Siết chặt quản lý khoáng sản

THÀNH CÔNG 28/11/2023 08:00

Từ những hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Sở TN-MT đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ rào cản về cấp phép khai thác khoáng sản, đặc biệt là vật liệu xây dựng thông thường.

Công tác quản lý khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: T.C
Công tác quản lý khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: T.C

Cần siết chặt

Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, năm 2023 đơn vị đã tham mưu cấp phép hoạt động khoáng sản phù hợp với quy hoạch được duyệt. Quy trình cấp phép đúng trình tự, thủ tục gắn với cải cách thủ tục hành chính theo quy định.

Từ những vướng mắc trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định ủy quyền cho sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Nhờ đó, trong năm 2023, các địa phương đã tổ chức đấu giá 18 khu vực khai thác.

Tính đến ngày 20/11/2023, toàn tỉnh có 70 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 6 giấy phép khai thác do Bộ TN-MT cấp (gồm các khoáng sản: đá ốp lát, cát trắng, than đá, vàng gốc, đá vôi, nước khoáng - mỗi loại 1 giấy phép) và 64 giấy phép do UBND tỉnh cấp (gồm cát (12 giấy phép), đá (23), đất san lấp (5), đất sét (10), vàng gốc (11), đá thạch anh tảng lăn (2) và than (1)).

"Sở cũng đã tổ chức thẩm định hồ sơ, cấp, ban hành theo ủy quyền 45 giấy phép, quyết định liên quan đến hoạt động khoáng sản.

Các hoạt động kiểm tra thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án do Bộ TN-MT cấp phép và tình hình lắp đặt, quản lý, sử dụng camera, trạm cân của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được đơn vị phối hợp thực hiện theo quy định.

Sở cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không đúng quy định gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân" - ông Toàn cho hay.

Ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh chia sẻ, nhiều địa phương gặp khó khi nguồn cung vật liệu xây dựng từ các mỏ khan hiếm.

"Đầu năm 2023, giá vật liệu xây dựng nhảy múa, nhiều loại vật liệu tăng vọt. Việc quản lý nhà nước về khoáng sản vật liệu xây dựng sẽ cần xem lại khi cách biệt giá ở nơi cung ứng và giá người dân, doanh nghiệp mua quá cao. Ngành TN-MT cũng cần siết công tác quản lý, tránh lãng phí tài nguyên, khi nhiệm vụ quản lý trữ lượng cát, đất... vẫn còn chưa triệt để" - ông Thẩm nói.

Gỡ vướng

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Sở TN-MT nói, sở thường xuyên theo dõi tình hình khai thác khoáng sản ở các địa phương, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng xảy ra nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Theo ông Sơn, nhiều quy định còn rườm rà và mang tính cào bằng, chưa phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến thời gian thực hiện công tác khoanh định, công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ của Bộ TN-MT trong một số trường hợp kéo dài. Điều này gây tốn kém nhiều chi phí của Nhà nước, doanh nghiệp và làm phát sinh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Có tình trạng doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động khoáng sản, chậm hoặc không thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, còn nợ các khoản nghĩa vụ tài chính. Sở cũng ghi nhận tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra, nhất là khai thác vàng, cát, sỏi lòng sông.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh, năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở TN-MT phải thực hiện tốt hơn công tác giám sát đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở các địa phương.

“Năm 2023, UBND tỉnh đã giao ủy quyền đấu giá 18 khu vực khai thác khoáng sản cho các địa phương. Sở cần có đánh giá lại tổng quan việc ủy quyền này cái gì được, cái gì chưa được, những yêu cầu cần đặt ra để quản lý. Một số dự án khai thác đấu giá xong thì đơn vị trúng đấu giá bỏ dở dang, hoặc chậm thực hiện các nghĩa vụ đóng cửa.

Cần phải làm chặt chẽ hơn, đồng thời có kiến nghị về những hạn chế, đề xuất giải pháp cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan cấp trên nhằm siết chặt công tác quản lý khoáng sản, gỡ khó cho việc khan hiếm vật liệu xây dựng và các mục tiêu liên quan” - ông Nguyễn Đức nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt quản lý khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO