Sinh con ở bìa rừng

NGUYỄN DƯƠNG - TẤN SỸ 21/10/2015 09:53

Khi phụ nữ tới kỳ sinh nở, họ được dựng cho một túp lều tạm bợ bằng tre nứa ra ở. Sau hơn một tuần lễ, khi đã sinh con, sản phụ mới được bước vào nhà bằng những lễ vật cúng bái cho làng…

Một mình vượt cạn

Làng 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn không xa lạ với người dân cả nước bởi vụ việc hàng loạt người chết do dịch bạch hầu. Mới đầu, dân làng gọi “bệnh lạ” bởi chưa từng có ai bị như thế. Và, cũng chưa ai được tiêm chủng. 100% người dân chưa hề biết mũi kim tiêm là gì. Họ sống thuần theo bản năng. Đặc biệt, những luật tục xưa cũ nay vẫn còn hiện hữu.

Tập tục sinh con ở ngoài làng có từ rất lâu đời của dân tộc Bhnoong trên địa phận xã Phước Lộc. Nhưng sau nhiều năm vận động, tập tục này không còn nữa, duy nhất ở làng 8A, 8B này. “Khi phụ nữ chuẩn bị sinh nở, người trong gia đình dựng cho họ một cái chòi nhỏ ở bìa rừng để họ ở đó. Không nhất thiết là xa hay gần, chỉ cần ra khỏi địa phận của làng là được. Đó là luật lệ rồi. Xưa nay vẫn thế, không khác được…”- già làng Hồ Văn Sách nói.

Những căn chòi dựng ngoài bìa rừng cho phụ nữ đang kỳ sinh nở.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Những căn chòi dựng ngoài bìa rừng cho phụ nữ đang kỳ sinh nở.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Chúng tôi đến làng 8B khi trời vừa ngớt mưa. Căn chòi nhỏ được dựng lên cho hai mẹ con chị Hồ Thị Hao bằng tấm bạt che tạm mưa gió. Đứa con đỏ hỏn vừa sinh cách đó mấy ngày được quấn trong tấm chăn mỏng tránh cái gió núi lùa vào tứ phía. Chồng Hao là Hồ Văn Bôn đang loay hoay chuẩn bị bữa ăn cho vợ bằng măng rừng và sắn. “Sinh thế này rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Sao không ra trạm y tế xã mà sinh? Ở đây nhỡ có chuyện gì thì sao?”- chúng tôi không khỏi xót xa. “Ôi, không được đâu. Tục lệ của làng thế rồi. Xưa nay những đứa con vẫn được sinh ra như thế, có làm sao đâu? Đi ra trạm y tế xã sinh thì phải đi qua làng khác, họ không chịu đâu, lại phải cúng cho họ. Đâu có tiền để cúng nhiều nơi thế?”- anh Bôn trả lời.

Bước vào thời kỳ sinh nở, Hồ Thị Hao phải dựng căn chòi nhỏ ở ven làng để vượt cạn.
Bước vào thời kỳ sinh nở, Hồ Thị Hao phải dựng căn chòi nhỏ ở ven làng để vượt cạn.

Lúc sinh con là lúc phụ nữ yếu nhất, cơ thể suy nhược, cần có sự chăm sóc. Vậy nhưng ở đây, sản phụ phải làm điều đó một mình, trong căn chòi nhỏ, phó mặc cho số phận phán quyết. “Có bà đỡ đẻ của làng chứ. Làng nào cũng có một người. Khi nào chuyển dạ thì gọi bà đỡ tới. Sinh bình thường mà… Giờ đỡ rồi đấy, làng hiện nay ở trên  khu đất mới, nhà chòi dựng ở bìa rừng nhưng gần. Chứ hồi xưa, mỗi lần sinh con phải dựng chòi ở rừng xa tít tắp”- bà Hồ Thị Nhét, thôn 8B, xã Phước Lộc cười nói, khoe hàm răng đen tuyền.

Nhiệm vụ của người chồng là tiếp tế thức ăn và giặt giũ áo quần cho vợ con, ngoài ra, tuyệt không có ai đến gần chòi của họ. Qua hơn tuần lễ thì cúng cho làng con gà rồi dắt díu nhau về nhà. Đang mùa đặt bẫy, Bôn cùng trai làng vào rừng kiếm con sóc, con chuột về cải thiện cho hai mẹ con Hao. Vậy là vừa sinh chưa được 10 ngày, Hao tự mình chuẩn bị bữa ăn với những gì có sẵn như sắn, măng và một ít gạo. Tiếng khóc ngặt của đứa bé thiếu sữa mẹ khiến cho những người có mặt không khỏi xót xa.

Vừa mới sinh xong được 10 ngày, mẹ con Hồ Thị Hao đã phải ở nhà một  mình, tự xoay xở chờ chồng đi đặt bẫy về cải thiện bữa ăn.
Vừa mới sinh xong được 10 ngày, mẹ con Hồ Thị Hao đã phải ở nhà một mình, tự xoay xở chờ chồng đi đặt bẫy về cải thiện bữa ăn.

“Sao không tuyên truyền, vận động họ để họ hiểu là làm như thế rất nguy hiểm cho cả mẹ và con? Lỡ khó sinh, cần phải mổ thì phải làm thế nào? Phụ nữ khi sinh có quá nhiều biến chứng kể cả trước, trong và sau khi sinh. Một mình ở chòi và trông chờ vào kinh nghiệm của người già như thế chẳng khác nào tự sát. Tính mạng con người nhỏ bé đến thế sao?”. Những câu hỏi dồn dập của tôi chỉ nhận được cái lắc đầu bất lực của chị y sĩ Trạm y tế xã.

“Đã vận động rất nhiều, nói rất nhiều rồi nhưng chỉ có một số bà con chịu bỏ tập tục này. Duy chỉ có ở làng 8A và 8B này vẫn giữ tập tục cũ. Họ chấp nhận như thế bởi nếu sinh ở trong nhà, nếu sau này làng có chuyện gì thì mọi tội lỗi đều được đổ lên đầu của đứa bé mới sinh. Không ai dám mạo hiểm để làm điều đó… Còn nếu ra trạm y tế sinh thì phải đi qua những làng khác, lại sợ bị đền nên họ hầu như đều ở nhà để vượt cạn”- chị Vũ Thị Nhâm, y sĩ Trạm y tế xã Phước Lộc cho biết.

“Quyền năng” của luật tục

Nhưng đó chỉ là một trong vô số những luật tục của người Bhnoong nơi đây. “Bất cứ thứ gì họ cũng cử. Đau ốm phải ra nhà rẫy - ở cử. Sinh con - ở cử. Chết xấu cũng cử… Hết cử, về làng lại phải cúng bái. Tuyên truyền, vận động, thậm chí dọa nạt nhưng người ta vẫn không thay đổi. Luật tục cứ như một sợi dây vô hình trói chặt họ vào những nỗi sợ tâm linh. Chỉ khi được làm theo luật tục thì họ mới thoải mái được”- ông Lưu Huyền Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc tỏ bày.

Ông Thoại lần lượt kể về những điều vô lý ông từng chứng kiến trong hơn 3 năm  về đây nhận chức. Có nhiều luật tục của người Bhnoong còn tồn tại, rất nặng nề. “Trạm y tế của xã có đấy, nhưng chẳng được mấy người tới khám chữa bệnh. Có bệnh họ ở nhà cúng bái. Người bệnh phải ra nhà rẫy ở, kiêng ăn thịt, cá, chỉ ăn lúa rẫy. Chỉ khi nào hết bệnh thì mới được về làng. Nhiều lần, họ trực tiếp đến xã xin heo đen về cúng làng. Nếu cho họ thì tiếp tay, nhưng không cho thì khó để vận động họ. Vậy là quyết định cho họ heo đen để cúng, kèm theo điều kiện: nếu không hết bệnh thì phải để xã chữa. Mấy ngày sau, bệnh không hết, đành lên xã cầu cứu…” - ông Thoại kể.

Liên quan đến chuyện phụ nữ sinh con ngoài làng, ông bảo đó là nhẹ. Đối với những trường hợp chửa hoang, không biết cha đứa bé là ai thì người phụ nữ bị đẩy ra khỏi làng 1 tháng. Khi ra khỏi làng cúng một heo, đến khi vào làng lại phải làm thêm một heo đen nữa mới được vào. Chẳng cần biết kiếm tiền ở đâu ra, nhưng đã là luật tục thì phải làm, nếu không tự ra khỏi làng. Như ở thôn 5B, Hồ Thị Kép, Hồ Thị Hai trót dại, yêu công nhân làm đường hay phu vàng. Khi bụng lùm lùm, cha đứa trẻ lại trốn biệt. Vậy là phải khăn gói ra khỏi làng để sinh. Một tháng, sau lễ cúng làng họ mới được trở vào nhà.

Già làng của xã Phước Lộc - ông Hồ Văn Hạnh, là người tích cực nhất trong việc vận động bà con bỏ luật tục. “Nhưng chỉ một số làng chịu bỏ thôi. Họ sợ lắm, sợ ma rừng bắt phạt. Trước đây đã có nhiều người bị chết, do mưa lạnh, do mất máu. Nhưng họ vẫn sợ ma rừng hơn…” - già Hạnh thở dài.

Thứ “quyền năng” đáng sợ của luật tục khiến con người quên mất lý trí. Ám ảnh về ma rừng hiển hiện. Đó là thứ quy luật khắc nghiệt của sinh tồn mà họ cho là thuận với ý trời. Sống chết do thần linh quyết định. Chính vì vậy, người chết ở ngoài làng cũng không được phép đưa vào làng, sợ cả làng bị bắt vạ. Phải đưa đi ngay. Ra đến rừng chôn xong thì không ngoảnh mặt lại rồi đi thẳng. Những người trong gia đình phải cất một chòi nhỏ, tách biệt với làng mà ở. Hết tuần mới được về nhà. Họ phải tự chuẩn bị lương thực, đặc biệt là không thể uống nước ở suối nguồn của làng, nếu không sẽ bị bắt vạ. Cứ thế, cuộc sống quẩn quanh với những cấm kỵ, bỏ qua nỗ lực vận động của chính quyền.

Chúng tôi rời làng khi trời vần vũ mây mù, sau lưng, tiếng khóc xé lòng của đứa trẻ khát sữa. Phước Lộc đã có điện về tới trung tâm xã, nhưng chẳng biết bao giờ ánh sáng văn minh có thể rọi đến góc tối của những luật tục khắc nghiệt này?

Phóng sự củaNGUYỄN DƯƠNG - TẤN SỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh con ở bìa rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO