Siết lại quản lý quy hoạch ven biển

TRẦN HỮU 13/06/2015 09:55

Trước sự phá vỡ không gian quy hoạch ven biển, nhiều dự án không triển khai, hoặc chậm tiến độ đầu tư, Bộ Xây dựng đã có bước xử lý sai phạm ở một số tỉnh, thành trong đó có Quảng Nam.

Dự án trắc trở

Những ngày này, khu du lịch Cát Vàng (xã Tam Tiến, Núi Thành) bước vào giai đoạn hoàn thiện hạ tầng các dãy biệt thự, resort sau gần 10 năm dang dở đầu tư. Nằm sát bãi biển, kề đường Thanh niên ven biển, khu du lịch có diện tích được phê duyệt rộng 50ha này, hứa hẹn sẽ là “thiên đường” nghỉ dưỡng cao cấp hiếm hoi ở khu vực phía nam của tỉnh. Sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đã có tác dụng với dự án “cù nhây” về tiến độ đầu tư này. Tuy nhiên, khu du lịch này do “đứng bánh” xây dựng suốt thời gian dài, cộng với lỏng lẻo quản lý nên tình trạng người dân lấn chiếm đất nuôi tôm trên cát lót bạt dẫn đến tranh chấp kéo dài. Thời gian qua, dự án nằm trong “tầm ngắm” có thể bị thu hồi giấy phép đầu tư nhưng đã tích cực bỏ vốn xây dựng như khu du lịch Cát Vàng không phải là nhiều.  Thực tế không ít chủ đầu tư dù đã cam kết nhiều lần nhưng vẫn không thực hiện. Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được phê duyệt ban đầu rộng 1.500ha do Tập đoàn VinaCapital làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Nam Hội An do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Cienco 5 làm chủ đầu tư rộng khoảng 650ha đến nay triển khai rất ì ạch. Công tác giải phóng mặt bằng của nhiều dự án ven biển thuộc xã Điện Dương, Điện Ngọc (Điện Bàn) với tiến độ “rùa bò”. Mặc dù UBND tỉnh nhắc nhở nhiều lần, nhưng dự án khu biệt thự, căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng của Công ty CP Hạ tầng & dịch vụ truyền thông Logi 3 và Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông T.I.D.I có diện tích 23ha tại xã Điện Dương đến nay vẫn chưa xong mặt bằng. Tương tự, dự án khu du lịch sinh thái Hòn Ngọc II của Công ty TNHH Thương mại, du lịch và dịch vụ Sông Hàn tại xã Điện Ngọc quy mô 3,8ha còn gặp ách tắc mặt bằng.

Một số công trình xây dựng resort ở Cửa Đại lấn ra biển, nguy cơ bị nước biển xâm thực gây thiệt hại rất cao. Ảnh:  T.HỮU
Một số công trình xây dựng resort ở Cửa Đại lấn ra biển, nguy cơ bị nước biển xâm thực gây thiệt hại rất cao. Ảnh: T.HỮU

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Nhà nước chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng vệt cây xanh, tìm quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng; sẵn sàng chia sẻ và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp xoay xở, đầu tư dự án. Thế nhưng, nhiều dự án gần như không đảm bảo năng lực tài chính, chờ thời cơ chuyển nhượng đầu tư. Hiện các ngành chức năng của tỉnh rà soát, đánh giá lại khả năng thực hiện cam kết của các dự án trên tuyến ven biển Điện Bàn – Hội An. Thống kê cho thấy, trong số 33 dự án đầu tư du lịch vùng ven biển này, đến nay chưa đến 15 dự án triển khai. Trước đó, UBND tỉnh đã xử lý sai phạm hàng loạt dự án, thu hồi hơn 23ha đất nằm trong quy hoạch cây xanh phía đông, dọc theo tuyến đường ĐT693A thuộc hai xã Điện Ngọc và Điện Dương (Điện Bàn). Hiện thị xã Điện Bàn có nhiều dự án vướng mặt bằng như dự án Trung Kỳ Viêm Đông, Sông Hàn, Lũng Lô 5, Beach Villas, Hà My, Vina Capital; còn TP.Hội An là dự án Năm sao, Qudos, Thái Bình Dương, Phát Đạt.

Tăng cường quản lý

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, “nút thắt” trong các dự án ven biển là vướng mặt bằng và chưa thực hiện đúng cam kết. Vì thế, chính quyền thị xã Điện Bàn và TP.Hội An cần khẩn trương làm việc với chủ đầu tư dự án ký cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng, ứng kinh phí theo phương án được duyệt, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng sạch. Trường hợp chủ đầu tư đã ký cam kết nhưng không phối hợp thực hiện, chậm trễ ứng kinh phí thì nhiều khả năng sẽ bị chấm dứt đầu tư, hoặc thu hồi vốn.

Theo Bộ Xây dựng, quản lý hiện trạng xây dựng tại 7 địa phương giàu mạnh về biển như TP.Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Quảng Nam bộc lộ quá nhiều lỗ hổng, nhiều nơi phá vỡ quy hoạch, làm nát cảnh quan tự nhiên. Bảy địa phương này, có 780 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích 37.598ha. Trong đó, có 455 dự án đã, đang triển khai với diện tích 12.769ha, còn lại 310 dự án chưa triển khai (24.798ha). Những sai phạm phổ biến của các địa phương ven biển là dự án chưa phê duyệt chi tiết 1/500 nhưng đã cấp phép đầu tư xây dựng và không nằm trong quy hoạch chi tiết 1/2000. Nhan nhản dự án xây dựng sát mép biển, không triển khai không gian vui chơi giải trí, cây xanh vườn hoa, khu tắm biển cho nhân dân, các tuyến đường xuống bãi tắm, ô nhiễm nặng môi trường sinh thái… Bất cập ở chỗ, triển khai đầu tư của các dự án ven biển đều bị chậm do thiếu nguồn lực, chính sách về quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo. Trong khi đó, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý về các mặt quy hoạch, đầu tư, sử dụng đất.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng – bà Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến ven biển chưa khớp nối liên vùng nên khó phát huy được tiềm năng. Chất lượng thẩm định các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai tại các dự án ven biển chưa nghiêm.  “Quy hoạch xây dựng khu vực ven biển chưa được triển khai đồng bộ từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị” – bà Linh nhìn nhận. Theo Bộ Xây dựng, nhiệm vụ năm 2015 là tiếp tục rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy định không còn phù hợp với thực tiễn; cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để người dân địa phương giám sát; phân loại dự án ưu tiên đầu tư. Để siết chặt quản lý quy hoạch ven biển, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài nguyên - môi trường và các địa phương có biển phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bộ Kế hoạch và đầu tư phải xử lý dứt điểm đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, bàn giao đất nhưng không triển khai thực hiện; dự án triển khai cầm chừng, chậm tiến độ, chậm nộp tiền thuê đất; dự án được cấp ưu đãi không đúng quy định; dự án xác định tiền thuê đất chưa phù hợp; dự án không thực hiện đúng nội dung giấy chứng nhận đầu tư; dự án chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật...

Thực tế việc xử lý không rốt ráo các dự án ven biển ì ạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có yếu tố lịch sử để lại. Dự án phần lớn đều gặp khó khăn về công tác giải tỏa mặt bằng, tái định cư; doanh nghiệp chậm nộp tiền thuê đất, sử dụng sai mục đích sử dụng đất. Cạnh đó, một số địa phương cấp ưu đãi đầu tư sai quy định, dễ dãi trong chọn lựa nhà đầu tư. Thêm vào đó, các địa phương chậm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện chuyển nhượng, đầu cơ đất đai sai quy định.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết lại quản lý quy hoạch ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO