(QNO) – Ngày 12/5, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam có Công văn 35/BQL-QLBVR gửi một số cơ quan báo chí, trong đó có Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam về việc làm rõ một số nội dung phản ánh về hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phận do đơn vị quản lý.
Ngày 11/5/2025, Báo - Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam đăng bài: "Nhiều cây thông caribe ở rừng phòng hộ Phú Ninh bị chặt phá" có nội dung phản ánh về tình trạng đốn hạ nhiều cây thông caribe trong rừng phòng hộ Phú Ninh thuộc khu vực núi Dương Huê (xã Tam Dân, Phú Ninh).
Về vấn đề này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam trân trọng cảm ơn và tiếp thu thông tin phản ánh của báo về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phận của đơn vị. Theo chủ rừng, thời gian qua đơn vị đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét, chốt chặn tại các điểm nóng về phá, lấn chiếm đất rừng, thực hiện ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, chính quyền địa phương (hạt kiểm lâm, UBND xã, Công an xã, các phòng chức năng của huyện Phú Ninh, Núi Thành…) trong việc quản lý, bảo vệ rừng thuộc lâm phận được giao, cũng như địa bàn xã Tam Dân nói riêng.
"Riêng tại xã Tam Dân, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam có một tổ bảo vệ rừng đóng tại khu vực Dương Huê (thôn Kỳ Tân) gồm 8 cán bộ viên chức và lao động bảo vệ rừng nên công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng luôn được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không có việc buông lỏng quản lý" - nội dung văn bản nêu.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cho biết vị trí đốn hạ cây trái phép mà báo phản ánh nằm trong diện tích 53,79ha rừng trồng keo tai tượng đã được UBND tỉnh thống nhất thanh lý rừng tại Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 20/3/2024 về việc thanh lý rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra và tận thu lâm sản tại khoảnh 2, 3 Tiểu khu 582 khu vực Dương Huê, xã Tam Dân. Những cây thông này được trồng ở các dự án trồng rừng trước đây, phân bố rải rác và trong quá trình thiết kế trồng rừng keo tai tượng đơn vị đã giữ lại cho đến nay.
Về quá trình khai thác tận thu, chủ rừng đã lựa chọn Công ty Đấu giá hợp danh Hòa Thuận tổ chức bán đấu giá tài sản và ký hợp đồng với đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Cơ giới và vận tải Hưng Quốc triển khai thực hiện thanh lý rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra và tận thu lâm sản tại khoảnh 2, 3 Tiểu khu 582 khu vực Dương Huê, xã Tam Dân.
Trong quá trình triển khai thu gom tài sản của đơn vị trúng đấu giá có sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của các lực lượng như Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam và lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ và ven biển Quảng Nam.
Đối với khối lượng tận thu, trong đó có 70% là cây keo tai tượng bị ngã đổ do bão, còn lại 30% cây đứng; trong diện tích 53,79ha không có lim xanh, một số khu vực có cây thông, sao đen của các chương trình, dự án trước và cây tái sinh tự nhiên, những cây này trong phương án thanh lý cũng như quy định chung là tuyệt đối không được chặt hạ.
Do đó, các lực lượng luôn thường xuyên giám sát chặt chẽ quá trình thu gom, giám sát không có phát hiện trường hợp khai thác cây thông, cây sao đen, cũng như cây tái sinh tự nhiên.
Trước đó, cử tri xã Tam Dân cũng có kiến nghị và chủ rừng cũng đã cử lực lượng của đơn vị kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng chỉ phát hiện 2 khúc cây thông đã khô và trong quá trình theo dõi, giám sát việc thực hiện khai thác, Tổ giám sát của Ban Quản lý rừng phòng hộ và ven biển Quảng Nam, cũng như Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 cũng không phát hiện trường hợp khai thác cây thông trái phép, cũng như tiếp nhận đơn thư, chứng cứ cung cấp của công dân, tổ chức về việc khai thác trái phép cây thông của đơn vị trúng đấu giá khai thác rừng keo tai tượng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ và ven biển Quảng Nam khẳng định, phần lớn các gốc chặt theo hình ảnh của cơ quan báo chí cung cấp là gốc keo tai tượng đã khai thác thanh lý trong năm 2024. Chỉ có 4 gốc thông cưa hạ đã khô mục, không có cành nhánh thông còn sót lại tại điểm cưa hạ, cho thấy việc khai thác đã diễn ra khá lâu và 2 khúc thông khô còn nằm lại tại hiện trường.
Việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ để trồng keo trong rừng phòng hộ Phú Ninh phần lớn đã diễn ra từ nhiều năm trước nhưng chưa được xử lý dứt điểm nên các hộ xâm lấn vẫn tiếp tục lén lút canh tác trên diện tích lấn chiếm này, trong đó có địa bàn xã Tam Dân. Một số hộ dân đang canh tác trong diện tích quy hoạch phòng hộ thuộc lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh.
Dai dẳng lấn chiếm đất rừng phòng hộ Phú Ninh
Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ và ven biển Quảng Nam cho rằng, việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở xã Tam Dân rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhất là cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm về đất đai vì chủ rừng là đơn vị sự nghiệp, không có thẩm quyền xử lý.
Gần nhất, ngày 9/4/2025 Ban Quản lý rừng phòng hộ và ven biển Quảng Nam đã xây dựng Kế hoạch số 08/KH-BQL về kiểm tra, rà soát và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại xã Tam Dân. Theo đó, đơn vị chủ rừng đã mời đại diện: Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Ninh, UBND xã Tam Dân, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, các hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng khu vực xã Tam Dân cùng tham gia kiểm tra hiện trường vào ngày 14-15/4/2025.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, các thành phần được mời không tham dự. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng và để giải quyết những tồn tại, kiến nghị của cử tri xã Tam Dân về một số nội dung có liên quan đến việc lấn chiếm đất rừng trồng keo trái phép, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam xây dựng, ban hành lại kế hoạch mới (Kế hoạch số 13/KH-BQL ngày 9/5/2025) để mời các thành phần có liên quan nêu trên đi kiểm tra thực tế.
Qua kiểm tra sẽ lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về lấn chiếm đất đai nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này.