của mình.
Cuộc chuyện trò cứ mải mê câu chuyện quê xứ, mà quên mất rằng, người dẫu vui nhưng vẫn đầy khắc khoải, về một thế hệ sáng tác mới của đất Quảng, về cách thức quảng bá tác phẩm nghệ thuật ở một miền đất xa chốn đô thành… Ông Bích nói, trên cương vị một người đã từng làm quản lý văn hóa, bây giờ, lại là người cầm trịch của Hội Văn nghệ, rằng ở xứ mình, nghệ thuật mới chỉ dừng ở... vui là chính. Để sống chỉ đơn thuần bằng sáng tác, khó lắm!
SONG ANH