Siết chặt quản lý game online

HOÀNG LIÊN 13/12/2013 12:39

Việc siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh internet được đặt ra khi vẫn còn một bộ phận không nhỏ giới trẻ (chủ yếu là học sinh) “nghiện”  game online.

Cần siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh internet và game online.
Cần siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh internet và game online.

Những hệ lụy

Tình trạng học sinh đi sớm về muộn, tranh thủ ghé tiệm internet chơi game, rồi “nghiện” game, bỏ bê việc học, sức khỏe và tinh thần bị ảnh hưởng đã từng được báo động. Có thể nói, hậu quả này có phần trách nhiệm từ các nhà kinh doanh dịch vụ vì không chấp hành quy định giờ giấc mở cửa - đóng cửa, độ tuổi (trẻ em dưới 14 tuổi đến tiệm internet phải có người lớn đi cùng), cài đặt nhiều game mang tính bạo lực để thu hút người chơi... Khảo sát qua nhiều đại lý internet trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP.Tam Kỳ... chúng tôi nhận thấy đông đảo bạn trẻ mải mê dán mắt vào các trò chơi điện tử, xem phim, nghe nhạc. Số em học sinh tìm kiếm thông tin hỗ trợ việc học chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo các nghiên cứu, trẻ em nếu chơi game 4 - 5 tiếng/ngày sẽ không có thời gian để học hay tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhiều học sinh rơi vào triệu chứng trầm cảm do bệnh nghiện game. Trên địa bàn huyện Đại Lộc từng xảy ra 2 vụ án mạng gây chấn động dư luận, đó là trường hợp một học sinh lớp 7 (xã Đại An) ra tay giết bà nội; một học sinh lớp 9 (trú xã Đại Nghĩa) sát hại hàng xóm, vừa bị TAND Quảng Nam tuyên phạt 11 năm tù. Căn nguyên khiến các “sát thủ tuổi teen” này vướng vào lao lý là các em dính líu tới... game. Gia đình và xã hội tỏ ra bức xúc, lo lắng trước vấn nạn này. Bà Đoàn Thị Lâu (Đại Nghĩa, Đại Lộc) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 cháu đang tuổi ăn, tuổi học. Tình trạng học sinh bỏ học vì game rất nhiều, tôi rất lo sợ con em mình bị bạn bè lôi kéo mà sa sút việc học. Rất mong ngành chức năng có biện pháp mạnh để hạn chế “căn bệnh” xã hội này”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh (xã Đại Quang) lên tiếng: ”Nên kiểm tra, quản lý thật chặt, đánh thuế thật nặng đối với những cơ sở kinh doanh internet và game online. Với những cơ sở không chấp hành đúng quy định, cần xử lý mạnh tay...”.

Siết chặt quản lý

Ngày 1.9.2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định đã có hiệu lực, song công tác quản lý của các ban ngành gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Công Hiền - Trưởng phòng VH-TT huyện Đại Lộc cho biết, thời gian qua, phòng đã phối hợp với Công an huyện, Phòng LĐ-TB&XH huyện lập đội kiểm tra liên ngành về internet và game online. Qua 23 lượt thanh tra, kiểm tra tại các đại lý internet, nhà cung cấp dịch vụ, đội liên ngành đã xử phạt hành chính 8 đại lý vi phạm với tổng số tiền gần 10 triệu đồng, yêu cầu di dời tới địa điểm mới đối với 20 đại lý gần trường học. Tuy nhiên, việc quản lý gặp khó khăn vì lực lượng cán bộ chuyên trách còn mỏng, các đại lý cũng gặp nhiều hạn chế trong kinh doanh dịch vụ, họ phải duy trì hoạt động bằng cách cho khách hàng chơi game theo ý thích, mở cửa quá giờ quy định. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ siết chặt hơn nữa, nếu cơ sở nào không chấp hành đúng thời gian, phổ biến nhiều game bạo lực, chúng tôi sẽ có chế tài xử phạt mạnh tay” - ông Hiền nói.

Điện Bàn là một trong số huyện có động thái tích cực siết chặt internet và game online. Ông Phạm Đức Nhẹ - Trưởng phòng VH-TT huyện Điện Bàn cho biết, cả huyện có 95 điểm kinh doanh dịch vụ internet, năm 2013, Đội kiểm tra liên ngành của huyện (do Phòng VH-TT chủ trì) tổ chức 27 đợt thanh tra chuyên đề vào đầu năm học mới, dịp lễ tết, hè... và nhiều đợt kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra, Đội liên ngành xử phạt 11 cơ sở vi phạm với tổng số tiền gần 22 triệu đồng. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ đại lý internet được chú trọng. Trong năm, Điện Bàn đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho các chủ đại lý internet theo kế hoạch chỉ đạo của Sở TT-TT về nội quy, giờ giấc hoạt động, đối tượng, độ tuổi được cung cấp dịch vụ... Địa phương còn mời các chủ đại lý đến làm việc và thực hiện bản cam kết về trách nhiệm của chủ đại lý trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các cơ sở còn được hướng dẫn cài đặt phần mềm Onenet vào máy chủ để Sở TT-TT theo dõi.

Ông Trần Quít - Chánh thanh tra Sở TT-TT nói, hiện, tất cả các tiệm internet đều sử dụng phần mềm tính tiền thông qua doanh nghiệp cung cấp phần mềm như CMS, FPT, các đơn vị cung cấp phần mềm sẽ có trách nhiệm cung cấp user, pass, địa chỉ IP của các hộ kinh doanh, tên, số điện thoại… Thông qua đó, Sở TT-TT kiểm tra tương đối tốt về giờ giấc hoạt động của các đại lý, nội dung các web đen, cản và phát hiện từ xa. Đến nay, Thanh tra Sở TT-TT đã chủ trì nhiều đợt kiểm tra liên ngành, xử phạt các trường hợp vi phạm về giờ giấc tại TP.Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên và TP.Hội An. Theo ông Quít, khó khăn hiện nay là Nghị định 72 đã có hiệu lực, nhưng chưa có thông tư hướng dẫn từ bộ nên sở gặp khó, chưa thể tổ chức tập huấn cho chủ đại lý kinh doanh internet.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt quản lý game online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO