Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 4.11.2016 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016 – 2020 (gọi tắt Nghị quyết 06), miền núi Quảng Nam đã chuyển biến tích cực trong khai thác, sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trong tình hình mới, ngoài siết chặt quản lý thì cần phân cấp và quy định trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ rừng.
Rà soát phương án quản lý tài nguyên
Rừng và khoáng sản là tài sản quý giá ở khu vực miền núi, đồng thời cũng là 2 lĩnh vực bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà nước. Đơn cử, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) hiện còn nhiều bất cập.
Thực tế, nhiều khu rừng quy hoạch là đất rừng phòng hộ nhưng đã bị người dân lấn chiếm trồng rừng sản xuất, ví dụ điển hình là lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh, Đông Giang. Đến nay, chính quyền 2 địa phương trên vẫn lúng túng với các phương án xử lý đất và cây trồng trên đất lấn chiếm trái phép.
5 năm thiệt hại 719ha rừng
Đó là con số đưa ra tại hội nghị báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016 – 2020 diễn ra trong 2 ngày 1 và 2.7. Con số ấn tượng là năm 2020 diện tích rừng tự nhiên thuộc diện quản lý nghiêm ngặt của tỉnh là 466.207ha, trong khi đó năm 2015 diện tích này chỉ có 56.367ha. Cũng giai đoạn này, Quảng Nam xảy ra 3.847 vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị thiệt hại là 719ha (giảm 322ha so với giai đoạn 2011 - 2015).
UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 với diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 729.756ha (chiếm 69% diện tích tự nhiên của tỉnh). Trong đó, rừng đặc dụng 139.895ha, phòng hộ 315.812ha và sản xuất 274.048ha.
Giai đoạn này chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích hơn 181ha; trồng rừng thay thế là 2.333ha (đạt 97,69% kế hoạch). Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện rà soát để lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, tích hợp quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, khắc phục chồng lấn về quy hoạch lâm nghiệp với diện tích quy hoạch khác.
Hai năm qua, ngành lâm nghiệp đã tái cơ cấu toàn diện từ việc rà soát, sắp xếp lại bộ máy hoạt động của các ban quản lý rừng và kiện toàn lực lượng kiểm lâm. Theo đó, thành lập 6 ban quản lý rừng gồm A Vương, Sông Kôn, Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, Đắk Mi, Sông Tranh với diện tích giao đất 239.291ha.
Việc giao đất gắn với giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn trong khuôn khổ dự án KFW6, KFW10, BCC hỗ trợ với diện tích 23.150ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng tự nhiên đạt tỷ lệ thấp (358.441/769.298ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 46%).
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, do chưa có nguồn kinh phí để thực hiện nên công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng tự nhiên, phân định ranh giới rừng, ban hành khung giá rừng chậm.
Hạn chế nhất của phát triển kinh tế rừng là chưa hình thành chuỗi giá trị về hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong lâm nghiệp. Chất lượng và năng suất rừng trồng còn thấp, cơ cấu giống các loại cây trồng rừng còn đơn điệu (các loài keo chiếm trên 90%).
Về lĩnh vực khoáng sản, Tỉnh ủy cho rằng, tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp được cấp phép và khai thác khoáng sản trái phép đã giảm đáng kể, không còn xảy ra “điểm nóng” nhưng vẫn tái diễn dai dẳng nạn khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh); khai thác và sử dụng nguồn đất sét nguyên liệu không đúng quy định tại các xã Duy Hòa, Duy Phú, Duy Thu (Duy Xuyên).
Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 101 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực của 86 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, cần thiết phải ban hành một nghị quyết mới về bảo vệ rừng. Bởi giữ rừng ở miền núi sẽ hiệu quả giải được bài toán phát triển kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời chống sạt lở đất. Bên cạnh đó, ngành chức năng phải xác định quy hoạch cây trồng phù hợp.
“Vấn đề quyết định cho sự đổi thay miền núi là phải có doanh nghiệp lên đầu tư. Muốn vậy, cơ chế hỗ trợ phải rút bớt thủ tục hành chính rườm rà để hỗ trợ doanh nghiệp, còn tỉnh đầu tư hạ tầng cơ bản” – ông Tài nói.
Trong phiên thảo luận tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4, khóa XXII diễn ra cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đóng cửa rừng tự nhiên nhưng các vụ cháy rừng có xu hướng gia tăng gần đây do tình trạng xâm hại rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất. Cho nên về lâu dài cần nâng mức hỗ trợ cho người giữ rừng, bằng cách chuyển nguồn thu từ thủy điện.
Hiện nay, bộ máy nhân sự của các hạt kiểm lâm và các ban quản lý rừng (chủ rừng) được kiện toàn. Đơn vị hạt kiểm lâm sẽ tham mưu chủ tịch UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp hiệu quả hơn trên địa bàn; trong khi đó vai trò của chủ rừng được nâng cao và trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của chính quyền địa phương được tăng cường. Các chủ rừng khi chuyển sang hình thức hợp đồng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã bổ sung đáng kể lực lượng đi tuần tra rừng.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tài nguyên khoáng sản, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Thêm vào đó, điều hành về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tài nguyên khoáng sản gắn với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Về giải pháp cho giai đoạn 5 năm đến, Tỉnh ủy xác định, tiếp tục quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương và chủ rừng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tài nguyên khoáng sản. Tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản hợp lý, hiệu quả và quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp được cấp phép.