Nhiều tồn tại đã được thẳng thắn nhìn nhận tại cuộc làm việc do UBND tỉnh tổ chức vào hôm qua 14.5 nhằm tìm kiếm và đề xuất giải pháp khắc phục, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tránh những tai nạn đáng tiếc sau hai vụ chìm đò khiến 11 người tử vong ở Đại Lộc và Duy Xuyên từ đầu năm đến nay.
Nguy cơ rình rập
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho hay trên toàn tỉnh, tuyến sông Trung ương ủy thác cho địa phương quản lý khoảng 165km, tuyến sông địa phương quản lý khoảng 203km. Ngoài ra, rất nhiều hồ thủy điện có hoạt động thủy nội địa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều bến hoạt động tự phát, dù lực lượng liên ngành năm nào cũng tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng không xuể. Đặc biệt là Hội An, Điện Bàn và Duy Xuyên thường xuyên có tình trạng chở khách du lịch từ Cẩm Kim lên các bến dọc sông Thu Bồn.
Theo ông Sinh, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.236 phương tiện, trong đó 740 phương tiện chở người, còn lại là chở hàng hóa. Đây là số có đăng ký, có đăng kiểm định kỳ. Tuy nhiên, phương tiện thô sơ nằm rải rác tại các địa phương chưa thể thống kê được. Hiện nay, vẫn chưa có địa phương nào nắm được các phương tiện thô sơ, không có đăng ký. Lý do là thiếu, hoặc không có biên chế để quản lý.
“Vừa không thể quản lý bến, vừa không quản lý được phương tiện đang là cái khó. Đơn vị đã tham mưu nhiều văn bản hướng dẫn về đường thủy nội địa, xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động liên ngành. Việc đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng để cấp phép cho các bến, có địa phương làm được, có địa phương không, rất nguy hiểm. Các phương tiện đường thủy ở những địa bàn ở xa đã hết đăng kiểm nhưng không kịp thời đăng ký lại. Thanh tra Sở đã nhiều lần phát hiện, Sở cũng gửi văn bản về các địa phương đề nghị chấn chỉnh. Tuy nhiên mảng rất trống là phương tiện hoạt động du lịch, gia dụng hầu như không có sự quản lý nào. Ban ATGT tỉnh đều đặn hàng năm đều phát áo phao cho nhiều bến, phối hợp với các đoàn thể thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, song nhiều người dân vẫn có thói quen không sử dụng. Sự thiếu quyết liệt của các địa phương đối với kiểm tra, xử lý phương tiện gia dụng, bến tự phát… là khoảng trống lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ” - ông Sinh nêu thực trạng.
Quyết liệt vào cuộc
Đề cập các giải pháp để khắc phục các “khoảng trống” trong công tác quản lý đường thủy nội địa nêu trên, Sở GTVT cho hay, trọng tâm là phải thống kê cho được tất cả thuyền gia dụng, phương tiện đường thủy công suất nhỏ. Giải pháp cấp bách mà đơn vị này đề cập là sớm ban hành các văn bản quy định phân cấp, ủy quyền thực hiện đăng ký và quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; quản lý phương tiện thủy thô sơ, phương tiện được miễn đăng ký theo quy định; quy chế phối hợp về quản lý và xử lý vi phạm; tổ chức hoạt động các bến thủy nội địa.
Ngoài ra, các địa phương cần phối hợp để rà soát, xác định các bến thủy nội địa cấp thiết phục vụ hành khách để sắp xếp, hoàn thiện các thủ tục, hạ tầng, cấp phép hoạt động để đảm bảo an toàn, tránh hoạt động tự phát. Sở GTVT cũng đề nghị Ban ATGT tỉnh chủ trì triển khai ngay kế hoạch kiểm tra liên ngành trong tháng 5 này, đặc biệt tập trung phối hợp tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Ngoài chương trình phát áo phao, Sở GTVT đề xuất dùng kinh phí an toàn giao thông để tìm giải pháp “chế” bộ phao chống lật gắn trên thuyền nhôm, vốn là phương tiện khá phổ biến song tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao ở nhiều địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu sắp tới, việc quản lý phải được tăng cường, tập trung sâu vào các ghe thuyền thô sơ của người dân, triển khai ngay Kế hoạch 7847 của UBND tỉnh năm 2019 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Đồng thời yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát đường thủy và ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, huy động hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ.
“Sắp tới, các địa phương phải chịu trách nhiệm về các bến thủy nội địa hoạt động trên địa bàn, xem xét quy hoạch hệ thống bến theo từng khu vực, có hướng dẫn, đảm bảo các điều kiện an toàn. Sở GTVT nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương về quy hoạch, quản lý, đồng thời khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá các phương tiện, cấp số, quy định số người, trọng tải chở hàng… Hai sự cố vừa rồi là lời cảnh tỉnh hết sức đau lòng, cần siết chặt lại mọi khâu để lập lại trật tự, an toàn, tránh những tai nạn thương tâm tương tự xảy ra” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.