Sẽ lập khu bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại Núi Thành (clip)

ĐOÀN ĐẠO - VĂN TUẤN 09/08/2018 07:53

(QNO) - Sáng nay (9.8), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, huyện Núi Thành và các đơn vị tư vấn có buổi kiểm tra thực địa khu vực đàn voọc chà vá chân xám sinh sống tại núi đá Hòn Dồ (xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát khu vực sinh sống của đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành). Ảnh: Đ. ĐẠO
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát khu vực sinh sống của đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây. Ảnh: Đ.ĐẠO

Theo ghi nhận của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, tại núi đá Hòn Dồ hiện có khoảng 2 gia đình voọc với gần 20 cá thể sinh sống biệt lập ở khu vực rừng tự nhiên hơn 10ha.

Điều kiện sống của đàn voọc chà vá chân xám đang chịu áp lực rất lớn vì sinh cảnh bị thu hẹp, thiếu thức ăn, ảnh hưởng của thời tiết lạnh và thoái hóa nguồn gen. Ngoài ra, đàn voọc đang bị đe dọa bởi hoạt động săn bắn, mở rộng sản xuất xâm hại vào rừng tự nhiên của con người.

Đại diện tổ chức Green Việt trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh các tư liệu, hình ảnh thu thập được về đàn voọc chà vá chân xám tại Núi Thành. Ảnh: Đ. ĐẠO
Đại diện tổ chức Green Việt trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh các tư liệu, hình ảnh thu thập được về đàn voọc chà vá chân xám tại Núi Thành. Ảnh: Đ.ĐẠO

Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị cần sớm có giải pháp bảo vệ cho đàn voọc chà vá chân xám. Trước hết, cần lập quy hoạch bảo vệ, cắm mốc và khoanh vùng bảo vệ, xây dựng khu bảo tồn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây.

Cùng với đó, cần thiết lập vùng bảo vệ đặc biệt cấm không cho sự xuất hiện của con người (trừ các chuyên gia, nhà khoa học...) để voọc chà vá chân xám sinh trưởng tự nhiên. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng cần sớm lập phương án bổ sung vào Dự án Trường Sơn Xanh để bố trí vốn hỗ trợ công tác bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám.

Mời độc giả xem clip. Thực hiện: ĐOÀN ĐẠO - BÙI VĂN TUẤN

.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần đặt lên hàng đầu. Trong đó, phải tuyên truyền vận động cho người dân về sự cấp bách và quý hiếm cần bảo tồn của loài linh trưởng đặc biệt này. Song hành là việc thực hiện tổ chức các buổi tuyên truyền thực tế cho học sinh, sinh viên; kết hợp vừa bảo tồn vừa phát triển du lịch sinh thái bền vững...

Đàn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây hiện có khoảng 20 cá thể sinh sống, trong đó có cả cá thể con mới sinh. Ảnh: Đ. ĐẠO
Đàn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây hiện có khoảng 20 cá thể sinh sống, trong đó có cả cá thể con mới sinh. Ảnh: Đ.ĐẠO

Đánh giá cao ý thức bảo vệ voọc chà vá chân xám của nhân dân địa phương và những người làm công tác bảo tồn voọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng ghi nhận các kiến nghị về những khó khăn trong công tác bảo vệ như: khó khăn về kinh phí, người dân ở các xã khác lân cận với Tam Mỹ Tây vẫn còn đặt bẫy thú rừng, đất sản xuất liền kề với khu vực sinh sống của đàn voọc... 

Đồng chí Lê Trí Thanh khẳng định tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ sớm có giải pháp căn cơ để vừa giải quyết sinh kế cho người dân, vừa xây dựng được môi trường tự nhiên cho đàn voọc chà vá chân xám sinh sống và phát triển.

ĐOÀN ĐẠO - VĂN TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẽ lập khu bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại Núi Thành (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO