Sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn

TRỊNH DŨNG 17/03/2023 09:00

Kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021 - 2025) sẽ phải điều chỉnh vì thiếu nguồn lực.

Dự án nâng cấp mở rộng đường Hùng Vương (Tam Kỳ) hay cầu Nghĩa Tự (Điện Bàn) được cho là có khả năng sẽ bị giãn tiến độ đầu tư. Ảnh: T.D
Dự án nâng cấp mở rộng đường Hùng Vương (Tam Kỳ) hay cầu Nghĩa Tự (Điện Bàn) được cho là có khả năng sẽ bị giãn tiến độ đầu tư. Ảnh: T.D

Điều chỉnh vì thiếu nguồn lực

Theo Sở KH-ĐT, giai đoạn 2021 - 2023 đã giao hơn 20,1 nghìn tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021 - 2025), gồm ngân sách địa phương hơn 14,2 nghìn tỷ đồng, đạt 54% theo nghị quyết HĐND tỉnh giao và ngân sách trung ương gần 5,9 nghìn tỷ đồng, đạt 48% Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KHĐT cho biết, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2023 còn nhiều vướng mắc khi dự báo, lập, xây dựng kế hoạch vốn chưa sát thực tế và khả năng giải ngân. Tỷ lệ giải ngân không đạt tiến độ (năm 2021 đạt 83,3%, 2022 đạt 73,5% và 2 tháng đầu năm 2023 giải ngân chỉ đạt 5%).

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát thật sự cụ thể về nguồn lực, các công trình đầu tư để lên danh sách cắt giảm, hoãn, giãn hoặc dừng (kỹ thuật) đầu tư vào cuối năm 2025 hoặc chuyển sang giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư.

Các nghị quyết HĐND tỉnh nếu không hấp thụ vốn thì đề nghị dừng đầu tư hoặc bãi bỏ. Chậm nhất đến cuối tháng 3/2023, UBND tỉnh phải có báo cáo phân bổ vốn, hoàn chỉnh danh mục đầu tư sẽ cắt giảm hay điều chỉnh để Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến và quyết định tại các kỳ họp HĐND tỉnh.

Theo thống kê, nguồn ngân sách trung ương cân đối 3 năm đã đạt khoảng 52% so với kế hoạch đầu tư trung hạn. Số còn lại dự kiến Trung ương sẽ giao đảm bảo kế hoạch. Tuy nhiên, nguồn ngân sách tỉnh cân đối mới chỉ đạt 42%.

Thiếu hụt nguồn vốn cân đối, nên chỉ có 133/200 dự án được khởi công, đạt khoảng 60 – 70% dự án nhóm C, 50 – 60% dự án nhóm B.

Sở KH-ĐT dự báo sẽ hụt thu nguồn vốn đầu tư cho kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 – 2025 khoảng 6.000 tỷ đồng, nên buộc phải tính toán đến việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư cho phù hợp thực tế nguồn lực của địa phương.

Sở KH-ĐT lý giải, hụt thu do Quốc hội không cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư (khoảng 5.300 tỷ đồng) và nguồn thu từ sử dụng đất sẽ không đạt 10.175 tỷ đồng, khi 3 năm qua đưa vào cân đối chỉ đạt 29% (hơn 1,4 nghìn tỷ đồng).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, thực tế thực hiện không như dự kiến so với việc dự báo, đánh giá nguồn vốn có thể có được trong kỳ trung hạn này lớn.

Một khi đã đưa vào danh mục đầu tư, dự án nào cũng bức thiết nên không thể cắt, sẽ vẫn duy trì danh mục đó, nhưng thiếu nguồn đảm bảo nên phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư. Sẽ không cắt dự án nào, chỉ lùi thời gian thực hiện, đưa vào danh mục đầu tư chậm hơn để tiếp tục cân đối nguồn, đánh giá khả năng thu.

Đến năm cuối giai đoạn, quyết định đầu tư hay không thì còn chờ, tùy thuộc vào nguồn lực địa phương. Nếu như bất khả kháng, không thể có nguồn thì buộc lòng phải điều chuyển và không đầu tư công trình mới nào ngoài danh mục đã công bố.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dự báo sẽ hụt đến 6.000 tỷ đồng đầu tư, còn con số chính xác là bao nhiêu thì đến cuối ngày 31/12/2025 mới biết cụ thể. Quan điểm của UBND tỉnh là dự đoán tương đối số hụt thu.

Kỳ họp HĐND cuối năm 2024, xem xét lại khả năng cân đối. Nếu có nguồn sẽ tiếp tục đầu tư. Nhưng chắc chắn sẽ không có nguồn. Một số dự án đành phải chấp nhận chuyển sang giai đoạn 2026 – 2030. Tuy nhiên, sẽ chuyển bao nhiêu dự án, hoãn, dãn, lùi thời gian nào thì sẽ tiếp tục luận bàn trên cơ sở rà soát, phân tích.

Cân nhắc cắt giảm hay điều chuyển

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, dự án nào sẽ buộc phải dừng, hoãn, giãn hay điều chuyển sang giai đoạn sau là điều đang được các chủ đầu tư, địa phương quan tâm.

Ông Trần Xuân Vinh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói thiếu hụt nguồn đầu tư thì điều chỉnh là chuyện sẽ phải thực hiện. Chậm nhất đến tháng 6/2023 phải thực hiện hoàn tất. Tuy nhiên, các sở chuyên ngành cần xem xét, rà soát dự án nào dừng, dự án nào cần điều chỉnh, tính toán hợp lý cơ cấu giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở đồng thuận giữa các địa phương. Nếu không sẽ gặp khó khăn.

Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, không thể nói cắt là cắt được. Cần nghiên cứu theo hướng những dự án nào ít tác động đến người dân, chưa thực sự cần thiết, chưa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương thì có thể kéo dài thời gian để đầu tư.

Dưới góc nhìn của các chủ đầu tư và địa phương hưởng lợi từ các công trình đầu tư, ông Huỳnh Xuân Sơn – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam cho rằng cần công bố sớm dự án nào bị cắt giảm hay điều chuyển để chủ đầu tư có thể biết mà dừng lại các thủ tục.

Ông Vũ Văn Thẩm – Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói khi ngân sách khó khăn thì việc cắt giảm hay điều chỉnh là điều cần thiết, dù biết việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của địa phương. Nhưng cắt giảm thế nào cho biện chứng, khoa học trên cơ sở các cơ quan quản lý sử dụng công cụ kiểm đếm về tính bức thiết của dự án hay không để cắt giảm mới có tính thuyết phục.

Quan trọng hơn, một khi cắt giảm hay điều chuyển cần bố trí một khoản kinh phí giải phóng mặt bằng, để đến khi quyết định tiếp tục đầu tư sẽ nhanh chóng hấp thụ vốn, hoàn thành dự án đúng tiến độ thì hợp lý hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO