Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ dự án chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã đã triển khai thực hiện thí điểm hỗ trợ kinh phí giúp đồng bào vùng cao
Tạo sinh kế bền vững - hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Hỗ trợ định kỳ
Cùng với 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), Đông Giang là địa phương duy nhất của tỉnh được VQG Bạch Mã - Huế chọn thí điểm hỗ trợ kinh phí giúp người dân phát triển sinh kế, tiến tới đồng quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng. Dự án nằm trong chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ.
Ông Cái Dương Dũng - Trưởng trạm Kiểm lâm số 10 Núi Mang (thuộc VQG Bạch Mã - Huế), đơn vị quản lý rừng đặc dụng tại Đông Giang cho biết, quy định chung áp dụng cho mỗi thôn nằm trong vùng đệm của VQG Bạch Mã được chọn thí điểm dự án hỗ trợ theo định kỳ hằng năm với số tiền 40 triệu động/năm. Số tiền này được các địa phương thống nhất chọn thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; hoặc xây dựng các công trình công cộng khác, phù hợp với đời sống dân sinh. Huyện Đông Giang có 5 thôn nằm trong vùng đệm của VQG Bạch Mã được xét hỗ trợ, thuộc các xã Sông Kôn, Tà Lu, A Ting và xã Tư. Đây là địa bàn cư trú của đồng bào Cơ Tu bản địa, đời sống người dân khó khăn, chủ yếu dựa vào rừng. “Hạn chế tình trạng khai thác rừng bừa bãi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước, bảo vệ đa dạng sinh vật tại khu vực rừng đặc dụng… là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến, thông qua chương trình dự án hỗ trợ cho đồng bào vùng cao” - ông Dũng cho hay.
Dự án hỗ trợ chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011- 2020 được thực hiện theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án nhằm nâng cao năng lực phát triển sản xuất trong lĩnh vực khuyến nông - khuyến lâm, giống cây trồng - vật nuôi, các thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ; hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình công cộng như: nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa cho người dân bản địa ở vùng đệm với mức hỗ trợ cho mỗi thôn là 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, dự án còn nhằm bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch kết hợp với phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. |
Để công tác phối hợp mang lại hiệu quả, các địa phương vùng đệm của VQG Bạch Mã cũng tiến hành họp cộng đồng dân cư và thực hiện việc ký cam kết phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm địa bàn tham gia bảo vệ quản lý rừng đặc dụng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã và phòng cháy chữa cháy rừng. Trước đó, tại VQG Bạch Mã, đại diện các thôn cũng đã ký cam kết với Ban quản lý rừng đặc dụng VQG Bạch Mã về công tác phối hợp, nghiêm chỉnh thực hiện dự án theo đúng kế hoạch, mục đích, đem lại hiệu quả và lợi ích cho cộng đồng dân cư.
Phát triển sinh kế bền vững
Là một trong 5 thôn của huyện Đông Giang nhận được chính sách hỗ trợ của VQG Bạch Mã, ngay sau buổi họp thôn, đại diện chính quyền thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn) đã thống nhất thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc, bước đầu triển khai thí điểm dự án phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Theo ông Alăng Điều - Trưởng ban Quản trị thôn Bút Tưa, mặc dù dự án đang trong giai đoạn thí điểm nhưng qua thăm dò, sự kỳ vọng của người dân về tính hiệu quả của dự án là rất lớn. Bởi chính sách đầu tư không chỉ giúp người dân tiếp cận được với các mô hình sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế mà còn tạo sự liên kết cộng đồng trong công tác tham gia bảo vệ rừng. “Với số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng, qua buổi họp lấy ý kiến người dân trong thôn, chúng tôi thống nhất mua mỗi hộ một con heo để chăn nuôi thí điểm” - ông Điều nói.
Còn tại xã A Ting, từ nguồn hỗ trợ, đồng bào thôn Arớch thống nhất mua những con bò giống để người dân chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Minh Bảo - Chủ tịch UBND xã A Ting cho hay, do đặc thù vùng miền nên trước khi chương trình được đưa về, chính quyền địa phương đã thăm dò người dân về việc tìm mô hình sinh kế bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán trong đời sống nhân dân bản địa. “Sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi không phải một sớm một chiều và cần có sự đồng thuận cao từ cộng đồng dân cư cũng như đơn vị quản lý. Dù vậy, chúng tôi đánh giá rất cao dự án chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng của VQG Bạch Mã cho công tác phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Cùng với mục tiêu an sinh xã hội, chính sách này thể hiện chủ trương đúng đắn, giúp đồng bào bản địa dần được hưởng lợi và cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng phía thượng nguồn dân cư” - ông Bảo khẳng định.
Không chỉ đầu tư chăn nuôi gia súc, ở một số thôn còn lại được hưởng lợi từ dự án đã đồng thuận triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng hệ thống tưới tiêu vườn hoa màu nhằm tái tạo vườn hoang đất trống ở khu vực dân cư. Cũng theo ông Cái Dương Dũng, nếu dự án thực hiện có hiệu quả, trong tương lai VQG Bạch Mã sẽ đề nghị với Bộ NN&PTNT tiếp tục đầu tư cho những thôn có phong trào bảo vệ rừng tốt và mở rộng phạm vi sang các thôn khác ở vùng đệm, từng bước cải thiện đời sống nhân dân và giải quyết những vấn đề cơ bản trong sự nghiệp bảo tồn VQG Bạch Mã. Trước đó, VQG Bạch Mã cũng đã hỗ trợ kinh phí để các địa phương vùng đệm xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; các công trình công cộng, cùng các mô hình trồng rau sạch, trồng chuối và các loại cây ăn quả khác.
LĂNG A CÚI