Siết ngoại hối và kinh doanh vàng

05/12/2012 01:33

Lập lại trật tự trong hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng là vấn đề bức thiết hiện nay, khi những vi phạm trên lĩnh vực này không ngừng gia tăng trong thời gian qua.

Khó kiểm soát

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - chi nhánh Quảng Nam, ngoài 2 đại lý chi trả ngoại tệ cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là Kim Cang – Kim Uyên và Hoàn Thạch với tổng doanh số chi trả kiều hối mỗi năm khoảng 240.000USD, Quảng Nam hiện có 13 tổ chức kinh tế được NHNN cấp giấy chứng nhận làm đại lý đổi ngoại tệ cho 5 tổ chức tín dụng và 13 doanh nghiệp (DN) với 28 khoản vay nước ngoài, có tổng kim ngạch ký vay hơn 64,03 triệu USD. Ngoài ra, trong số 149 DN, hộ kinh doanh có đăng ký và hoạt động kinh doanh vàng (9 DN và 140 hộ kinh doanh) tại 9/18 huyện, thành phố, đã “biến mất” 22 đơn vị do ngừng hoạt động hoặc không tồn tại! Kết quả 10 đợt kiểm tra trong vòng 3 năm qua cho thấy, chỉ 35/113 đơn vị chấp hành tốt các quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng, nhưng lại có đến 78 đơn vị vi phạm. Cụ thể là việc niêm yết giá hàng hóa, các dịch vụ spa, vận tải và phòng ngủ bằng ngoại tệ. Một số trường hợp không có giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, nhưng vẫn nhận ngoại tệ của khách để đổi hoặc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc công khai treo các bảng thu đổi ngoại tệ tại nơi kinh doanh…

alt
Một cửa hàng mua bán vàng.                          Ảnh: T.D

Bà Nguyễn Thị Sương Thu, Phó Giám đốc NHNN - chi nhánh Quảng Nam nói, hoạt động ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng tại Quảng Nam cơ bản ổn định. Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm đáng kể, thị trường ngoại tệ tự do gần như không hoạt động. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số đại lý thu đổi ngoại tệ, khoản vay nước ngoài hay số lượng DN, hộ cá thể kinh doanh vàng thì dường như các cơ quan chức năng vẫn khó kiểm soát hoạt động này. Tổ thanh tra liên ngành thừa nhận các đợt kiểm tra chỉ dừng ở kiểm tra thanh toán, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo bằng ngoại tệ và thu đổi ngoại tệ trái phép, riêng kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng thì chưa nhiều. “Mức phạt nặng cho các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là cần thiết. Tuy nhiên, với mức phạt tăng gấp 5 - 10 lần so với trước đây thực sự là vấn đề khó khăn. Ngay cả việc niêm yết giá hàng hóa bằng USD giá trị rất nhỏ cũng sẽ bị phạt 300 - 500 triệu đồng thì chưa hợp lý, nên rất khó cho các cơ quan chức năng khi áp dụng” - bà Thu nói.

Mở rộng tuyên truyền

Cơ quan chức năng không đủ nhân lực, thời gian để kiểm soát hết các đơn vị trong khi hoạt động mua, bán ngoại tệ, gia công hay sản xuất vàng… vẫn không ngừng gia tăng. Với các giao dịch ngầm, kín đáo, tinh vi hơn thì việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng càng không đơn giản. Kết quả các cuộc kiểm tra cho thấy mức phạt lên tới 300 - 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm ngoại hối và kinh doanh vàng vẫn chưa thể áp dụng xử phạt cho đối tượng nào. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ngoại hối và kinh doanh vàng vẫn trông chờ vào ý thức của đơn vị kinh doanh và người dân. Theo ông Lê Thành Lưu - Phó Giám đốc Sở Công Thương, hoạt động ngoại tệ, vàng, tín dụng “đen” hay lẫn lộn giữa gia công, sản xuất vàng… có xu hướng gia tăng và dường như nằm ngoài tầm kiểm soát. Kết quả kiểm tra cho thấy cơ quan chức năng chỉ dựa vào ý thức chấp hành luật pháp của DN và hộ kinh doanh là chính. “Vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý làm gì để cho người bán hàng tiếp cận được thông tin. Nếu không biết thông tin, không hiểu luật thì làm sao người ta nâng cao ý thức chấp hành. Còn mức xử phạt quá cao thì sẽ khó thực hiện được” - ông Lưu nói.

Đồng quan điểm với ông Lưu, một lãnh đạo và Sở KH&CN cho rằng, việc kiểm định mới chỉ dừng ở mức kiểm tra cân có đủ hay không, chứ quản lý chất lượng vàng rất khó vì không có máy kiểm định. Thiết bị không đủ, thiếu người, cần tuyên truyền mạnh hơn trong dân chúng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT) nói, đến ngày 25.5.2013 là thời hạn cuối cùng phải chuyển đổi, nhưng đến nay, rất ít DN đến đăng ký lại sản xuất hay kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, để lập lại trật tự ngoại hối và kinh doanh vàng, các cơ quan chức năng cần tăng cường, phối hợp kiểm soát chặt chẽ; vận dụng hợp lý các quy định về xử phạt và mở rộng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các chính sách, quy định  cho tất cả DN hay hộ cá thể kinh doanh vàng hiểu rõ hơn về hoạt động ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng. Sở KH&ĐT phải phát văn bản yêu cầu DN đến đăng ký lại hoạt động kinh doanh. Khi đăng ký lại phải phân định rõ sản xuất, gia công hay mua bán. Nếu không thì thu hồi giấy phép…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.

Trịnh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết ngoại hối và kinh doanh vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO