Sẽ xóa nợ thuế cho hợp tác xã phá sản

VĂN DŨNG 29/08/2019 13:25

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký các công văn trả lời ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri về nội dung liên quan tới xóa nợ thuế, khoanh nợ thuế đối với hợp tác xã bị phá sản, người nộp thuế đã chết, mất tích, tự giải thể, ngưng nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh.

Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 1 Điều 85 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt” được xóa nợ thuế. Đối với các hợp tác xã không còn hoạt động và nợ thuế, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn xem xét để làm thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản. Trường hợp giá trị tài sản của hợp tác xã không đủ để thanh toán các khoản nợ thuế thì hợp tác xã được xem xét xóa nợ thuế.

Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào Điều 83 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Khoản 6, điều 19 của luật này, từ ngày 1.7.2020, người nộp thuế đã chết, mất tích, tự giải thể, phá sản, ngưng nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh thuộc trường hợp được khoanh nợ thuế và cơ quan thuế chưa tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp này. Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, trong đó có giải pháp không tính tiền chậm nộp; xóa tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực thi hành đối với người nộp thuế đã chết, mất tích, tự giải thể, phá sản, ngưng nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh.

Nhiều khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi: Tại văn bản số 9768/BTC-TCT, Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền nợ thuế tính đến 31.7.2019 là 83.158 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 8,9% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 27.470 tỷ đồng, chỉ chiếm 33% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ đọng này đã giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2018; tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nhóm nợ có khả năng thu là 16.678 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng số tiền thuế nợ, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 9% so với thời điểm 31.12.208; số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi là 39.010 tỷ đồng, chiếm 46,9% tổng tiền nợ thuế, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 3,8% so với thời điểm 31.12.2018. Qua cơ cấu nợ nêu trên cho thấy số tiền thuế nợ đọng vẫn còn lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, chấm dứt hoạt động, tự giải thể, phá sản, ngưng nghỉ và bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh và tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh của nhóm đối tượng này (chiếm (46,9%). Luật Quản lý thuế quy định tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp. Quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích, đã giải thể, phá sản, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp thuế nên tiền phạt, tiền chậm nộp càng tăng lên, song thực tế các khoản nợ này không còn khả năng thu hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẽ xóa nợ thuế cho hợp tác xã phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO