Có nhiều nguyên nhân làm thất thoát lớn tài nguyên thiên nhiên. Chính vì vậy, việc siết chặt quản lý nhà nước về tài nguyên là nhiệm vụ cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Mất nhiều hơn được
Những năm gần đây, miền núi Quảng Nam liên tục tái diễn nạn tận thu khoáng sản trái phép. Nhiều “điểm nóng” quen thuộc như khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, Phước Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh... Ngoài các điểm mỏ nhỏ lẻ, giới thổ phỉ bây giờ còn tấn công đến sát địa bàn thuộc quyền quản lý, khai thác của doanh nghiệp. Các đơn vị hết giấy phép hoạt động cũng tranh thủ vơ vét tài nguyên. Thời điểm này, có ít nhất 5 doanh nghiệp trên địa bàn các xã Phước Hiệp, Phước Thành (Phước Sơn) đã hết thời gian tổ chức khai thác, mới đây cơ quan có thẩm quyền chỉ cho phép thăm dò, chưa cấp mới. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, hầu hết doanh nghiệp khai khoáng đều kết hợp thăm dò với khai thác. Trong khi đó, nguồn thu thuế từ lĩnh vực khai khoáng là rất thấp so với nguồn thu chung của tỉnh. Thời gian đầu, các doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các loại thuế phí nhưng khi gần hết phép lại tìm cách... nợ.
Sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu trong khai thác đã gây thất thoát không nhỏ nguồn tài nguyên khoáng sản. TRONG ẢNH: Nhà máy khai thác vàng tại xã Sông Trà (Hiệp Đức). Ảnh: T.H |
Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam thông tin, có huyện với 13 công ty khai khoáng đến lúc giấy phép gần hết hạn đều nợ, cơ quan thuế tìm chủ doanh nghiệp rất khó khăn. Ông Bốn phân tích, cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khai thác là lỗ hổng lớn nhất gây khó cho ngành thuế trong việc kiểm soát sản lượng khai thác thực chất của doanh nghiệp. Tỉnh có cả chục công ty khai thác khoáng sản nhỏ lẻ nhưng khi khai thác báo cáo không được 10% trữ lượng. Có doanh nghiệp trong giấy phép được cấp trữ lượng 30kg vàng nhưng đến khi hết phép báo cáo chỉ thu được 0,8kg vàng. Lúc thanh tra thuế kiểm tra lên được 1,7kg vàng.
Điều dễ nhận thấy, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chỉ thuộc dạng thô, chế biến sâu chưa có, hoặc có cũng chưa thể tận thu hết được các loại khoáng sản đi kèm. Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), trừ một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như dầu khí, than đá, đồng… có công nghệ khai thác, chế biến tương đối hiện đại, còn lại phần lớn các mỏ khoáng sản nhỏ, phân tán được khai thác, chế biến bằng công nghệ thủ công. Khảo sát gần đây cho thấy, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn rất cao như khai thác than hầm lò tổn thất là 40 - 60%, khai thác apatit 26 - 43%, quặng kim loại 15 - 30%. Tổn thất trong chế biến cũng không hề nhỏ. Chẳng hạn trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến chỉ đạt 30 - 40%, phần còn lại thải ra môi trường.
Thiết lập đường dây nóng
Chính phủ chỉ đạo giải quyết tình trạng khai thác vàng trái phép tại Quảng Nam Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về việc nhiều doanh nghiệp hết giấy phép vẫn khai thác vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1536/VPCP-KTTH ngày 5.3.2015 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu. |
Theo Sở TN&MT, nếu đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác khoáng sản sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm, lãng phí và hạn chế thất thoát tài nguyên. Cho nên, cần đầu tư mạnh hơn cho công tác điều tra, thăm dò để làm căn cứ cho việc khai thác một cách có hiệu quả, phải quy hoạch khai thác đối với từng mỏ, điểm mỏ. Mặt khác, nên sản xuất sạch hơn để vừa nâng cao hiệu quả khai thác vừa cải thiện và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các mỏ, nhà máy hiện có cần cải tạo theo hướng thay thế dần các thiết bị cũ bằng các thiết bị mới, hiện đại hóa công nghệ từ khai thác đến chế biến. Về khai thác khoáng sản trái phép, Trung ương và tỉnh đang thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin. Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT) khẳng định, trước thực trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, ở cấp Trung ương và tỉnh sẽ thành lập đường dây nóng xử lý. Bộ TN&MT sẽ có cơ chế khen thưởng, bảo vệ người cung cấp thông tin khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn cách lập dự toán chi ngân sách cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Về giải pháp cấp bách, gần đây nhất UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 17 ngày 18.5.2016 về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh sẽ áp dụng biện pháp mạnh là phá hủy các phương tiện, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ, vật dụng, công trình sử dụng vào hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trái phép. Riêng đối với các tài sản, phương tiện, máy móc, thiết bị không phải chủ sở hữu của người tham gia hoạt động khoáng sản trái phép thì ngoài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định còn áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền tương đương với giá trị của tài sản, phương tiện, máy móc, thiết bị. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT kiến nghị: “Bộ TN&MT cần sớm khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân bố nhỏ lẻ để tỉnh cấp phép; đồng thời không bắt buộc doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện điều tra, đánh giá gây tốn kém, mất thời gian với các mỏ nhỏ lẻ này”.
TRẦN HỮU