Siết chặt quản lý vốn ngân sách

TÙY PHONG 28/10/2015 09:10

Kết quả kiểm tra của Sở Tài chính và các cơ quan quản lý khác mới đây đã cho thấy công tác quản lý, sử dụng vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguồn thu tiền sử dụng đất bố trí tái định cư của một số địa phương, dự án vẫn tồn tại nhiều “vấn đề”. Theo kết luận của cơ quan tài chính thì hầu hết nguồn vốn từ ngân sách nhà nước này đều không sử dụng đúng mục đích, chậm thực hiện quyết toán kinh phí giải phóng mặt bằng, việc trích nộp, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất bố trí tái định cư không đúng các quy định hiện hành...

Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã có công văn buộc các chủ đầu tư chủ động rà soát, kiểm tra lại tất cả dự án đầu tư, dự án khai thác quỹ đất, dự án tái định cư, báo cáo cụ thể, phương án xử lý cụ thể cho Sở KH&ĐT, trình UBND tỉnh quyết định. Không phải bây giờ các cơ quan quản lý mới nhìn thấy sự buông lỏng quản lý hay phân cấp quá lớn đã để lại khoảng trống đầy khó khăn trong việc chấn chỉnh quản lý, sử dụng tiền ngân sách. Nhiều công văn, báo cáo đã được gửi các chủ đầu tư, dự án, chính quyền địa phương yêu cầu báo cáo, giải trình, nhưng hiệu quả trên thực tế không như mong muốn. Động thái này của UBND tỉnh hàm nghĩa chính quyền nay đã không còn nhiều nguồn lực và không đủ kiên nhẫn để “tiếp sức” cho những dự án đầu tư công dàn trải, manh mún, lãng phí hay có khả năng thất thoát kinh phí ngân sách. Vấn đề quan tâm của công luận là việc rà soát, giám sát hay siết chặt quản lý ngân sách không chỉ là biện pháp đối phó mà nên là công việc thường xuyên. Nói cụ thể hơn, việc loại bỏ những khoản đầu tư sai mục đích, thực chất là phân bổ lại nguồn lực đầu tư một cách hợp lý hơn.

Có thể hiểu việc chấn chỉnh hay kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính chỉ có thể nhất thời. Nếu không thay đổi cơ chế giám sát thì sẽ khó tạo ra động lực thay đổi hiệu quả đầu tư. Hơn hết, việc phân bố, giám sát kinh phí phải được công bố công khai, minh bạch để toàn dân, hay cơ quan dân cử giám sát thì sẽ giải quyết được gốc rễ. Ai cũng thấy cần thiết phải tìm ra nguyên nhân tại sao không chịu thanh quyết toán hay sử dụng kinh phí nhà nước sai mục đích… để khắc phục tình trạng này. Nếu là lỗi của chính quyền địa phương, chủ đầu tư cấp dưới thì phải xử lý đến nơi đến chốn, ngược lại, người đứng đầu phải xem xét lại trách nhiệm điều hành của mình. Quảng Nam chuẩn bị bước vào sân chơi toàn cầu mới mẻ, trong khi đó nguồn lực ngân sách hạn hẹp nên không thể chấp nhận cách làm thiếu kỷ cương như thực tế. Không thể để các quy định hay văn bản của chính quyền bị vô hiệu hóa. Lỗ hổng pháp lý hay quản lý cần được khắc phục, bằng không các hoạt động giám sát của các cơ quan quản lý sẽ chẳng đem lại kết quả đáng kể trong chuyện quản lý ngân sách!

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt quản lý vốn ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO