Bản án nghiêm khắc dành cho đối tượng nuôi nhốt, kinh doanh trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) vừa qua cho thấy sự kiên quyết của cơ quan bảo vệ pháp luật trong xử lý tội phạm về lĩnh vực này. Đây cũng là yêu cầu cấp bách của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 29 về quản lý ĐVHD trước các nguy cơ cạn kiệt tài nguyên môi trường và lây lan dịch bệnh.
TAND tỉnh vừa xét xử phúc thẩm và tuyên phạt đối tượng Phạm Thị Th. (trú huyện Thăng Bình) 5 năm tù giam và 60 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt trái phép các ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm cuối năm 2019, bà Th. bị tuyên phạt 2 năm tù giam và 60 triệu đồng. Nhưng, VKSND huyện Thăng Bình đã kháng nghị, đề nghị tăng nặng mức hình phạt với bị cáo này.
Trước đó, cơ quan chức năng kiểm tra nhà bà Phạm Thị Th., phát hiện có nuôi nhốt trái phép nhiều cá thể ĐVHD bất hợp pháp, trong đó có 13 cá thể rắn hổ mang chúa, 8 cá thể kỳ đà vân, gần 300 cá thể rùa cùng rất nhiều loài ĐVHD khác. Ông Nguyễn Văn K. (chồng bà Th.) là người đứng tên đăng ký cơ sở gây nuôi ĐVHD thông thường. Năm 2011 và 2013, bà Th. đã hai lần bị xử phạt hành chính vì hành vi nuôi nhốt, tàng trữ ĐVHD trái phép. Việc tòa án xử tù bà Th., cho thấy sự kiên quyết của cơ quan bảo vệ pháp luật trong xử lý tội phạm về buôn bán, săn bắn, nuôi nhốt ĐVHD trái phép.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2018 đến nay, cơ quan kiểm lâm đã tịch thu 130 cá thể động vật rừng, hơn 1.000kg động vật rừng bị vận chuyển, mua bán trái quy định. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan kiểm lâm tịch thu hơn 114kg ĐVHD tiêu thụ trái phép. Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở nuôi ĐVHD với 751 cá thể/47 loài. Trong đó, có 12 cơ sở nuôi ĐVHD thông thường và loài khác với 616 cá thể/9 loài và 3 cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm với 135 cá thể/36 loài. Ngoài ra, có 2 cơ sở đề nghị cấp mã số gây nuôi ĐVHD nguy cấp quý hiếm tại huyện Đại Lộc và Thăng Bình.
Để siết chặt quản lý ĐVHD, Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 29 về một số giải pháp cấp bách. Theo Chỉ thị số 29, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, làm tăng nguy cơ phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm. Dừng nhập khẩu ĐVHD còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài ĐVHD đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng, hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Mọi trường hợp nhập khẩu ĐVHD trái với chỉ thị này phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Còn đối với ĐVHD được cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước ngoài cấp giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam, cơ quan hải quan cửa khẩu yêu cầu chủ hàng trả về nơi xuất khẩu.