(QNO) - Đến nay, nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận các ca lây nhiễm bệnh “siêu sốt rét” rất đáng lo ngại.
Tuyên truyền phong chống bệnh sốt rét cho trẻ em tại Campuchia. Ảnh: malariaconsortium |
“Siêu sốt rét” hay một loại ký sinh kháng thuốc chống sốt rét, phát hiện vào năm 2007 tại Campuchia nay lan rộng đến các quốc gia trong khu vực bao gồm miền Nam Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, sau khi các nhà khoa học tiến hành kiểm tra mẫu máu của bệnh nhân mắc sốt rét tại các quốc gia nói trên. Sự kháng thuốc này được cho bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính như người bệnh không tuân thủ nghiêm các nguyên tắc điều trị của bác sĩ, một số nơi công tác điều trị bệnh không hiệu quả và người bệnh chủ quan sử dụng các loại thuốc sẵn có tại các quầy thuốc vốn không đủ tiêu chuẩn hay đảm bảo chất lượng. Trong thời đại con người kết nối với nhau nhiều hơn khiến bệnh “siêu sốt rét” lan nhanh hơn bao giờ hết, rất khó khăn cho công tác phòng ngừa và điều trị. Các nhà khoa học cho biết, dạng biến thể nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét này không thể bị giết bằng thuốc chống sốt rét thông thường.
Thông tin từ tạp chí y học The Lancet Infectious Diseases cho biết, các nhà nghiên cứu đã mô tả chi tiết về một dạng “tiến hóa một cách đáng sợ trong thời gian gần đây” đã đề kháng với artemisinin - thuốc chống sốt rét, được phân lập từ cây thanh hao hoa vàng (tên khoa học là Artemisia annua L., họ Asteriaceae). Đây là loại thuốc dùng để điều trị bệnh sốt rét do Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax và có hiệu lực cả với sốt rét do P.falciparum đa kháng. Cách điều trị sốt rét đầu tiên là artemisinin kết hợp với piperaquine. Nhưng khi artemisinin trở nên kém hiệu quả, ký sinh trùng sẽ tiến hóa để chống lại piperaquine. GS. Arjen Dondorp, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu y học nhiệt đới Oxford tại Băng Cốc (Thái Lan) cảnh báo, đây là một tỷ lệ thất bại đáng báo động khi khoảng 1/3 các cuộc điều trị ở Việt Nam đã thất bại trong khi đó ở một số vùng của Campuchia tỷ lệ thất bại gần 60%. Arjen Dondorp hiện là điều phối viên của chương trình Quỹ Thế giới chống sốt rét tại 5 quốc gia đồng bằng sông Mê Kông (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam). Ông Arjen Dondorp đề xuất cách trị liệu ở giai đoạn sớm nhất để ngăn ngừa hiệu sự lây lan hay tình trạng kháng thuốc sốt rét.
Năm ngoái, có khoảng 214 triệu ca nhiễm sốt rét trên toàn cầu do muỗi chích truyền từ người này sang người khác, trong đó hơn 400.000 ca tử vong, phần lớn là trẻ em và hiện nay thuốc đặc trị artemisinin hay piperaquine không còn hữu hiệu nữa trong nhiều khu vực. Châu Phi đứng đầu về số tử vong, chiếm 90%, tiếp sau là khu vực Đông Nam Á với 7%. “Sự lan rộng của chủng siêu vi khuẩn sốt rét có thể kháng lại loại thuốc hiệu quả nhất mà chúng ta có, là một điều đáng báo động và nếu không có một hành động kịp thời, con số này có thể tăng lên hàng triệu người mỗi năm vào năm 2050” - Michael Chew, từ Tổ chức thiện nguyện nghiên cứu y học Wellcome Trust nói. Do đó, GS. Sir Nicholas White, giảng viên Trường Đại học Mahidol (Thái Lan) kêu gọi phải có sự thay đổi về thuốc trị bệnh và các quốc gia phải đối phó với loại siêu khuẩn này ngay lập tức. Việc theo dõi các triệu chứng kháng thuốc của cơ thể người bệnh là rất cần thiết cho việc chẩn đoán, điều trị và kiểm soát tình trạng nhiễm siêu khuẩn kháng thuốc.
QUỐC HƯNG