Siêu vận động viên ma-ra-tông quốc tế Pat Farmer: "Thế giới không phải là quá rộng lớn!"

Khiếu Thị Hoài (thực hiện) 02/01/2013 11:58

(QNO) - Vận động viên siêu ma-ra-tông giữ nhiều kỷ lục quốc tế Pat Farmer đã đặt chân đến Hội An và đón Noel tại thành phố di sản sau hơn 10 ngày chạy bộ liên tục từ km số 0 ở Sa Vỹ, Móng Cái. Nếu so sánh hành trình của Pat Farmer, một người đàn ông 49 tuổi với hơn 20 triệu bước chân chạy từ Bắc Cực tới Nam Cực, thì hành trình chạy xuyên Việt từ Móng Cái tới Cà Mau lần này của ông có lẽ chỉ là một “đoạn đường” ngắn. Chia sẻ với chúng tôi, ông đã nói: “Thế giới không phải là quá rộng lớn!”

Ảnh: Minh Hải.
Ảnh: Minh Hải.

PV: Đã từng chạy trên nhiều châu lục, nhiều quốc gia, xin ông cho biết cảm nhận của mình khi lần đầu tiên chạy bộ tại Việt Nam?

Pat Farmer: Được là người  đầu tiên chạy ma – ra – tông xuyên Việt là một vinh dự lớn đối với tôi. Tôi nhận được sự cổ vũ rất lớn của Chính phủ và người dân Việt Nam. Trong quá trình chạy từ Móng Cái đến đây, tôi có cơ hội nhìn thấy sự phong phú, đa dạng của các vùng đất khác nhau trên đất nước các bạn.

Trên chặng đường của mình, tôi nhìn thấy những người dân Việt Nam đang miệt mài chăm chỉ với công việc của mình trên những cánh đồng. Tôi nghĩ, người dân Úc chúng tôi nên học tập người dân Việt Nam, những con người đang vất vả, nỗ lực xây dựng đất nước. Tôi cũng nhận thấy người dân Việt Nam có tâm nguyện rất lớn đối với việc chăm sóc gia đình. Với tất cả điều nhìn thấy, tôi cảm nhận đất nước các bạn sẽ có một tương lai tươi sáng.

PV: Ông có thể chia sẻ khó khăn lớn nhất mà ông gặp phải ở hành trình xuyên Việt này không?

Pat Farmer: Hành trình xuyên Việt “Nối liền một dải Việt Nam” diễn ra liên tục trong vòng 40 ngày, tôi sẽ chạy qua Giáng Sinh, qua năm mới và mỗi ngày tiêu chuẩn chạy của ma – ra – tông quốc tế là 42,16 km nhưng tôi đã phải chạy gấp hai lần tiêu chuẩn đó với khoảng 70 đến 75 km mỗi ngày cho nên tôi cần phải thu xếp mọi chuyện để hành trình chạy của mình không gián đoạn. Một khó khăn nữa, thời tiết và khí hậu của Việt Nam quá khắc nghiệt với tôi.

PV: Vậy có khi nào ông nản lòng? Động lực nào đã khiến ông tiếp tục cuộc hành trình?

Pat Farmer: Tôi muốn nói với bạn rằng đây là một câu hỏi thú vị. Các bạn thấy đấy, Mai Huy – người đã cùng chạy với tôi từ điểm xuất phát đầu tiên ở km số 0 – và chạy liên tục trong 10 ngày đầu tiên thì đã phải dừng lại vì chấn thương ở chân. Bản thân tôi cũng mang trong mình những vết thương của những cuộc chạy trước đó. Bây giờ, các bạn cũng nhận thấy tôi gầy đi nhiều so với ảnh chụp tôi trong ngày chạy đầu tiên, môi tôi bị khô, nứt nẻ, chảy máu bởi cái nắng nóng trên đường. Thực sự, đã có lúc tôi mệt mỏi, thậm chí tôi nghĩ tại sao mình không bỏ cuộc để trở về với cuộc sống bình thường nhưng chính lúc đó, ý nghĩ lớn nhất này đã tiếp sức cho tôi: Rằng tôi đang đại diện cho đất nước và con người Australia chạy bộ với ba mục đích rõ ràng. Thứ nhất, đây là một trong những hành động nhằm kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia. Mối quan hệ này đã và sẽ mở ra những cơ hội thương mại và hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa nhân dân của hai đất nước. Ý nghĩa thứ hai đó là tôi muốn thông qua cuộc chạy này giới thiệu với nhân dân Australia về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, kêu gọi sự ủng hộ của hội Chữ thập đỏ Australia để họ giúp đỡ người dân Việt Nam xây dựng hệ thống nước sạch cho nông thôn. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 triệu người bị chết bởi vì thiếu nước sạch.

Trước năm 2001, Pat Farmer từng là đại biểu trong Quốc hội Liên bang Australia. Sau khi tận mắt chứng kiến những cái chết của trẻ em vì thiếu nước sạch ở Châu Phi, ông là người đầu tiên của thế giới đã lên kế hoạch và thực hiện hành trình chạy từ cực Bắc tới cực Nam với hơn 21 ngàn cây số để quyên góp tiền giúp hội Chữ Thập Đỏ.

Ngày 24.12, ông đến Hội An và hôm nay ông đã chạy qua Nha Trang sau khi đón mừng năm mới tại thành phố biển này. Ba cha con Pat Farmer đã được bà Cường, chủ shop thời trang Gia Hưng tại Hội An, may tặng 6 bộ áo quần, trong đó đặc biệt có bộ áo dài Việt Nam tặng cho cô con gái yêu quý của ông.

Trên những đoạn đường chạy, tôi nhìn thấy những xưởng đóng quan tài, có những quan tài cỡ lớn và có  những quan tài cỡ nhỏ. Tôi hiểu rằng những cỗ quan tài cỡ nhỏ đó dành cho những em bé không có may mắn được tiếp tục cuộc sống. Tôi mong muốn tiếp tục chạy để góp phần làm giảm bớt  những cỗ quan tài nhỏ ấy. Mục đích thứ ba trong hành trình này của tôi là mong muốn truyền niềm cảm hứng lớn lao của mình đến mọi người. Trong suốt cuộc hành trình, tôi muốn những người dân bình thường nhất ở hai bên đường tôi chạy qua  thấy tôi chạy bền bỉ, không thiếu một bước chân và họ sẽ có quyền hi vọng vào những công việc mà họ đang làm rằng: cứ làm việc một cách chăm chỉ với ý chí mãnh liệt thì nhất định sẽ có kết quả.

Với suy nghĩ và mục đích rõ ràng như vậy, tôi đã vượt qua được những khó khăn và những giây phút nản lòng trên hành trình của mình.

PV: Ông vừa làm mẹ, vừa làm cha của hai đứa con, vừa tham gia chạy bộ như này, chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn. Ông có thể chia sẻ những tâm sự riêng tư này không ạ?

Pat Farmer: Đúng là vô cùng khó khăn. Vợ tôi đã mất sớm khi cô ấy mới 34 tuổi và lúc các con tôi còn rất nhỏ. Tôi vừa phải làm cha, vừa làm mẹ, chăm sóc những điều tưởng chừng nhỏ nhất cho con cái như ăn, uống, quần áo… rồi lo trả tiền thuê nhà để có chỗ đi về. Con gái tôi vừa tốt nghiệp trung học, tôi cũng đang phải lo lắng cho việc cháu học tiếp đại học và tôi vẫn phải làm công việc toàn thời gian ở Australia. Nhưng mỗi sớm mai thức dậy tôi vẫn luôn cảm ơn Thượng Đế đã cho tôi cơ hội để sống và làm việc và tôi luôn tự nhủ phải thu xếp, vượt qua những khó khăn để thực hiện những mong muốn của mình bằng những hành động cụ thể vì sự thay đổi tốt đẹp của cuộc sống con  người.

PV: Món quà nào ông mong muốn đem về Australia sau hành trình chạy bộ tại Việt Nam này?

Pat Farmer: Những ai đã làm cha mẹ đều mong muốn làm gì đó để làm gương cho con cái. Tôi may mắn vì hai đứa con của mình có cơ hội đi cùng mình qua tất cả cuộc chạy ở rất nhiều nơi trên thế giới. Hôm 23.12, các con tôi đã đến Việt Nam và các cháu đã có cơ hội nhìn thấy khát vọng lớn lao trong trái tim tôi dành cho con người. Món quà lớn nhất tôi muốn đem về đất nước tôi chính là tình cảm của hai con tôi khi nhìn thấy tôi trên đất nước Việt Nam và các cháu sẽ chia sẻ với bạn bè của chúng và nhìn Việt Nam với cái nhìn nhiều thiện cảm.

Năm ngoái, khi tôi chạy từ cực Bắc tới cực Nam với 21000 km, đi qua 14 nước và 3 lục địa bao gồm cả Bắc và Nam Mỹ trong 10 tháng 13 ngày. Điều tôi muốn chia sẻ với người dân Australia và cộng đồng nhân loại nói chung là trong vòng  10 tháng 13 ngày, một người đàn ông bình thường như tôi đã chạy từ cực Bắc tới cực Nam thì chứng tỏ thế giới không phải là quá rộng lớn đâu ạ (cười). Điều đó cũng để nói rằng, mỗi việc dù rất nhỏ của cá nhân một con người hay của một đất nước cũng đều có thể ảnh hưởng đến nhân loại và thế giới. Cho nên, mọi người hãy sống tốt hơn nữa và làm những việc tốt, dẫu việc đó nhỏ đến đâu đi chăng nữa.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc ông thành công với hành trình nối liền một dải Việt Nam!

Khiếu Thị Hoài (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siêu vận động viên ma-ra-tông quốc tế Pat Farmer: "Thế giới không phải là quá rộng lớn!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO