Những ngày qua, nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Nông Sơn và Đại Lộc đã tổ chức hoạt động thiện nguyện thiết thực để chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ.
Bánh tét nghĩa tình
Dù trời mưa tầm tã nhưng chị em phụ nữ tại xã Sơn Viên (Nông Sơn) vẫn tất bật đi hái lá chuối, lau khô, hơ lửa rồi vo nếp để gói bánh tét gửi cho đồng bào vùng bão lụt Quảng Bình, Quảng Trị.
Chị Trương Thị Tuyết (xã Sơn Viên) cho biết, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị em phụ nữ Sơn Viên thấy cảnh người dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sống chung với lũ, nhiều gia đình lũ ngập quá sâu không có chỗ để nấu ăn nên chị em nghĩ đến việc nấu bánh tét gửi ra cho bà con dùng tạm.
Sau khi nghe ý tưởng của chị Tuyết, các mạnh thường quân ủng hộ gần 1 tạ nếp, đậu và ngay trong buổi chiều, gần 20 phụ nữ và đoàn viên đã gói được 300 đòn bánh tét, nấu đến khuya để sáng hôm sau kịp chở đi Đà Nẵng, chuyển cho bà con vùng ngập lũ.
Ngoài việc kêu gọi nấu bánh tét, chị Tuyết cũng tích cực vận động, quyên góp nhiều nhu yếu phẩm khác để gửi ra các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt. Tương tự, chị em phụ nữ thôn Bình Yên (xã Phước Ninh) cũng đang hối hả tìm lá, gói bánh để kịp nấu, chuyển đi.
Tại các xã Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc), vùng đang bị ngập sâu, chia cắt do lũ, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng ngập sâu, sạt lở đất, hư hại nhà cửa, vườn tược, hoa màu nhưng vẫn chung tay vì khúc ruột miền Trung.
Bà Nguyễn Thị Mừng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc chia sẻ, ngay khi huyện hội triển khai ý tưởng, nhiều chị em đã đội mưa đi kiếm lá chuối lau khô, hơ lửa, chẻ lạt gói bánh tét, bánh chưng. Hội LHPN huyện kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp được 1 tạ nếp chuyển về cơ sở, dự tính sẽ gói khoảng 600 chiếc bánh để gửi ra các tỉnh.
“Đại Hưng, Đại Lãnh là hai xã bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ nhưng tinh thần tương thân tương trợ của người dân và cán bộ hội rất đáng quý, trong cái khó, nghĩa tình càng thêm đậm đà, lớn lao” - bà Mừng chia sẻ.
Nhường cơm sẻ áo
Nhằm chia sẻ với những khó khăn của học sinh ở các huyện miền núi sau mưa lũ, sạt lở, Phòng GD-ĐT huyện Nông Sơn đã phát động phong trào quyên góp sách vở, áo quần cũ trong học sinh, cán bộ, giáo viên 9 trường học trên địa bàn.
Em Nguyễn Vĩnh Kỳ Duyên (lớp 7/3, Trường THCS Phan Châu Trinh) tâm sự: “Nghe cô giáo thông báo vận động quần áo cũ cho các bạn học sinh gặp khó khăn sau lũ lụt, con về nhà cùng mẹ lục tìm, chọn những bộ đồ còn tốt để đem lên trường gửi tặng. Các bạn trong lớp còn tặng cả sách giáo khoa, hộp bút nữa”.
Cô Nguyễn Thị Hạ Mơ - Tổng phụ trách Đội nhà trường cho biết: “Sau một tuần kêu gọi, liên Đội trường đã phân loại 10 bao quần áo, sách vở cũ của học sinh, giáo viên, phụ huynh trong trường ủng hộ. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm chung tay san sẻ bớt những khó khăn do thiên tai với đồng bào, vừa giáo dục cho các em tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái” - cô Mơ nói.
Tại Đại Lộc, từ ngày 8.10 đến nay, Nhóm thiện nguyện Diệu Sương Ánh Tuyết đã nỗ lực kêu gọi cộng đồng chung tay vì người dân vùng lũ với hàng nghìn suất quà tặng tới tay từng hộ nghèo, người già neo đơn. Trong những ngày mưa lũ, nhóm đều đặn nấu cháo, cơm cấp phát tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam với hàng nghìn suất ăn miễn phí. Nhóm còn đến từng ngôi làng, lội trong nước lũ, đội mưa đến từng nhà dân, chia sẻ với từng hoàn cảnh khó khăn; đồng thời chung tay vận động tổ chức các chuyến xe nghĩa tình chở quà hỗ trợ bà con các tỉnh miền Trung đang oằn mình gánh chịu hậu quả thiên tai...
Theo bà Nguyễn Thị Mừng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc, huyện hội đã nỗ lực kêu gọi các mạnh thường quân, kết nối với Nhóm thiện nguyện trẻ Đà Nẵng, Hội thiện nguyện Nha Trang - Đà Nẵng hỗ trợ người dân khó khăn 50 suất quà; hỗ trợ người dân xã Đại Phong, Đại Cường 200 suất và hỗ trợ 101 suất tại 2 xã Đại Lãnh, Đại Hưng với tổng số tiền và quà kết nối, vận động khoảng 60 triệu đồng.
“Dù cùng gánh chịu ảnh hưởng do lũ lụt nhưng khi thấy bà con Huế, Quảng Bình, Quảng Trị bị thiên tai, lũ lụt hoành hành, ai nấy rưng rưng và sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo. Trong khó khăn, hoạn nạn mới thấy tấm lòng sẻ chia càng cao quý” - bà Mừng nói.