Sinh kế bền vững cho miền núi - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả các nguồn lực

Phương Giang -   Hàn Giang 03/10/2013 07:53

Đầu tư dàn trải, các mô hình sinh kế nhỏ lẻ, phân tán là thực tế ở miền núi. Vì vậy, lồng ghép, phát huy sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các mô hình sinh kế bền vững đang là yêu cầu bức thiết đối với miền núi.

  • Sinh kế bền vững cho miền núi - Bài 1: giao khoán đất rừng
Cần đổi mới tư duy, đổi mới cách làm trong việc tìm kiếm, phát triển sinh kế cho đồng bào miền núi.  Trong ảnh: Hỗ trợ bò nuôi theo nhóm hộ ở Tây Giang.
Cần đổi mới tư duy, đổi mới cách làm trong việc tìm kiếm, phát triển sinh kế cho đồng bào miền núi. Trong ảnh: Hỗ trợ bò nuôi theo nhóm hộ ở Tây Giang.

Nuôi bò thâm canh

Dấu tích còn sót lại của đồng cỏ chuyên canh nuôi bò của xã Ba (Đông Giang) được triển khai khoảng 10 năm về trước chỉ còn là bể nước tưới nằm chơ vơ trên đồi chè. Mô hình nuôi bò này thất bại, đồng cỏ cũng bị san lấp để xây dựng công trình công cộng. Ông Phan Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Ba lý giải nguyên nhân thất bại: “Thời gian đầu là do vốn hỗ trợ của tổ chức Tầm nhìn thế giới, từ con giống, vật tư xây dựng chuồng trại, hệ thống tưới tiêu. Đến khi đàn bò phát triển thì đúng vào thời điểm giá trị thương phẩm của bò xuống thấp, đầu ra gặp khó khăn. Hiệu quả chăn nuôi bò không đạt như mong muốn nên người dân không mặn mà. Rồi dự án kết thúc, không còn nguồn lực hỗ trợ, người dân phải quay lại với lối chăn nuôi truyền thống, vậy là mô hình nuôi bò này thất bại”.

Theo thống kê, chỉ tính riêng từ năm 2006 - 2012, tổng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh theo các chương trình, dự án, chính sách đạt hơn 7.675 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân 22,4 triệu đồng/người. Riêng Chương trình 30a, tỉnh đã hỗ trợ một lần cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao với tổng kinh phí gần 10,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 959 hộ phát triển chăn nuôi với kinh phí 1,2 tỷ đồng, tăng cường cán bộ khuyến nông, lâm, ngư cho 97 thôn, kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng…

Trong khi đó, mô hình chăn nuôi bò theo hình thức gia trại của các nhóm hộ ở các xã vùng cao của huyện Tây Giang như Ga Ry, A Xan đang cho kết quả khả quan. Được sự giúp đỡ của cán bộ nông nghiệp về mặt kỹ thuật, sự hỗ trợ vốn của Nhà nước theo Chương trình 135 (giai đoạn 2), các nhóm hộ có trâu bò tại địa phương đã hợp tác để chăn nuôi chung, tập trung tại một khu vực thích hợp. Họ làm chuồng trại cho trâu bò tránh mưa, tránh rét, phân công thay phiên chăm sóc và thực hiện đúng các quy trình phòng ngừa dịch bệnh do cán bộ thú y hướng dẫn. Nhìn những quả đồi rộng được khoanh rào cẩn thận, bên trong hàng chục con bò lớn nhỏ đang tha thẩn gặm cỏ ai cũng thích mắt. Vừa bỏ muối cho đàn bò ăn, Zơ Râm Nhâl (thôn Arooih, xã Ga Ry) cho biết: “Nuôi bò theo mô hình này hiệu quả hơn so với lối chăn dắt nhỏ lẻ trước đây. Đàn bò phát triển nhanh, mập mạp, không xảy ra dịch bệnh, giá bò thương phẩm lại cao nên nhóm hộ chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đang làm kế hoạch trình xin thêm nguồn hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng vùng chăn nuôi, phát triển thêm đàn bò” - Zơ Râm Nhâl bày tỏ. Ông Trịnh Minh Chúc - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry chia sẻ: “Từ nghiên cứu thực tiễn sản xuất của bà con địa phương, chúng tôi quyết định xây dựng mô hình nuôi bò theo hình thức gia trại - tập trung nguồn lực của các hộ dân để cùng chăn nuôi. Sau đó vận động những hộ biết làm ăn, có khát vọng vươn lên tham gia làm thí điểm. Sự thành công bước đầu của mô hình này đang mở ra triển vọng mới về sinh kế cho người dân địa phương trên cơ sở tranh thủ có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước”.

Khắc phục sự dàn trải

Thời gian qua, đã có rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho đồng bào miền núi được triển khai với nhiều kênh khác nhau. Có mô hình thất bại hoặc cho hiệu quả thấp, có mô hình đang mở ra những triển vọng mới về sinh kế như vừa đề cập. Các đợt kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh vừa qua cho thấy, dù nhận được rất nhiều nguồn lực hỗ trợ phát triển nhưng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong kinh tế miền núi chỉ mới dừng lại ở mức xây dựng mô hình trình diễn thí điểm. Ông Lê Văn Luyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nhìn nhận: “Tổng nguồn lực cho các mô hình, dự án đã đầu tư sinh kế cho miền núi là không nhỏ. Nhưng nguồn lực để thực hiện từng mô hình, dự án thì khá hạn hẹp, lại triển khai đại trà, thiếu trọng tâm nên không thể hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện. Mặt khác, công tác điều nghiên không kỹ, hình thức thực hiện lại không phù hợp với tập quán sản xuất truyền thống của đồng bào miền núi nên hiệu quả không đạt như mong muốn”. Tại các cuộc làm việc với ban ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh luôn lưu ý các địa phương miền núi bên cạnh nêu quyết tâm thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển đã đặt ra, cần tranh thủ và lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển dành cho miền núi một cách có trọng tâm, trọng điểm; tránh để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải như thời gian trước đây.    

Bàn về sinh kế bền vững cho miền núi, ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng cái khó của các mô hình, sinh kế bền vững ở miền núi hiện tại là đầu ra cho sản phẩm. Phải thực sự hợp tác với doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mới tìm được lối ra cho các mô hình để hướng tới mục tiêu giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Theo ông Liếc, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân vừa giải quyết những khó khăn về vốn đầu tư, vừa gắn việc chia sẻ trách nhiệm với người dân trong việc sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm... Thất bại của các mô hình kinh tế triển khai ở miền núi từ trước đến nay có một phần nguyên nhân là cán bộ tổ chức, hướng dẫn “nói không đến nơi, làm không đến chốn”, không thật sự chia sẻ thành công, thất bại với người dân. “Chỉ dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình dự án là chưa đủ. Và bất cập về tiến độ phân bổ, quy mô của nguồn vốn cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả thực hiện. Đó là chưa bàn đến những rủi ro từ thiên tai, hoặc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nếu không có sự chung tay của doanh nghiệp” - ông Liếc nói.

Tập trung các nguồn lực để đưa miền núi phát triển bền vững

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 15 (khóa XX) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội miền núi từ nay đến năm 2015 đã xác định: phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh dựa trên nguyên tắc của sự phát triển bền vững; đảm bảo kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng - an ninh. Bên cạnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho miền núi, công tác quy hoạch phát triển miền núi sẽ tiếp tục được chú trọng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đời sống cộng đồng dân cư tại chỗ. Trong đó, tập trung quy hoạch phát triển các vùng trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gắn liền với việc chế biến như: cao su, tiêu, lồ ô, mây… để tăng tỷ trọng cây công nghiệp trong nông nghiệp. Tiếp tục khảo sát, đưa các loại giống mới cho năng suất cao, cây dược liệu có giá trị kinh tế như sâm Ngọc Linh, sâm Ba Kích vào sản xuất theo hướng hàng hóa phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nhân dân, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình mẫu để hướng dẫn và nhân rộng trong nhân dân. Giải quyết dứt điểm những hạn chế, bất cập tại các khu tái định cư của các dự án thủy điện trên địa bàn miền núi nhằm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân một cách căn bản, lâu dài, nhất là ưu tiên đảm bảo đất sản xuất cho đồng bào… Tập trung các nguồn lực để đưa miền núi phát triển bền vững chính là hướng tới sự phát triển về kinh tế và nâng cao mọi mặt chất lượng cuộc sống người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và tránh tình trạng tái nghèo.

Phương Giang -   Hàn Giang

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế bền vững cho miền núi - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả các nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO