Bộ Y tế vừa có những động thái ngăn chặn thông tin truyền bá phương pháp sinh con phản khoa học theo kiểu thuận tự nhiên. Trong khi đó tại Quảng Nam, nhiều năm qua ngành y tế đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân miền núi thay đổi nhận thức về sinh con tại nhà nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro nhưng tỷ lệ vẫn còn khá cao.
Khi đến giai đoạn sinh nở, gia đình của các sản phụ nên tìm đến các cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt hơn, an toàn cho cả mẹ và bé. Ảnh: N.D |
Theo ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết, dù đã tuyên truyền, vận động cho bà con ở nơi đây rất nhiều nhưng tình trạng tự sinh con ở nhà vẫn còn rất phổ biến, do phong tục tập quán, đường sá đi lại khó khăn... “Phụ nữ ở đây là lao động chính nên họ ít khi chú ý đến thời kỳ sinh nở. Chỉ khi nào chuyển dạ mới dừng công việc nên không kịp để đưa đến trạm y tế hay trung tâm để sinh nở. Ở một số nơi, có các nữ hộ sinh tại các trạm y tế trực tiếp đến nhà hỗ trợ sản phụ. Vì vậy, tính chung còn khoảng 40% phụ nữ trên địa bàn tự sinh con mà không có sự giúp đỡ của cán bộ y tế” - ông Thu nói. Trong khi đó, tỷ lệ sinh con tại nhà ở Phước Sơn đã giảm trong thời gian qua. Bác sĩ Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, trong năm 2017 có 593 ca sinh nở thì có 57 ca tự sinh ở nhà. “Phần lớn ở những nơi xa, đường sá đi lại khó khăn. Hơn nữa phong tục tập quán của họ vốn dĩ trước nay như thế. Dù đã nỗ lực vận động, tuyên truyền rất nhiều nhưng thực trạng này vẫn còn tồn tại một số nơi” - bác sĩ Long nói.
Đáng chú ý, ở Tây Giang hầu như chuyện sinh con tại nhà đã được dẹp bỏ. Người dân đã biết đi khám thai định kỳ, gần đến ngày dự sinh đến trạm y tế hoặc trung tâm y tế để chuẩn bị cho sinh nở. “Mỗi năm, trong các đợt chiến dịch tuyên truyền sức khỏe sinh sản hay kế hoạch hóa gia đình, chúng tôi kết hợp lồng ghép các chương trình tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho từng người dân, đến từng thôn, bản. Qua đó giải thích cặn kẽ nguy hiểm gặp phải khi tự sinh ở nhà. Nhờ vậy, đến nay cơ bản đã ổn định” - bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam, vào giữa tháng 9.2016, bệnh viện đã từng tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhi sơ sinh trong tình trạng ngưng thở, tím đen toàn thân và rốn bị hoại tử do tự ý sinh con tại nhà mà không có sự can thiệp của các cán bộ y tế. “Việc tự sinh con ở nhà sẽ rất nguy hiểm bởi họ không có kiến thức về y tế, dễ làm cho bé bị nhiễm trùng, cảm lạnh hay những bệnh dễ mắc khác. Bên cạnh đó, người mẹ cũng dễ xảy ra tình trạng bị băng huyết, máu chảy nhiều mà không có sự cấp cứu của bác sĩ cũng sẽ nguy hiểm tới tính mạng” - bác sĩ Thoại nói thêm.
Để từng bước khắc phục tình trạng sinh con tại nhà cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành từ địa phương đến huyện, tỉnh. Như bác sĩ Trần Văn Thu - Giám đốc TTYT huyện Nam Trà My kiến nghị, nên mở một lớp đào tạo nữ hộ sinh cho các xã để những người này có thể kịp thời giúp đỡ cho những người vì điều kiện đường sá xa xôi hay trở dạ bất ngờ. “Như vậy sẽ kịp thời và phù hợp với phong tục, thói quen sống của người dân hơn” - bác sĩ Thu kiến nghị.
NGUYỄN DƯƠNG