Se duyên với đất Thanh Hà

SONG ANH – PHAN VINH 03/04/2016 06:57

Nhiều người khi tìm đến Công viên Đất nung Thanh Hà (Hội An) khá thích thú với những kỳ quan thế giới thu nhỏ bằng đất sét trưng bày tại đây. Người ta tự hỏi tại sao lại có những đôi tay tinh tế đến mức sắc sảo với từng đường nét nhỏ nhất.

Hoàng Thành Truyền và công đoạn tạo tác sản phẩm của mình.
Hoàng Thành Truyền và công đoạn tạo tác sản phẩm của mình.

Và câu trả lời ở chàng trai đến từ Nghệ An, Hoàng Thành Truyền. Một nhà điêu khắc trẻ, tốt nghiệp ngành mỹ thuật tại Hà Nội, từng làm việc ở làng gốm Bát Tràng, và bây giờ chọn ở hẳn Hội An. Lý do Truyền đến Hội An, bởi “yêu thích nhịp sống êm ả, hiền hòa nơi đây”. Và lại có duyên khi trong những lần lang thang làm đủ nghề ở phố cổ, lại gặp điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Chính trong lần ngồi café với ông Hạng, Truyền đã được giới thiệu đến một người mát tay cho những dự án liên quan đến gốm, đất nung, là Nguyễn Văn Nguyên – ông chủ của Công viên Đất nung Thanh Hà. Đôi bàn tay từng vọc đất ở ven sông Hồng, với những sản phẩm có tiếng Bát Tràng, bây giờ lại về vọc đất sông Thu. Những mô hình thu nhỏ của các di sản văn hóa Việt Nam, từ Khu đền tháp Mỹ Sơn, Chùa Cầu Hội An, Văn miếu Quốc Tử Giám đến các mô hình thu nhỏ những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới ở công viên cũng do một tay Truyền sáng tác. Kim tự tháp Ai Cập, đền Parthenon, Đấu trường Colosseum, Khải hoàn môn, tòa thành Vatican… quy tụ về Việt Nam, nhỏ nhắn, sắc sảo bằng chất liệu đất sét. Và không dừng lại ở đó, sẽ có thêm 7 mô hình các kỳ quan thế giới dành cho khu vực trưng bày ở ngoài trời cho Công viên đất nung Thanh Hà thành hình trong nay mai.

Từ những sản phẩm này, Hoàng Thành Truyền được biết đến nhiều hơn. Nhận điêu khắc trên tất cả nguyên liệu, từ đất, xi măng cho đến nhựa composite…, vừa để trang trải cuộc sống vừa để khám phá thêm mình. Tuy nhiên, một thời gian dài anh gặp khó khăn khi tiếp xúc với nguồn nguyên liệu đất sét ở Quảng Nam. “Vốn dĩ, đất sét ở Thanh Hà nói riêng và Quảng Nam nói chung không giống với những nơi khác mình từng biết. Chính vì thế, ban đầu mình phải mất khá lâu để làm quen với nguồn nguyên liệu này. Sự chịu nhiệt cũng như độ liên kết của đất Thanh Hà rất kém. Vì vậy mà những tác phẩm mình làm ra, sau khi nung bị biến dạng hoàn toàn và xuất hiện nhiều vết nứt. Nếu làm những tác phẩm có kích thước nhỏ, mức độ co sau khi nung sẽ thấp. Tuy nhiên, đối với những tác phẩm có quy mô lớn thì rất khó mà như ý”, Truyền tâm sự. Sau một thời gian tìm hiểu và thử nghiệm, Truyền đã tính toán được độ co đó và bắt đầu có những tác phẩm đúng với bản phác thảo ban đầu. Mới đây, 2 tác phẩm trụ biểu gốm điêu khắc nghệ thuật mà TP.Hội An tặng nhân dân TP.Thanh Hóa đợt kỷ niệm 55 năm ngày kết nghĩa của 2 địa phương (12.2.1960 – 12.2.2016) đều là những sản phẩm do Truyền làm nên. Những chi tiết tinh xảo, buộc anh phải tính toán kỹ lưỡng đến tỷ lệ 1:1 mới có thể hoàn thành. Truyền chia sẻ: “Hiện tại, khách hàng muốn đặt hàng những tác phẩm quy mô lớn nhỏ như thế nào thì mình cũng có thể cân nhắc nhận làm. Nhưng với điều kiện là khách hàng phải chịu chơi và hiểu rõ môn nghệ thuật này mới thấy giá trị bởi để hoàn thành nó, giá thành không hề rẻ”.

Phải đam mê, yêu nghề, Hoàng Thành Truyền sau 6 năm đặt chân đến phố cổ Hội An mới quyết định ở hẳn tại Thanh Hà, và làm nghề. Bên trong con người trẻ với mái tóc dài lúc nào cũng được buộc gọn và chất giọng đã pha một ít tiếng Quảng ấy, lòng nhiệt huyết với nghề và mong muốn xây dựng cho xứ “đất chưa mưa đã thấm” này vẫn đang hừng hực. “Sắp tới, nếu đủ điều kiện, mình sẽ tìm cách quảng bá thêm cho làng gốm Thanh Hà bằng việc xây dựng thương hiệu với những tác phẩm điêu khắc trên đất sét của mình chứ không đơn thuần là làm theo đơn đặt hàng nữa”, Truyền nói.

Và Hoàng Thành Truyền không phải là chàng trai duy nhất từ nơi khác tìm đến làng gốm. Đỗ Ngọc Thi Ca – một chàng trai Hà Nội và có lẽ, cả nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng của CLB Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, đều có chung một hy vọng, rằng “phải để gốm sống lại”. Đỗ Ngọc Thi Ca chọn mở một xưởng gốm ngay nền cũ của một nhà làm gốm lâu đời của vùng Cẩm Hà, cải tạo mẫu mã các sản phẩm gốm nhưng vẫn đẹp, và vẫn rất truyền thống. Tranh gốm, đèn gốm, lu, vại được trang trí tinh vi dành cho những không gian du lịch sang trọng, đã định hình tên tuổi Đỗ Ngọc Thi Ca. Với 3 showroom trưng bày tại Đà Nẵng, Hội An và Sài Gòn, người đàn ông chưa đến 40 tuổi này nói, dù cải tiến như thế nào đi nữa, thì bản sắc gốm Thanh Hà vẫn còn nguyên đó. Bởi chất liệu đất ven sông Thu và những bàn tay nghệ nhân tạo tác, đã phả vào đó một “khí chất” riêng. Cũng như Hoàng Thành Truyền, bí quyết về độ nung cũng như tráng thêm một lớp men Bát Tràng lên một số sản phẩm lưu niệm, đã giúp cho Đỗ Ngọc Thi Ca vững vàng sống trên “đất lạ”, bằng chính nghề truyền thống của vùng đất.

Mà có lẽ, gần 10 năm trôi, “đất lạ” cũng đã hóa tâm hồn.

SONG ANH – PHAN VINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Se duyên với đất Thanh Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO