Từ năm học mới 2015, nhiều trường mầm non tại Singapore bắt đầu dạy trẻ kỹ năng sống, tôn trọng và phát huy sở thích của trẻ.
Tổ chức Đầu tư giáo dục mầm non tại Singapore - NTUC First Campus đang áp dụng chương trình nuôi dạy trẻ mầm non, tập trung vào kỹ năng sống cho trẻ. Chương trình đến nay được đánh giá rất cao từ các chuyên gia ngành giáo dục cũng như các bậc phụ huynh vì phù hợp với sự phát triển của trẻ, mang lại hiệu quả rất thiết thực cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Theo chương trình mới, các giáo viên mầm non vừa chăm lo bữa ăn cho trẻ, vừa theo dõi khả năng, sở thích của trẻ, giao lưu với trẻ để từ đó phát triển các hoạt động cho các em. Chương trình mới này được NTUC First Campus triển khai từ tháng 2.2015 tại 130 trung tâm mầm non tại Singapore, áp dụng cho 6.000 trẻ 2 - 3 tuổi. Các chuyên gia giáo dục tin rằng, tương lai của các em phụ thuộc vào những trải nghiệm ngay từ đầu đời. Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu có khả năng giao tiếp như chào hỏi, biết xin lỗi, cảm ơn, xin thưa, khám phá thế giới chung quanh cũng như tự ăn uống và độc lập ở một số vấn đề vệ sinh. Do đó, các giáo viên sẽ làm việc theo nhóm để dễ dàng chăm sóc, theo dõi và tập luyện cho trẻ. Mục tiêu quan trọng hàng đầu trong các bài học là nuôi dưỡng, dạy trẻ những kỹ năng sống cơ bản như sự tự tin, tính độc lập, khả năng phản ứng.
Trẻ mầm non Singapore được dạy kỷ năng sống. (Ảnh: todayonline) |
Chan Tee Seng - Giám đốc điều hành NTUC First Campus cho hay, trước đây chương trình này rất chú ý đến những trẻ 4 - 6 tuổi nhưng bây giờ đã có thay đổi. Minh chứng là vào năm 2009, chỉ có một trong 8 trẻ sơ sinh đến 3 tuổi tham gia các trung tâm chăm sóc trẻ chính khóa thì đến năm 2014, tỷ lệ này là 1/5 và đến năm 2020 sẽ là 1/4 ¼. Con số này cho thấy nhu cầu của trẻ trong xã hội ngày nay cùng với thu nhập của các bậc phụ huynh được cải thiện. Các chuyên gia nghiên cứu thừa nhận, các chương trình dành cho trẻ mầm non trước đây khá rập khuôn, tập trung quá nhiều vào học chữ nghĩa mà thiếu các chương trình dạy về kỹ năng sống cho trẻ, rất cần thiết cho giai đoạn phát triển đầu đời. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng trong khi trẻ cảm thấy như bị giam giữ ở trường.
Còn nữa, một chuyên gia giáo dục - giáo sư Marjory Ebbeck nói: “Thường thì ở các trung tâm mầm non, các giáo viên cho trẻ ăn, đặt chúng vào võng ngủ mà quên đi tương tác, giao lưu, nói chuyện với trẻ. Trước đây, trách nhiệm của giáo viên mầm non là phải kiểm soát trẻ, buộc chúng phải thế này, thế kia. Nhiều đứa trẻ đến lớp rồi chỉ biết ngồi yên. Còn bây giờ mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích cực, theo chương trình mới”. Hệ thống giáo dục Singapore nay phân biệt cụ thể chương trình dành riêng cho trẻ 4 - 6 tuổi, với những kỹ năng cần thiết khi bước vào lớp một, trong khi những nhóm trẻ 2 - 3 tuổi được áp dụng chương trình riêng, phù hợp để kích thích sự phát triển của trẻ.
Mẹ của cô bé Camille Chong (2 tuổi) cho biết, kể từ khi chương trình được áp dụng, cô bé Chong đã có nhiều thay đổi như có thể nói rõ ràng, mạch lạc, có khả năng giao lưu với những người chung quanh, tự lập trong một số sinh hoạt hàng ngày.
NAM VIỆT