Sen thơm trên đất di sản

PHƯƠNG GIANG 18/11/2016 08:33

Rêu phong phủ vùi qua thời gian càng làm dày lên ký ức oai hùng của vùng đất di sản, để quê hương Duy Phú bừng lên đón đầu những cơ hội hôm nay. Đi qua một hành trình dài, những đóa sen vẫn nở, lấp lánh ký ức huy hoàng trên trang sử vàng của đảng bộ 70 năm tuổi, tiền thân là Chi bộ Sông Lô…

Trên những hành trình

Đã 70 năm tròn với biết bao thăng trầm, những hồi ức vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông Trần Văn Sơ (96 tuổi, thôn Mỹ Sơn). Bảy mươi năm tuổi Đảng, là 70 năm đảng viên Trần Văn Sơ song hành cùng Chi bộ Sông Lô từ ngày đầu thành lập cho đến đảng bộ xã của những thời đoạn sau này. Ông Sơ vẫn nhớ, ngay cả khi tổ chức đảng chưa được thành lập, ngọn lửa cách mạng mới bắt đầu nhem nhóm từ người chiến sĩ cách mạng Trương Minh Lý được cử về cắm châm ở đất này, già trẻ gái trai Duy Phú đã hưởng ứng lời hiệu triệu rầm rập xuống đường tham gia cướp chính quyền vào tháng 8.1945. Rồi hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”; nô nức ghi danh trong đội “Bạch đầu quân”, “Thiếu sinh quân”, “Phụ nữ giết giặc”… Trong gian khó, kềm kẹp của địch trở thành ngọn lửa tôi rèn ý chí, quyết tâm của người nông dân chân đất, thổi bùng lên phong trào cách mạng ở khắp thôn quê. “Hồi đó phong trào lên cao, nhiều nhân tố tiêu biểu xuất hiện, đủ để cấp trên quyết định thành lập một tổ chức đảng, lãnh đạo nhân dân Duy Phú đấu tranh. Và ngày 21.11.1946, ngay tại nhà tôi cũng là tự đường tộc Trần Văn ở Mỹ Sơn, Chi bộ Sông Lô ra đời, trở thành hạt nhân lãnh đạo trong mọi phong trào của Duy Phú. Không lâu sau đó, tôi cũng vinh dự được kết nạp vào Đảng, sinh hoạt ở Chi bộ Sông Lô” - ông Sơ bồi hồi nhớ lại.

Cây tiêu đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở Duy Phú. Ảnh: THÀNH CÔNG
Cây tiêu đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở Duy Phú. Ảnh: THÀNH CÔNG

Lúc mới thành lập, Chi bộ Sông Lô có 3 đảng viên, do đồng chí Đoàn Phương làm Bí thư, cùng hai đảng viên khác là Trần Đạo và Nguyễn Nhị chia nhau phụ trách các vùng đông, tây, nam của xã. Những “hạt giống” đầu tiên của Đảng được “gieo mầm” đã cho cả một mùa sen cách mạng, lãnh đạo quân và dân Duy Phú bước tiếp chặng đường tranh đấu. Liên tiếp những chiến công được lập. Từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, bao cuộc đàn áp bạo tàn của địch không thể dập tắt được ý chí, truyền thống của vùng quê đã được trui rèn bởi lửa cách mạng. Duy Phú vẫn là thành trì vững chắc của cách mạng, của Đảng sau hàng loạt vụ dồn dân, tàn sát, đàn áp… của địch nhằm thực hiện âm mưu “tát nước bắt cá”. Đã có không ít người ngã xuống mảnh đất này. Nhà bia ghi danh của xã kín tên những người con Duy Phú sau biết bao cuộc chiến quật cường, quả cảm, nhắc nhớ sự hy sinh của thế hệ đi trước đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975. Cho Duy Phú hôm nay rạng ngời truyền thống…

“Vinh dự lớn nhất của tôi là được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được cùng chiến đấu với bà con, với quê hương suốt hai cuộc chiến và góp chút công sức của mình cho mảnh đất này thêm tươi đẹp. Nhìn quê hương đổi thay từng ngày, lớp đảng viên đầu tiên chúng tôi càng thêm tự hào, thêm tin tưởng vào thế hệ hôm nay”.
(Ông Trần Văn Sơ, 70 năm tuổi Đảng, trú thôn Mỹ Sơn)

Ông Nguyễn Đức Hùng - Bí thư Đảng ủy xã bộc bạch, sau giải phóng, Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân quyết tâm “trải màu xanh trên đất thép thành đồng”. Một “cuộc chiến” khác không kém phần cam go được phát động, nhân dân Duy Phú lại chung tay khai hoang, phục hóa, tháo gỡ bom mìn... Mồ hôi đổ xuống, tưới tắm cho ruộng đồng xanh lên, cho một diện mạo khác thay vào những thương đau chiến tranh.

Viết trang sử mới

Hôm nay về với quê hương Duy Phú, chúng tôi thuận lợi thăm thú khắp nơi bởi những con đường bê tông đã trải đến từng ngõ nhà, mát mắt khi qua những ngọn đồi rợp xanh bóng tiêu. Mấy năm trở lại đây, tiêu trở thành giống cây trồng chủ lực của nhiều gia đình ở Duy Phú. Từ đất cằn sỏi đá, người dân cần mẫn ươm trồng, tưới tắm cho những gốc tiêu và đang đón chờ mùa thu hoạch đầu tiên đầy hứa hẹn. Anh Trần Thông (31 tuổi, thôn Trung Sơn) cho hay, năm 2013 anh mang giống tiêu từ Tây Nguyên về trồng thử nghiệm trên đất đồi. Những gốc tiêu bén rễ, lên nhanh. Từ 120 gốc, khu vườn đồi diện tích gần 3 sào của anh nay đã có hơn 600 gốc tiêu. Với giá tiêu hiện tại, ước tính vụ khai thác sắp đến anh Thông thu về gần 120 triệu đồng. Nhiều gia đình khác cũng đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng tiêu, hứa hẹn tạo nên một vùng cây công nghiệp cho giá trị cao. Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Duy Phú hồ hởi cho hay, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của xã chưa đầy 10 triệu đồng, nay đã tăng lên hơn 23 triệu đồng. Làm nên thành quả này, người dân Duy Phú không chỉ mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy mạnh khai hoang, mà còn triển khai nhiều mô hình canh tác hiệu quả như trồng sen thay trồng lúa, trồng tiêu thay cho cây keo lai. Từ đó, nhiều gia đình làm ăn khấm khá, thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Từ nghị quyết của Đảng bộ xã, các hộ dân được hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất, đa dạng sinh kế, hạ tầng được đầu tư, tạo nên diện mạo mới cho quê hương.

Trải qua hai cuộc chiến tranh, xã Duy Phú có 293 liệt sĩ; 79 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 4 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; gần 500 gia đình có công với cách mạng. Năm 1978, xã Duy Phú vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Trở thành địa chỉ quen thuộc trên bản đồ du lịch với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Duy Phú hôm nay còn đứng trước cơ hội lớn để phát triển khi tuyến ĐT610 nối Duy Xuyên - Nông Sơn đã được thi công nâng cấp từ đầu năm nay. Cùng với đó, công trình cầu Giao Thủy đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào cuối năm, hứa hẹn xóa đi những năm dài “tựa lưng vào núi”, khai mở nhiều tiềm năng cho Duy Phú. “Khi tuyến ĐT610 được nâng cấp và cầu Giao Thủy thông tuyến sẽ tạo nên sự kết nối liên vùng về kinh tế, xã hội. Duy Phú sẽ là một trong những địa phương nằm ở vị trí “đắc địa”, có điều kiện phát triển về du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư. Nghị quyết của Đảng bộ xã cũng đã có những định hướng cho tương lai, bắt kịp xu thế phát triển vùng” - ông Nguyễn Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Duy Phú nói.

Những con đường bê tông vẫn đang miệt mài vươn mình khắp các xóm làng, trong cuộc “cách mạng nông thôn mới” ở Duy Phú. Qua rồi những gian khó, “điện, đường, trường trạm” ngày một khang trang hơn, là tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của làng quê thời mở cửa. Sẽ là những chặng đường mới cho Đảng bộ xã Duy Phú, với nhiều cơ hội lẫn thách thức. Sẽ là một hành trình mới với nhiều kỳ vọng hơn trong tương lai.

Từ những “hạt giống” đầu tiên, những mùa sen thơm đã, đang và sẽ tiếp tục về, rực rỡ trên vùng đất di sản.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sen thơm trên đất di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO