Tôi lớn lên bằng những món ăn đầy ắp tình yêu thương của mẹ. Khi trưởng thành hơn một chút, được đi nhiều nơi và thưởng thức nhiều món ăn ở các vùng miền khác nhau, tôi nhận ra niềm hạnh phúc lớn nhất của mình vẫn là khi được thưởng thức những món do chính tay mẹ nấu.
Với tôi, mẹ luôn là “siêu đầu bếp” với những món dân dã đặc trưng xứ Quảng. Mỗi khi cùng mẹ vào bếp, tôi nghe mẹ thủ thỉ những câu chuyện xoay quanh từng món ăn, cảm nhận mẹ gói ghém tình cảm dành cho gia đình nhiều bao nhiêu.
Những ngày hè oi ả, mẹ thường cho cả nhà giải nhiệt bằng những chén chè đậu đen ngọt lịm, thanh mát. Chè đậu đen của mẹ luôn được nấu từ đậu đen xanh lòng trồng trên đồng làng. Mẹ rửa sạch rồi nấu với đường thốt nốt hoặc đường bát mà quê tôi nhà nào cũng trữ sẵn, thêm mấy lát gừng xắt mỏng để làm dậy mùi thơm cho chè.
Khi múc chè ra chén, ai thích ăn béo, mẹ tôi chan thêm vá nước cốt dừa lên trên. Chè đậu đen ngọt thanh, thêm vài viên đá nhỏ, ăn vào những buổi trưa hè thì quả là không gì sánh bằng.
Tôi yêu tất cả món ăn của mẹ. Nhưng gắn bó sâu đậm nhất trong tôi vẫn là món mỳ Quảng. Mỳ Quảng có rất nhiều loại, ở đâu cũng có, nhưng tôi thích nhất là mỳ Quảng nhưn thịt heo, tôm và trứng cút, nấu theo “bí quyết” riêng của mẹ.
Vào những dịp cuối tuần rảnh rỗi hay nhà có giỗ, tiệc, mẹ vẫn làm món này theo công thức được truyền từ bà ngoại với những gia vị đặc trưng xứ Quảng: nén, nghệ tươi giã nhỏ và dầu phụng. Những năm tháng xa nhà lên thành phố trọ học, tôi nhớ vô cùng những lần quây quần thưởng thức bữa cơm gia đình hay bữa mỳ Quảng mẹ nấu.
Tết nhất hay những khi nhà có giỗ chạp, mẹ vẫn tự tay làm những thức quà bánh để cúng và biếu họ hàng gần xa. Tôi nhớ mãi những chiếc bánh đậu xanh của mẹ. Nhìn đơn giản vậy chứ mẹ làm cầu kỳ, qua nhiều công đoạn.
Mẹ hầm nhừ đậu xanh, sau đó xay thật nhuyễn đến bao giờ bột đậu xanh mịn nhất có thể. Mẹ bảo bột càng mịn thì bánh sẽ càng dễ tan trong miệng và không bị vón cục khi ăn.
Trước khi cho bột vào khuôn, mẹ sên đậu trong chiếc chảo nhỏ. Công đoạn này phải đảo liên tục và đều tay lớp bột trên chảo sao cho dầu phụng ngấm đều vào bột đậu xanh, tiếp đó cho thêm đường và một chút hương vị vani vào sên đặc lại là được.
Sau cùng mẹ quét một lớp dầu vào khuôn, rồi nén cho bột thật chặt vào những chiếc khuôn bánh hình vuông, hình tròn thật đẹp mắt đã chuẩn bị sẵn. Cứ thế những chiếc bánh đậu xanh nhà làm lần lượt ra đời. Sẽ chẳng thứ bánh nào lưu giữ được hương vị ngọt ngào đậm sâu trong tôi bằng bánh đậu xanh.
Những năm cấp 3, tôi đã trọ học xa nhà. Mỗi khi nhớ nhà hay chênh vênh trong cuộc sống, cuối tuần tôi chọn cách về với mẹ để tìm lại hương vị của quê hương, của tình thân. Những món ăn của mẹ chính là “cuốn nhật ký của hương vị tuổi thơ” mà khi tôi lật giở bất kỳ trang nào, cũng ánh lên bóng dáng của mẹ, của ba, của quê nhà đầy ấm áp.