Siết chặt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

NGUYỄN DƯƠNG 10/05/2017 08:22

Thực hiện Kế hoạch 31/KH-BCĐLNVATTP ngày 7.4 của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, các sở ban ngành đã đồng loạt triển khai kiểm tra, kiểm soát tình hình, thắt chặt công tác quản lý về vệ sinh ATTP.

Kiểm tra toàn diện

Để thực hiện Tháng hành động vì ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh đã thành lập 4 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh, các lò giết mổ tập trung, nhà ăn tập thể ... ở 12 huyện, thành phố trên địa bàn. Ngoài những nhiệm vụ cụ thể được giao cho từng ngành, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan cũng đã được thực hiện chặt chẽ hơn. “Trước đây, khi chưa thành lập ban chỉ đạo,  mỗi ngành mạnh ai nấy làm nên không đồng bộ, toàn diện được. Giờ thì cùng lúc các ngành cùng ra quân, có nhiệm vụ cụ thể hơn, qua đó sẽ có kết quả đánh giá khách quan, toàn diện hơn” - ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết. Theo đó, mỗi đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có cán bộ của mỗi ngành phụ trách để kiểm tra toàn diện hơn. “Trong chuỗi sản phẩm, căn cứ theo quy trình làm rõ trách nhiệm của từng ngành. Ví dụ như khi sản phẩm đang nuôi trồng thuộc ngành nông nghiệp, khi được đưa ra thị trường tiêu thụ thuộc ngành công thương, đến khi được chế biến lên bàn ăn lại thuộc về ngành y tế... Vì vậy, nếu cùng phối hợp đồng bộ thì hiệu quả cao hơn rất nhiều” - ông Sơn nói thêm.

Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn đang được đẩy mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Ảnh: N.DƯƠNG
Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn đang được đẩy mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Ảnh: N.DƯƠNG

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ đạo liên ngành, qua kiểm tra một số cơ sở sản xuất chả giò, nước uống đóng chai, thịt, rau củ quả hay các nhà hàng dịch vụ ăn uống… chưa phát hiện những sai phạm nào nghiêm trọng. “Các mẫu lấy từ các cơ sở sản xuất chả giò đều âm tính với chất hàn the. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi trước đó, nhiều cơ sở vi phạm về điều này khá nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng thịt cũng như rau củ quả đều đảm bảo được độ tươi sống đúng quy định...” - ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATTP cho biết. Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra tại các huyện Tiên Phước, Hội An và Phú Ninh đã tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm 33/62 cơ sở với tổng tiền phạt vi phạm hành chính hơn 109 triệu đồng. “Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về giấy khám sức khỏe (4 vụ), không lưu mẫu thực phẩm theo quy định (8 vụ); không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc (7 vụ)... Những lỗi này đều đã được đề nghị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật, cũng là cách để cho người kinh doanh ý thức được mà sửa sai” - ông Đoàn Ngọc Sơn cho hay.

Còn nhiều trở ngại

Việc thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành đã phần nào giải quyết khá tốt công tác phối hợp kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại vướng mắc. Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản chia sẻ, việc tạo ra những sản phẩm sạch không khó, nhưng để tiêu thụ được những sản phẩm đó mới là chuyện khó. “Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng thí điểm một cửa hàng bán thịt heo sạch ở huyện Thăng Bình với quy mô khép kín, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, số lượng người dân tới mua còn quá ít. Điều đó chứng tỏ, ý thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe của chính mình vẫn chưa được mọi người coi trọng. Thông thường người ta chỉ thuận đâu mua đó chứ chưa quan tâm đến thực phẩm  sạch hay không” - ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, ngành nông nghiệp hiện nay đã và đang xây dựng các chuỗi sản phẩm sạch như thịt, gà, tôm, rau và nước mắm nhưng đầu ra của những sản phẩm này vẫn đang là bài toán khó đối với ngành. “Nước mắm, tôm và gà, đầu ra tương đối ổn định, nhưng đối với rau và thịt thì rất bấp bênh. Mặc dù được bán đồng giá, thậm chí còn được hỗ trợ giá thấp hơn thị trường để làm thí điểm nhưng sức tiêu thụ vẫn không cải thiện được, dẫn đến dễ vỡ chuỗi sản xuất này” - ông Dũng cho biết thêm. Đây cũng là tâm lý chung của những người kinh doanh các mặt hàng ăn uống. Qua khảo sát của chúng tôi tại các nhà hàng dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể trên địa bàn, việc mua sản phẩm để chế biến thức ăn đều được kiểm tra bằng mắt thường chứ không hề có máy móc để kiểm định. “Mình chỉ kiểm tra độ tươi của thịt, rau củ quả thông qua mắt thường chứ không có máy móc nào để kiểm tra. Điều duy nhất có thể đảm bảo là hợp đồng giữa mình và bên cung cấp hàng hóa có điều khoản ràng buộc là chịu hoàn toàn trách nhiệm khi cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng” - bà T.T.H. chủ nhà hàng tiệc cưới trên đường Hùng Vương, TP.Tam Kỳ chia sẻ.

Tương tự, ở cửa hàng dịch vụ ăn uống trên đường Trưng Nữ Vương, TP.Tam Kỳ mỗi ngày cung cấp hơn 300 suất ăn cho khách hàng nhưng cũng chỉ mua hàng ở những đầu mối quen thuộc rồi chế biến. Khi nấu xong cũng không hề lưu mẫu thức ăn để kiểm tra phòng khi có sự cố. “Hàng tháng mình đều được tập huấn về vệ sinh ATTP nhưng quả thật là không đủ điều kiện để mua máy móc kiểm tra bởi  quán ăn quy mô nhỏ rất khó thực hiện được điều đó. Việc lưu mẫu thức ăn để kiểm tra, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm” - bà V.T.O. chủ quán phân trần. Đây cũng là tình trạng chung của những cửa hàng dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. “Chỉ những bếp ăn tập thể lớn của các khu công nghiệp họ mới lưu mẫu thức ăn để kiểm tra, còn lại đều bỏ quên điều này. Trong số các trường hợp bị xử phạt thì có đến 8 vụ mắc lỗi này, 7 vụ là do nơi chế biến cách nơi có thể có nguồn bệnh. Nhiều người không chú ý đến việc này nhưng thực chất đây là điều rất quan trọng. Có thể thực phẩm sạch nhưng chế biến không đảm bảo vẫn có thể gây ngộ độc” - ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó giám đốc Sở Công thương nói.

Theo phản ánh của các đơn vị liên ngành trực thuộc tại các địa phương, do thiếu kinh phí nên công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại tuyến xã cũng chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ. “Ngay cả các cơ quan chức năng tuyến huyện, tỉnh cũng chưa có những công cụ hỗ trợ thiết thực để đảm bảo công tác này. Hiện tại, chỉ có test nhanh để kiểm tra những chất đơn giản, còn lại vẫn phải lấy mẫu rồi gửi đi xét nghiệm ở nơi khác. Như vậy cũng rất khó khăn cho việc đảm bảo ATTP và quyền lợi kinh doanh của người dân” - ông Nguyễn Cam chia sẻ.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO