Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản (KS) lộ diện và từng bước được khắc phục. Sau một năm siết chặt quản lý khai thác KS, sức “nóng” ở nhiều nơi tại Quảng Nam đã giảm, song cuộc chiến để giữ tài nguyên trong lòng đất vẫn chưa có hồi kết.
Siết chặt
Tháng 8.2012, UBND tỉnh tiếp tục bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (KS), tạo hành lang pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động KS, đưa ngành công nghiệp khai khoáng phát triển tương xứng. Xuyên suốt trong quan điểm chỉ đạo luôn nhất quán chủ trương hạn chế, chấm dứt khai thác KS thô hoặc chỉ qua sơ chế. Hàng loạt nhà máy tiếp tục nâng cấp, mua sắm công nghệ, thiết bị tân tiến để tiếp tục sản xuất. Từ quy trình khai thác thô tiến đến chế biến sâu như của các Công ty CP Khoáng sản Đất Quảng Chu Lai, Công ty CP Kính nổi Chu Lai - Indevco, Công ty CP Xuân Thành Group, Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai, Nhà máy Chế biến bột silica và Nhà máy Vải, sợi thủy tinh của Công ty CP Kỹ nghệ KS Quảng Nam… Ngược lại, không ít nhà máy chế biến KS sử dụng công nghệ lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn quy định cũng dừng hoạt động.
Băm nát lòng sông Trường, đoạn qua thôn Bà Xá, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn. Ảnh: H.PHÚC |
Tình trạng khai thác KS trái phép tuy còn tái diễn nhưng không còn diễn ra công khai như trước. Ở các địa phương đồng bằng, năm 2012, đã tập trung mọi nguồn lực tuyên chiến với nạn hút cát trộm lòng sông và kịp thời cấp mỏ khai thác để giải quyết nhu cầu xây dựng cấp thiết. Tại huyện Điện Bàn, hệ thống sông có một trữ lượng cát khá lớn, đây là nơi cung cấp nguồn vật liệu phục vụ xây dựng, san lấp mặt bằng cho vùng lân cận và TP.Đà Nẵng. Thị trường cát sỏi leo thang khiến đối tượng “sa tặc” luôn dòm ngó. Với quyết tâm trả lại sự yên bình cho sông, tại các “điểm nóng” KS ở sông Yên, đoạn giáp ranh giữa Điện Bàn với huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), ngã ba vòm sông Thu Bồn – Vĩnh Điện đều được lập các trạm chốt chặn, cắt cử gần 10 cán bộ tuần tra, truy quét liên tục. Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn – ông Đặng Hữu Lên cho biết, địa phương đã ưu tiên bố trí ngân sách cho các xã tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét nạn hút cát trộm, túc trực ở các trạm chốt chặn. Chính quyền cơ sở sẽ chịu trách nhiệm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động KS trái phép trên địa bàn quản lý.
Nhờ thường xuyên truy quét, cương quyết xử lý, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trong năm 2012 giảm đáng kể. |
Nhiều địa phương miền núi, trung du cũng tập trung nguồn lực siết chặt quản lý khai thác KS. Chính quyền huyện Đại Lộc đã ngăn chặn tình trạng khai thác than đá trái phép, xử lý nặng các doanh nghiệp khai thác than đá gây ô nhiễm môi trường, lợi dụng chủ trương của tỉnh tiêu thụ, khai thác trái phép. Trong khi đó, Bắc Trà My đang nỗ lực để kiểm soát quặng thiếc chung quanh khu di tích lịch sử Nước Oa. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, chính sự cương quyết với hoạt động khai thác KS mà tình hình đã chuyển biến rõ nét. Năm 2012, ngành tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 5 giấy phép khai thác KS, tiến hành hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra các mỏ. Thêm vào đó, buộc các đơn vị có sai phạm, thiếu sót nhưng chưa đến mức thu hồi giấy phép có trách nhiệm khắc phục tất cả sai phạm, thiếu sót theo quy định. Tiếp tục rà soát, đưa vào “danh sách đen” những cơ sở, doanh nghiệp hoạt động khai thác KS gây ô nhiễm môi trường…
Một nhà máy đang lấy quặng sàn tuyển vàng trên địa bàn xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức. |
Cẩn trọng, cân nhắc
Ông Võ Hồng, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nhìn nhận lạc quan rằng, 2012 là năm ít xuất hiện các “điểm nóng” về KS trái phép nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ngoại trừ ít vụ báo chí phản ánh. Điều này chứng tỏ chính quyền cấp huyện, xã đã ý thức trách nhiệm của mình trong quản lý khai thác KS. Chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh về siết chặt hoạt động khai thác KS đã có tác dụng “mưa dầm thấm lâu”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 74 giấy phép khai thác KS còn hiệu lực. Trong đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp 11 giấy phép khai thác vàng, đá ốp lát, cát trắng, felspat và thăm dò quặng urani. UBND tỉnh cấp 63 giấy phép, chủ yếu khai thác vật liệu xây dựng thông thường. |
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực KS năm 2012 là đáng ghi nhận, nhưng thực tế vẫn bộc lộ vướng mắc. Khâu lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng KS thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh triển khai chậm. Một số loại KS như đất sét, cát, sỏi lòng sông, cát trắng,… phân bố rải rác nhiều nơi, quy mô khai thác nhỏ lẻ. Trong khi điều kiện để được cấp phép khai thác KS làm vật liệu xây dựng có công suất nhỏ, thời gian khai thác ngắn, phục vụ cho nhu cầu tại chỗ khá chặt chẽ nên các tổ chức, cá nhân “ngại” xin giấy phép hoạt động. Đây là nguyên nhân bùng phát tình trạng khai thác KS trái phép tràn lan.
Lý giải vì sao doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác KS thường sai phạm, gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Viễn (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường) cho hay việc xem xét, lựa chọn doanh nghiệp để cấp phép khai thác, chế biến KS trước đây chưa chú trọng nhiều đến tiêu chí năng lực, công nghệ…, mà chỉ dựa vào các khoản đóng góp ngân sách địa phương. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ khai thác, chế biến đơn giản, đầu tư còn manh mún, thậm chí theo kiểu “ăn xổi ở thì” nên hiệu quả sản xuất thấp, gây lãng phí thất thoát tài nguyên, xâm hại đến cảnh quan, môi trường. “Chất lượng thẩm định Bản cam kết bảo vệ môi trường, các dự án cải tạo, phục hồi môi trường của UBND cấp huyện và đầu tư khai thác KS của ngành chuyên môn còn thấp” – ông Viễn thừa nhận.
HỮU PHÚC