Hình ảnh những đứa trẻ đen nhẻm đứng cạnh mẹ háo hức chờ đổi bộ sách giáo khoa cũ giữa trưa nắng gắt ở chợ Nồi Rang (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) gợi cho tôi nhiều ý nghĩ…
Bước vào lớp 7, cô bé Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Duy Nghĩa) trông nhỏ như học sinh lớp 5. Theo mẹ đi chợ, Hạnh ôm theo bộ sách giáo khoa lớp 6 đến quầy đổi sách cũ. “Quầy sách” cũng chỉ là chiếc bàn đặt ngay cổng chợ Nồi Rang của chị Thúy Hoa. Hạnh muốn đổi bộ sách lớp 7 nhưng chị Hoa cho biết hiện chưa có bạn nào nhượng sách lớp 7, đợi thêm 2, 3 hôm nữa xem thế nào. Nhìn bộ sách lớp 6 Hạnh vừa đặt xuống chiếc bàn bám đầy bụi đường của chị Hoa, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi dù là sách cũ nhưng trông cứ như mới. Hạnh nói: “Sách này cũng là bộ sách cũ năm ngoái con đổi được. Năm nào con cũng đổi sách cũ để học và giữ gìn cẩn thận để có thể tiếp tục đổi khi năm học kết thúc. Bởi không riêng con mà nhiều bạn nhỏ ở đây chủ yếu đổi sách cũ để tiết kiệm chi phí cho ba mẹ mỗi mùa khai giảng”.
Bàn đổi sách giáo khoa cũ ở chợ Nồi Rang. Ảnh: M.KIỆT |
Đổi sách là chuyện có lẽ không mới ở vùng quê nghèo bởi phần lớn kinh tế các gia đình tại đây còn hạn chế. Trong khi đó, giá một bộ sách giáo khoa mới tùy thuộc vào từng lớp, thấp nhất gần một trăm ngàn đồng. Việc các em gìn giữ sách cẩn thận để có thể trao đổi ngoài phục vụ nhu cầu học tập còn có cả sự sẻ chia. Đó là sự sẻ chia giữa các bạn nhỏ, sẻ chia với gánh nặng của cha mẹ để con đường đến trường được dài hơn. Chị Thúy Hoa, người đổi sách lâu năm cho học trò nghèo chia sẻ: “ Không ai kinh doanh qua chuyện đổi sách. Tôi làm công việc này hơn 10 năm, hễ gần đến ngày khai trường là lại mang cái bàn nhỏ này ra để ở góc chợ Nồi Rang. Ngày xưa vì nhà nghèo không có tiền mua sách vở nên tôi phải nghỉ học. Bây giờ, nhận và đổi sách cho mấy đứa nhỏ để chúng có thể tiết kiệm chi phí, thêm thắt chuẩn bị cho năm học mới. Nhìn khuôn mặt hạnh phúc, nụ cười rạng rỡ của học trò khi có sách, lòng tôi cũng bồi hồi”.
Năm này qua năm khác, những đứa trẻ ở vùng cát Duy Nghĩa, Duy Hải đã lớn lên, trưởng thành bằng những bộ sách giáo khoa cũ. Góc chợ Nồi Rang vẫn luôn đặt để chiếc bàn con của chị Hoa, là địa chỉ tin cậy để các em học sinh nghèo tiếp sức đến trường.
MINH KIỆT