Giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Quảng Nam đang tăng cục bộ, rất cần quản lý chặt để góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát.
Hàng hóa tăng giá
Sau Tết Canh Tý giá thịt heo có giảm nhưng đến nay đã tăng trở lại. Cụ thể, ở chợ Tam Kỳ vào cuối tuần qua, thịt đùi heo có giá 145 nghìn đồng/kg, sườn heo 175 nghìn đồng/kg, thịt vai 135 nghìn đồng/kg, xương giá 130 nghìn đồng/kg, đều tăng hơn 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu tuần.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - bán thịt heo ở chợ Tam Kỳ cho biết, giá thịt heo đầu vào trên thị trường đang tăng nên khi bán ra phải tăng giá. “Ở khu giết mổ gia súc tập trung tại phường Trường Xuân, lượng heo giết mổ rất ít. Thịt heo tăng giá, người tiêu dùng hạn chế mua, tiểu thương chúng tôi gặp khó. Cứ đà này thì hàng hóa ế ẩm” - bà Hà nói.
Bộ Tài chính nhận định, việc quản lý điều hành giá trong năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức, do vậy ngay từ quý I.2020, cả nước cần phải tập trung nguồn lực để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng thịt heo, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Các tỉnh, thành phố có thể đưa mặt hàng phòng chống dịch Covid-19 vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo Luật Giá để bình ổn. Đối với thuốc chữa bệnh cho người dân, bao gồm cả các loại thuốc phục vụ phòng chống dịch Covid-19, tổ chức triển khai ngay việc đấu thầu thuốc, đàm phán giá để bảo đảm có đủ nguồn cung trong và sau dịch bệnh, qua đó điều tiết mức giảm giá bán thuốc phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Hải - thương nhân ở phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cho rằng, giá thịt heo đang tăng bất thường. Bởi giá thành chăn nuôi tính ra ở 1kg thịt heo chỉ tốn chừng trên dưới 35 nghìn đồng. Giá heo hơi hiện nay ở mức 80 nghìn đồng, dù giảm khá nhiều so với mức 90 nghìn đồng trước đây, nhưng như thế là vẫn rất cao. Việc tái đàn heo ở Quảng Nam diễn ra khá chậm, người chăn nuôi không được hưởng lợi còn người tiêu dùng cũng bị thiệt hại.
“Mong các ngành chức năng điều tiết chứ giá thịt heo “nhảy múa” liên tục trong thời gian qua rất bất lợi. Thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, tiêu dùng đang giảm có thể sẽ càng giảm trong thời gian đến” - ông Hải nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá rau quả, thịt gà, hải sản cũng tăng trong những ngày qua. Ở chợ Thương mại Tam Kỳ, rau lang, cải bẹ, rau ngót, rau bí đều có giá hơn 25 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, các hộ trồng rau sạch ở xã Bình Triều (Thăng Bình) cho biết, với các loại rau trên, họ chỉ bán ra với giá xấp xỉ 15 nghìn đồng/kg.
Ở chợ Tam Kỳ, các mặt hàng thiết yếu như rau quả, hải sản, gạo, đậu các loại dù có giá thấp hơn đôi chút so với chợ Thương mại Tam Kỳ nhưng vẫn ở mức cao. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho rằng, giá các mặt hàng thiết yếu tăng nhưng các tiểu thương không được hưởng lợi.
“Tiểu thương ở chợ Tam Kỳ buôn bán nhỏ lẻ, họ chỉ bán ra cao hơn giá mua vào đôi chút, lợi nhuận rất thấp. Muốn giá các mặt hàng thiết yếu giảm thì các ngành chức năng cần quản lý chặt các khâu, nhất là trung gian và đầu mối cung cấp hàng hóa ra thị trường. Hàng hóa ở chợ Tam Kỳ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tồn đọng nhiều. Nhiều tiểu thương lo lắng hàng hóa quá hạn sử dụng, buộc tiêu hủy thì sẽ lỗ vốn đầu tư không nhỏ” - bà Nga nói.
Cần quản lý chặt
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho hay, trong thời gian qua, cả hệ thống nói chung, Co.opMart Tam Kỳ nói riêng đã giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng và thiết yếu như chanh tươi không hạt, chuối tươi loại 1, bưởi da xanh, trứng gà, giò sống, bắp cải... với mức giảm giá trung bình 15 - 20% so với giá bán trước đây. Trái với tình cảnh thịt heo khan hàng, giá cao trên thị trường, hiện lượng thịt heo an toàn, thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP về siêu thị Co.opMart Tam Kỳ vẫn ổn định.
Siêu thị đang áp dụng các chương trình giảm giá cho nhiều mặt hàng như chân bắp giò, các loại xương, sườn heo non, thịt vai. Với các mặt hàng thiết yếu khác như hải sản, rau quả, trái cây, mì tôm, mắm, dầu phụng, sữa, nước mắm, cà phê, quần áo, siêu thị cũng đang áp dụng giảm giá lên đến 30 - 40 nghìn đồng/sản phẩm.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, việc điều hành giá để góp phần kiểm soát chỉ số lạm phát (CPI) dưới 4% trong năm 2020 là một nhiệm vụ khó khăn. Theo đó, các ngành, địa phương cần tập trung bình ổn giá ngay từ quý I, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu.
Đối với mặt hàng thịt heo, theo tính toán cần giảm hơn 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%. Do vậy, cần triển khai khẩn trương các biện pháp điều hành cung - cầu để kéo mặt bằng giá thịt heo giảm trong tháng 3 này.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Quảng Nam, giá thịt heo tăng hay giảm hiện do các công ty lớn có trụ sở ngoài tỉnh quyết định chứ nguồn cung thịt heo từ các hộ, cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh rất ít ỏi, do chưa kịp tái đàn từ khi có dịch tả lợn châu Phi đến nay. Theo đó, nếu những công ty nói trên điều phối tốt thị trường thì giá cả thịt heo sẽ ổn định. Ngược lại, nếu những công ty đó nâng giá thì giá thịt heo trên thị trường sẽ khó giảm.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng, địa phương thực hiện giải pháp kiểm soát, bình ổn giá mặt hàng thiết yếu. Theo đó, kiểm soát chặt chẽ đối với việc kê khai giá, bán hàng theo giá niêm yết của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Còn ông Đặng Thanh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam cho biết, đang tạo điều kiện thuận lợi để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt, thông quan nhanh chóng đối với hàng hóa là nguyên liệu đầu vào để hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh ổn định.