Siết chặt quản lý môi trường

TRẦN HỮU 23/05/2014 11:28

Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường, hoặc đang hoạt động nhưng không báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được ngành chức năng xử lý nghiêm. Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường đã bộc lộ khá nhiều lỗ hổng.
Thiếu triệt để

Nhiều năm nay, người dân thôn 2 (xã Quế Cường, Quế Sơn) rất bức xúc trước việc nhà máy của Công ty CP Fococev Quảng Nam để mùi hôi của nguyên liệu chế biến bốc ra môi trường khu dân cư. Chính quyền vào cuộc can thiệp, nhưng các biện pháp của công ty cũng chỉ mang tính đối phó. Do vậy, đầu tháng 5, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt 140 triệu đồng đối với công ty này về hành vi không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, như chưa phun chế phẩm EM xử lý vỏ lụa để giảm thiểu mùi hôi tại khu vực sản xuất. Từ “tiền lệ” xấu là các doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm môi trường kéo dài, nên 2 năm qua, người dân xã Quế Cường lại tiếp tục phản đối thi công khu xử lý và chế biến rác thải trên địa bàn. Trong khi đó, cơ sở sản xuất gạch thủ công tại khối phố Phú Phong (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) gây ô nhiễm khói bụi tồn tại dai dẳng nhiều năm nay trong khu dân cư, nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp di dời, hoặc buộc dừng hoạt động.

Một số doanh nghiệp lén lút xả thải ra mương Cầu, gần cánh đồng Thọ Khương (xã Tam Hiệp, Núi Thành) vừa qua khiến người dân bức xúc.  Ảnh: T.H
Một số doanh nghiệp lén lút xả thải ra mương Cầu, gần cánh đồng Thọ Khương (xã Tam Hiệp, Núi Thành) vừa qua khiến người dân bức xúc. Ảnh: T.H

Đầu năm 2014, UBND tỉnh lại tiếp tục cảnh cáo, xử phạt nhiều DN khai khoáng xả thải chất độc chưa qua xử lý ra môi trường. Đáng nói, có không ít DN đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mới bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Đây là hệ quả của việc thu hút đầu tư ồ ạt, thu hút bằng mọi giá, trong khi kết cấu hạ tầng, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn thiếu đồng bộ của nhiều cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Đánh giá về các đợt kiểm tra, giám sát gần đây, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh khẳng định, các DN gây ô nhiễm môi trường thì tràn lan, một số có biểu hiện né tránh, lách luật, nhưng ngành chức năng lại lúng túng, xử lý thiếu triệt để.  Kết quả giám sát môi trường gần đây của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, toàn tỉnh chỉ có 5/9 khu công nghiệp (KCN) và 3/108 CCN được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 3 KCN và 48 CCN chưa thực hiện quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.

Di dời khỏi khu dân cư

Báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên – môi trường) mới đây cho thấy, môi trường nước mặt ở hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, nước sông Vu Gia vẫn còn ô nhiễm chất rắn lơ lửng. Phần lớn nguồn nước ngầm ở các vùng đồng bằng ven biển bị ô nhiễm amoni, chất hữu cơ và vi sinh coliform. Các thành phần môi trường còn lại như không khí, đất, trầm tích, nước biển ven bờ chất lượng chưa có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên có những thời điểm bị ô nhiễm cục bộ về bụi và tiếng ồn trong môi trường không khí tại các nút giao thông chính.

Bên cạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường sinh thái đáp ứng tiêu chí đô thị loại 2 trong tương lai, chính quyền TP.Tam Kỳ vừa quyết định di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra nội thị. Toàn thành phố hiện có hơn 230 cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các phường Phước Hòa, An Xuân, Hòa Hương, Tân Thạnh, An Mỹ, An Sơn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Theo UBND TP.Tam Kỳ, hầu hết cơ sở đều sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải, lại nằm trong các khu dân cư gây ra tiếng ồn lớn, ô nhiễm môi trường làm mất mỹ quan đô thị. Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Nam Hưng cho biết, trước mắt, địa phương sẽ hỗ trợ di dời các cơ sở thu mua phế liệu, sản xuất mộc, sửa chữa ô tô, các lò mổ gia súc, gia cầm gia đình ra khỏi khu vực nội thị. Tại huyện Tiên Phước, chính quyền dành 4,6 tỷ đồng xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung, tiến tới xóa bỏ tình trạng giết mổ tự phát như hiện nay. Địa phương đang vận động 19 hộ dân kinh doanh giết mổ không có giấy phép tại thị trấn Tiên Kỳ và các xã lân cận vào cơ sở tập trung nhằm kiểm soát chặt khâu đảm bảo môi trường, vệ sinh thú y.

Hiện tại, Sở Tài nguyên – môi trường đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan tiến hành khảo sát hiện trạng các CCN và các cơ sở sản xuất ngoài CCN, hướng dẫn về công trình xây dựng hạ tầng xử lý nước thải tập trung và lựa chọn vị trí nguồn tiếp nhận nước thải. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, nhiệm vụ trọng tâm bây giờ là tìm cách khắc phục, siết chặt công tác quản lý về lĩnh vực môi trường. Do vậy, các ngành chức năng phải vào cuộc hướng dẫn các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện việc xử lý và xả nước thải theo quy mô, lưu lượng và tình hình thực tế của các DN đầu tư tại các KCN, CCN. Ngoài ra, xem xét từng loại hình đầu tư của các DN để có cơ chế thu hút ưu đãi đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc đấu nối chung một đường ống dẫn ra sông, suối, ao hồ. Dự án đầu tư mới bắt buộc phải báo cáo đánh giá tác động môi trường.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt quản lý môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO