Tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) diễn ra chiều ngày 21.9, ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định sắp tới đây, Chính phủ sẽ sửa đổi một số nội dung trong nghị định để triển khai sát hơn với thực tế.
Ngư dân theo nghề câu mực khơi khai thác ở ngư trường Trường Sa sẽ dễ lựa chọn mẫu tàu phù hợp hơn trong thời gian đến. |
Vẫn còn vướng
Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) Quảng Nam cho rằng, nỗ lực lớn của ngân hàng vẫn chưa giải quyết được một số vướng mắc khi triển khai Nghị định 67 đến thời điểm này. Nguyên nhân là trên địa bàn tỉnh không có cơ sở đóng tàu vỏ thép mà phía ngư dân lại chưa am hiểu rõ về tàu vật liệu mới này nên đã bị một số “cò” giới thiệu đi đóng mới tại một số địa điểm không đủ năng lực. Cụ thể, 4 ngư dân xã Duy Vinh (Duy Xuyên) là Đỗ Văn Tiến, Trần Đậu, Phạm Hiên và Đỗ Văn Thành (cùng trú thôn Trà Đông) đã làm lễ khởi công đóng tàu tại Công ty CP Cơ khí - thương mại & xây dựng Hải Phòng (TP.Hải Phòng) nhưng đã phải dừng lại vì công ty này không đảm bảo được các trang thiết bị đóng tàu vỏ thép. Sau khi lập lại dự toán và được UBND tỉnh ký quyết định mới, việc đóng tàu đang được xúc tiến lại tại cơ sở đóng tàu Hải Sơn (TP.Đà Nẵng). Một số ngư dân khác đã lặn lội vào tận TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa để tìm cơ sở đóng tàu vật liệu mới nhưng chưa chắc thành công. Bổ sung thêm ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, thực tế cho thấy tàu vật liệu mới được đóng tại nước ngoài luôn có giá trị sử dụng cao hơn so với đóng mới tại Việt Nam dù chất liệu như nhau. “Khi công nhận các cơ sở đóng tàu vật liệu mới đủ điều kiện, Bộ NN&PTNT cần chú ý đến năng lực đóng tàu của các cơ sở này. Vì rằng, giá trị của con tàu lên đến hàng chục tỷ đồng, lỡ sử dụng kém thì thiệt hại rất lớn. Việc giám sát đóng tàu vật liệu mới cũng cần được phía ngân hàng, ngành thủy sản lẫn ngư dân chú tâm hơn để đảm bảo chất lượng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.
UBND tỉnh đã thực hiện 5 đợt phê duyệt danh sách các chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định 67. Trong số 94 chủ tàu cá đủ điều kiện, sẽ có 87 ngư dân được đóng mới tàu cá, 7 ngư dân được cải hoán, nâng cấp tàu cũ. Trong số tàu đóng mới sẽ có 44 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ composite và 39 tàu vỏ gỗ. Ngoài 16 hợp đồng tín dụng đã ký kết, 13 hồ sơ khác đang được các ngân hàng thương mại thẩm định, ký kết hợp đồng và giải ngân để ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67. |
Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho rằng, một nguyên nhân của việc chậm triển khai Nghị định 67 tại Quảng Nam là thời gian phê duyệt thiết kế của Bộ NN&PTNT quá lâu. “Thời gian phê duyệt thiết kế tàu cá của Trung tâm Đăng kiểm quốc gia từ 25 đến 40 ngày và thủ tục này được thực hiện ở Hà Nội nên khi ách tắc cả phía ngân hàng lẫn ngư dân gặp khó trong thương thảo, thỏa thuận hợp đồng tín dụng. Vả lại, Quảng Nam vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện thiết kế đóng tàu, phải nhờ đến TP.Đà Nẵng, tốn kém nhiều mà đôi khi ngư dân lại không ưng ý, phải sửa chữa tốn kém thêm. Bộ NN&PTNT cần quan tâm đến điều này, rút gọn thời gian phê duyệt thiết kế cũng như cân nhắc tham mưu Chính phủ hỗ trợ kinh phí sửa chữa thiết kế giúp ngư dân”. Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này tại Quảng Nam đã có 7 ngư dân rút lại hồ sơ đóng tàu theo nghị định. Thực tế tại Quảng Nam mới chỉ có BIDV Quảng Nam giải ngân vốn đóng 7 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ gỗ và Agribank Quảng Nam giải ngân vốn đóng 4 tàu vỏ thép và 4 tàu vỏ gỗ, 2 ngân hàng khác là Vietcombank và Vietinbank vẫn chưa có trả lời cụ thể đối với ngư dân dù đã nhận được hồ sơ.
Sẽ sửa đổi nghị định
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề xuất, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cần có quy chế rõ ràng, cụ thể về các trình tự vay vốn, giải ngân theo Nghị định 67 để việc triển khai được thông suốt hơn. Chỉ có vậy mới tránh được tình trạng các ngân hàng vin cớ vào quy định nội bộ rồi chậm giải quyết hồ sơ của ngư dân. Bộ NN&PTNT cũng cần phối hợp với Bộ Khoa học & công nghệ đưa ra quy định, tiêu chuẩn nhất quán về máy thủy đã qua sử dụng để ngành thủy sản địa phương có thể đối chiếu, áp dụng trong việc đăng kiểm khi ngư dân lắp đặt trên tàu cá. “Lâu nay ngư dân Quảng Nam vẫn quen với tập quán đánh bắt hải sản nhỏ lẻ. Bây giờ họ sở hữu con tàu có giá trị đến 15 tỷ đồng và tổ chức sản xuất lớn hiệu quả đến đâu là điều không ai dám khẳng định trước. Bởi vậy, Bộ NN&PTNT cần tham mưu Chính phủ nới hạn trả nợ của ngư dân từ 10 năm lên 15 năm” - ông Ngô Tấn nói. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng tán đồng và bổ sung thêm: “Thực tế đã cho thấy 21 mẫu tàu vỏ thép được công bố không phù hợp với tập quán đánh bắt hải sản của ngư dân Quảng Nam. Việc sửa chữa thiết kế vừa tốn nhiều thời gian, vật chất của ngư dân vừa khiến cho việc ký kết hợp đồng tín dụng bị gián đoạn, vướng mắc triển khai nghị định. Bộ NN&PTNT nên công bố thêm mẫu tàu mới hoặc sửa chữa lại mẫu tàu cũ để thuận lợi hơn với từng vùng sản xuất”.
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc đã nêu các khó khăn trong việc triển khai Nghị định 67 tại Quảng Nam. Hơn một năm qua, toàn tỉnh mới chỉ đóng mới 16 tàu trong tổng 92 tàu cá được trung ương phân cấp trong khi năm 2016 - thời điểm đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện Nghị định 67 đang đến gần. Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, thời gian sắp đến, cả mẫu tàu vỏ thép lẫn tàu vỏ gỗ sẽ được thiết kế phong phú thêm. Điều quan trọng là các mẫu tàu sẽ đáp ứng được tập quán sản xuất của ngư dân tham gia đánh bắt ở từng nhóm ngư trường khác nhau, ví như khu vực Vịnh Bắc Bộ, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực Nam Bộ. Về quy chế chung trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn của ngư dân, ông Nguyễn Ngọc Oai cho rằng sẽ làm việc cụ thể với Ngân hàng Nhà nước và trả lời bằng văn bản. “Chúng tôi chắc chắn Nghị định 67 sẽ được Chính phủ sửa đổi trong thời gian gần nhất để phù hợp hơn với thực tiễn. Thời gian trả nợ của ngư dân sẽ được nới lỏng lên 15 năm. Ngư dân được quyền sử dụng máy thủy cũ theo tiêu chí cụ thể được ban hành sắp tới đây. Quảng Nam nên chú ý đến việc triển khai các chính sách đầu tư; chính sách đào tạo ngư dân sử dụng tàu vật liệu mới và bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển của tàu dịch vụ hậu cần bên cạnh 2 chính sách đang triển khai là tín dụng và bảo hiểm. Đồng thời tỉnh cũng cần đào tạo thêm đội ngũ thực hiện đăng kiểm tàu cá để có thể phê duyệt thiết kế tàu vỏ gỗ có mép nước dưới 20m như phân định” - ông Nguyễn Ngọc Oai nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT