Siết chặt kiểm dịch động vật

MAI NHI 04/07/2014 08:55

Để sớm ngăn chặn bệnh lở mồm long móng (LMLM) lây lan diện rộng và kìm hãm nguy cơ tái bùng phát một số loại dịch nguy hiểm khác trên vật nuôi, Sở NN&PTNT vừa yêu cầu ngành liên quan, chính quyền các địa phương phải siết chặt công tác kiểm dịch động vật…

Theo Sở NN&PTNT, trong thời gian qua, bệnh LMLM gia súc đã xảy ra ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân xuất hiện dịch chủ yếu là không thực hiện việc kiểm dịch động vật vận chuyển theo quy định tại Thông tư số 22/2009/TT-BNN (ngày 28.4.2009) của Bộ NN&PTNT. Gần đây nhất, vào ngày 14.6, UBND thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) có nhận bò từ Chương trình hỗ trợ bò giống năm 2014 do tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tặng người dân địa phương thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Tuy nhiên, trong việc vận chuyển bò giống cấp cho dân, các đơn vị liên quan không thực hiện kiểm dịch theo quy định, không khai báo với cơ quan thú y sở tại và không nuôi cách ly trước khi đưa bò về các hộ chăn nuôi nên đã làm phát sinh, lây lan dịch LMLM tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.

Siết chặt khâu kiểm dịch để ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh bùng phát trên vật nuôi. Ảnh: M.N
Siết chặt khâu kiểm dịch để ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh bùng phát trên vật nuôi. Ảnh: M.N

Để ngăn chặn nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi tái bùng phát, ngày 2.7, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT có Công văn số 1085/SNN&PTNT-KT gửi Chi cục Thú y tỉnh, UBND 18 huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ cung ứng giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh… yêu cầu tăng cường, chấn chỉnh công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật. Theo đó, UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo chính quyền cấp xã, các ngành chức năng tại địa phương tăng cường kiểm soát và kiên quyết xử lý triệt để những trường hợp vi phạm về kiểm dịch động vật theo quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9.10.2013 của Chính phủ. Chỉ đạo các ban ngành, hội đoàn thể liên quan và các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ cung ứng giống vật nuôi trên địa bàn thực hiện nghiêm Thông tư số 22/2009/TT-BNN. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn những tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật biết các quy định về công tác kiểm dịch động vật, đặc biệt là Thông tư số 22/2009/TT-BNN.

Đối với những tổ chức, cá nhân có thực hiện chương trình cung cấp giống vật nuôi cho các địa phương trên địa bàn tỉnh, cần lựa chọn nhà cung ứng giống vật nuôi có uy tín. Đảm bảo chất lượng, nguồn gốc giống vật nuôi, tránh hiện tượng để các nhà thầu cung cấp con giống không đủ tiêu chuẩn chất lượng, thu gom từ nhiều nơi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, con giống xuất phát từ các vùng đang có dịch. Phải đăng ký với cơ quan thú y để được giám sát và thực hiện việc kiểm dịch đi, đến theo quy định.

Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ cung ứng con giống phải có giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan thẩm quyền cấp. Khi có nhu cầu vận chuyển động vật để chăn nuôi, buôn bán, cung ứng cho các chương trình dự án phát triển chăn nuôi phải đăng ký kiểm dịch với trạm thú y cấp huyện. Khai báo trung thực với trạm thú y nơi tiếp nhận động vật về địa danh, số lượng, tình trạng sức khỏe động vật trong quá trình vận chuyển. Chỉ được phép vận chuyển động vật đến địa điểm ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật. Thực hiện việc nuôi cách ly ít nhất 7 ngày trước khi nhập đàn hoặc đưa về các hộ chăn nuôi. Kiểm tra, theo dõi lâm sàng trong suốt quá trình nuôi cách ly kiểm dịch. Nghiêm cấm việc đưa động vật đến hộ dân hoặc cho nhập đàn tại cơ sở chăn nuôi khi chưa hết thời gian nuôi cách ly và chưa được sự đồng ý của cơ quan thú y.

Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố, kiểm dịch viên được ủy quyền thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển phải tuân thủ nghiêm các quy định về kiểm dịch tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN và Thông tư số 22/2009/TT-BNN của Bộ NN&PTNT.

MAI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt kiểm dịch động vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO