Singapore chính thức thông báo nâng trần tái tuyển dụng lao động cao tuổi, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2017.
Lao động Singapore tuổi từ 60 hiện có khoảng 275 nghìn người, chiếm 12% tổng lực lượng lao động của đảo quốc. Với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, từ 7% lên 14% trong giai đoạn 1977-2018, ước tính đến năm 2030, cứ 5 người ở Singapore thì có 1 người hơn 60 tuổi. Tuy vậy, lao động cao tuổi Singapore đóng góp công sức và trí tuệ không nhỏ cho nền kinh tế phát triển thần kỳ và ấn tượng số một trên thế giới. Có thể thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Sinapore hiện ở mức thấp, khoảng 2,1%. Nhưng theo Bộ Nhân lực Singapore, dẫu việc làm tại Singapore tăng theo nền kinh tế phát triển nhưng số người lao động cao tuổi từ 50 trở lên rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có việc vẫn tăng trong thời gian qua.
Độ tuổi nghỉ hưu hiện hành cho người lao động Singapore là 62. Ngoài ra, nhà tuyển dụng lao động có thể tiếp tục ký hợp đồng lao động thêm tối đa 3 năm nữa nếu xét lao động về hưu có đủ năng lực. Nhưng với đạo luật lao động mới, thời gian tiếp tục ký hợp đồng sẽ tăng lên 5 năm nữa, tức người lao động được làm việc đến 67 tuổi. Ngoài ra, người tuyển dụng lao động không được cắt giảm lương khi người lao động hơn 60 tuổi và người lao động cao tuổi cũng có thể được các công ty khác tái tuyển dụng. Ngược lại, lao động cao tuổi phải đáp ứng nhu cầu làm việc của công ty, sức khỏe và năng suất làm việc. Để đảm bảo phương án thay đổi đạo luật lao động cao tuổi, Chính phủ Singapore đang cung cấp mức hỗ trợ 3% lương nhằm khuyến khích doanh nghiệp tái tuyển dụng lao động về hưu.
Bà Helen đang làm việc tại cửa hàng thực phẩm Raffles Place, Singapore. Ảnh: Bloomberg |
Trên thực tế, nhiều lao động Singapore khi đến tuổi về hưu vẫn mong muốn tiếp tục làm việc. Do đó, người Singapore được cho là làm việc nhiều giờ nhất trên thế giới, trung bình 2.402 giờ mỗi năm. Bà Helen, 69 tuổi, lao động cao tuổi nhất tại cửa hàng thực phẩm Raffles Place. Trong thời buổi chi phí đắt đỏ, cơ cấu dân số già gia tăng và chính phủ có xu hướng thắt chặt lao động nhập cư, tuổi thọ trung bình người Singapore ở mức cao đứng thứ ba thế giới: 82,7 tuổi, thì xu hướng người cao tuổi Singapore vẫn tiếp tục làm việc ngày càng nhiều. “Thực phẩm, giao thông, thuốc chữa bệnh đắt đỏ. Tôi vẫn còn sức khỏe, có nguồn thu nhập độc lập thì tại sao lại không làm việc” - bà Helen nói. Giáo sư Tommy Koh, 78 tuổi nói: “Tôi vẫn làm việc toàn thời gian với rất nhiều công việc khác nhau. Tham vọng của tôi là khỏe mạnh, được cống hiến cho xã hội đến khi tôi qua đời. Được làm việc sẽ giúp người cao tuổi có thể khỏe mạnh và năng động hơn. Âu đó cũng phần nào bù đắp được tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay tại Singapore”. Chuyên gia kinh tế tại Singapore, Wai Ho Leong cho rằng, một xã hội sẽ tốt hơn nếu người cao tuổi vẫn khỏe mạnh và năng động.
Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore, Lim Swee Say cho biết: “Đạo luật lao động vừa sửa đổi vừa đem lại cơ hội cho người lao động đến tuổi về hưu nhưng vẫn còn khỏe mạnh có nhu cầu làm việc. Mặt khác, người tuyển dụng có thể tái sử dụng lao động có kinh nghiệm rất đáng giá”.
NAM VIỆT