Sẽ cải tiến kỳ thi THPT quốc gia

XUÂN PHÚ 03/08/2018 02:01

Sáng 2.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên cả nước tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự.

Giám thị kiểm tra thí sinh trước khi bước vào phòng thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: XUÂN PHÚ
Giám thị kiểm tra thí sinh trước khi bước vào phòng thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: XUÂN PHÚ

Tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT, Tài chính, phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố tham gia hội nghị.

Không xóa bỏ kỳ thi quốc gia

Trong số những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hiện nay của ngành GD-ĐT như thiếu trường lớp, giáo viên, đổi mới chương trình, sách giáo khoa gặp khó…, nóng nhất vẫn là dư âm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Hầu hết ý kiến của các địa phương, bộ, ngành Trung ương phát biểu tại hội nghị đều đề cập sai phạm dẫn đến vi phạm pháp luật trong khâu chấm thi tại một số địa phương vừa qua. Đồng tình với chủ trương đột phá trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện; đồng thời nên có giải pháp đấu tranh, phòng ngừa nhằm ngăn chặn việc lợi dụng sơ hở của kỳ thi để gian lận.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, đề thi chưa thật sự phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia. Có những câu hỏi có độ khó cao, nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh nhưng đã làm cho đề thi khó hơn các năm trước, khó so với yêu cầu của thi THPT. Phần mềm chấm trắc nghiệm đã được hoàn thiện một bước, song vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Theo ông Nhạ, để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi, gây tâm lý hoang mang trong học sinh và dư luận xã hội, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT trong tất cả các khâu cũng như của địa phương chưa thật sự đầy đủ.

Trước vụ việc nghiêm trọng xảy ra vừa qua tại Hà Giang, Sơn La dẫn đến một số cán bộ ngành GD-ĐT bị khởi tố, bắt giam, song Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định không thay đổi hoặc xóa bỏ kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới mà cần tiếp tục hoàn thiện kỳ thi, vừa lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học. Về giải pháp khắc phục những hạn chế như vừa qua, bộ cho rằng sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi. Đồng thời hoàn thiện phần mềm chấm thi, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng tập trung theo các cụm và tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT. “Tất nhiên không thể khắc phục ngay mà cần có thời gian, lộ trình, có những vấn đề cần vài ba năm với sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương mới giải quyết được” - ông Nhạ nhấn mạnh.

Tiếp tục lộ trình đổi mới

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết năm học 2017 - 2018 toàn ngành thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như thiếu trường lớp, nhất là bậc mầm non ở khu công nghiệp; tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ chưa giải quyết; lạm thu vẫn còn xảy ra; đổi mới chương trình, sách giáo khoa chưa đạt tiến độ đề ra; sinh viên ra trường không có việc làm còn nhiều… Về nhiệm vụ trong năm học 2018 - 2019, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp, ổn định những đổi mới của ngành.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết năm nay sẽ đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nhìn lại chặng đường đã qua có thể thấy khá rõ chúng ta đạt được nhiều kết quả tích cực, cách dạy và học có chuyển biến rõ nét, nhiều trường đại học đã thực hiện tự chủ có hiệu quả. Theo Phó Thủ trướng, lộ trình đổi mới phải tiếp tục được đẩy mạnh. Giáo dục được toàn dân quan tâm và góp ý rất tâm huyết, kể cả phê phán, đó là điều may mắn. Vì vậy, phải mở ra nhiều diễn đàn để tạo sự đồng thuận xã hội.

Đề cập đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói, cả nước hiện có hơn 1 triệu giáo viên. Phần lớn thầy cô đều gương mẫu, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận là có không ít người thiếu gương mẫu, vi phạm đạo đức nhà giáo như “làm đẹp” học bạ, dạy thêm học thêm không đúng quy định. Lâu nay nói đến thầy cô chúng ta thường tôn vinh chứ không đề cập mặt chưa tốt. “Thời gian tới, đề nghị toàn ngành đẩy mạnh đổi mới, song với tinh thần phải cầu thị, lắng nghe để đưa sự nghiệp GD-ĐT phát triển, đáp ứng kỳ vọng của người dân” - Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẽ cải tiến kỳ thi THPT quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO