Thấu hiểu những mất mát, khó khăn của đồng bào vùng lũ Lai Châu, các bạn trẻ Quảng Nam đã lên đường thực hiện cuộc hành trình “đi để sẻ chia”…
Những phần quà cứu trợ được đoàn chuẩn bị trao cho bà con ở thị trấn Tân Uyên (Lai Châu). Ảnh: Như Ngọc |
Chuyến đi vội vàng
Ngay sau khi các thông tin, hình ảnh về những thiệt hại nặng nề do lũ quét và sạt lở đất ở tỉnh Lai Châu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, chị Nguyễn Thị Như Ngọc (phường An Xuân, TP. Tam Kỳ) đã hình dung về một chuyến đi Tây Bắc để kịp thời sẻ chia với bà con trong cơn khốn khó, góp thêm một bàn tay xoa dịu bớt nỗi đau nơi vùng lũ. Từng chứng kiến những cảnh đau thương tương tự ở khúc ruột miền Trung quê nhà, trái tim thiện nguyện đã thôi thúc chị ra Bắc với điểm đến là Lai Châu, ngay vùng lũ. Nghĩ là làm, chị cùng 4 người bạn bắt tay ngay vào việc chuẩn bị mọi thứ để chuyến đi có thể khởi hành sớm nhất.
Chị Ngọc cùng các bạn kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm qua các trang mạng xã hội. Sức mạnh của công nghệ số đã kết nối những tấm lòng yêu thương, đồng lòng thiện nguyện vì bà con Lai Châu, chỉ trong vòng 4 ngày nhóm thiện nguyện của chị Ngọc đã kêu gọi được số tiền hỗ trợ lên tới gần 200 triệu đồng. Gấp vội những tấm chăn, vài bộ áo mưa và những đôi giày vải làm hành trang, chuyến xe nghĩa tình của người dân xứ Quảng bắt đầu lăn bánh. “Đêm trước ngày đi, hầu như chúng tôi ai cũng mất ngủ. Phần vì lo lắng đường xa, khó khăn do sạt lở ở nhiều nơi. Phần vì hồi hộp, mong trời mau sáng để kịp ra với đồng bào. Sớm ngày nào, quý ngày đó” - Chị Ngọc chia sẻ.
Năm giờ sáng ngày cuối tháng 6, đoàn tập kết rồi đi thẳng ra Hà Nội, chỉ kịp dừng mua hàng hóa, lương thực trao tặng bà con rồi tiếp tục lên Lai Châu. Dù đã biết được thông tin và hình ảnh qua báo đài nhưng khi chứng kiến tận mắt, cả đoàn vẫn không khỏi bàng hoàng trước cảnh tượng do thiên tai gây ra. Lũ quét cuốn trôi mọi thứ, nhiều bản hầu như bị xóa sổ, đường đi hư hỏng, chia cắt, cảnh tượng hoang tàn đổ nát. Đoàn thiện nguyện dừng chân đầu tiên ở thị trấn Tân Uyên, một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Lai Châu. Họ chỉ kịp nhìn nhau, đủ để biết rằng tất cả bình an qua chuyến đi ngàn dặm trường, rồi bắt tay ngay vào công việc trao quà cứu trợ cho đồng bào, mở đầu cuộc hành trình thiện nguyện.
Sản sẻ yêu thương
Chị Ngọc cho biết, từ Sìn Hồ, đoàn chia nhau làm công việc thiện nguyện, nhóm nam vác gạo, nhóm nữ khiêng mì tôm, chăn màn, quần áo với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” để đưa đồ cứu trợ đến tận tay bà con. Đoàn gặp gỡ, tặng quà, dành thời gian chia sẻ với các gia đình có thân nhân thiệt mạng do mưa lũ. Đó cũng là khoảng thời gian đầy xúc động, khi có những gia đình 5 người mất hết cả 5, không còn ai hương khói. Có gia đình ba mất, mẹ bị thương, 5 đứa con còn thơ dại thẫn thờ nhìn nền nhà cũ ngổn ngang đá sỏi. Những cảnh tượng xé lòng. Đi đến đâu, đoàn thiện nguyện cũng cố gắng ngồi lại với họ, dành những lời động viên, sẻ chia với đau thương mà đồng bào đang trải. Thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 5 gia đình, đoàn lại tiếp tục hành trình. Vào đến thị trấn Tân Uyên, đoàn trao tiền hỗ trợ cho 2 gia đình bị sập nhà và 16 gia đình khác bị lũ cuốn trôi hoàn toàn tài sản. Hàng chục suất quà khác được mang đến cho những gia đình còn lại trong bản. Sau 4 ngày ở thị trấn Tân Uyên, đoàn tiếp tục di chuyển qua huyện Mường Tè, lại gặp gỡ, trao quà, động viên bà con, rồi mới trở về xứ Quảng.
Anh Từ An Nhiên - thành viên trong đoàn, tâm sự: “Một tuần với bà con vùng lũ Lai Châu là những ngày dài cảm xúc. Nghẹn ngào mất mát chia ly, ngổn ngang, bộn bề gian khó. Những phần quà tuy ít ỏi, chỉ là những thùng mì tôm, vài cân gạo, vài bộ quần áo, những mong góp phần xoa dịu nỗi đau cho đồng bào trong cơn hoạn nạn. Những ánh mắt cảm động, những cái siết tay thật chặt của bà con đã xua tan những mệt mỏi, nhọc nhằn của các thành viên trong đoàn. Những đêm dài không ngủ trên những con đường gập ghềnh, những lúc ăn vội phần cơm nắm hay một gói mì tôm… sẽ trở thành những kỷ niệm cho cuộc hành trình của chúng tôi, một cuộc hành trình dài, gian khó nhưng mang thật nhiều ý nghĩa…”. Cơn lũ đi qua đã gây ra quá nhiều mất mát cho người dân. Và từ nỗi đau mất mát ấy, đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái của cả cộng đồng với người dân vùng lũ Lai châu, trong đó có những con người Quảng Nam giàu lòng nhân ái…
KIỀU LY