Gần đây, các cấp hội phụ nữ huyện Đại Lộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ cho nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hằng năm, huyện hội tổ chức khảo sát nguyên nhân nghèo (do thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, không có nghề nghiệp ổn định…) để có hướng tháo gỡ, giúp đỡ chị em một cách thiết thực, hợp lý. Theo đó, nhiều chương trình, hình thức hỗ trợ được triển khai như: hỗ trợ vốn tại chỗ thông qua mô hình góp vốn quay vòng, tiết kiệm tín dụng, chú trọng thực hiện tốt chương trình ủy thác hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội… được triển khai với tổng dư nợ qua ủy thác giai đoạn 2012 - 2014 là 91,4 tỷ đồng, cho 6.344 hộ vay với 149 tổ tiết kiệm và vay vốn. Bà Phạm Thị Kim Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc cho hay: “Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, giúp đỡ về vật chất, các cấp hội phụ nữ còn theo dõi, giúp đỡ, vận động nhiều chị em đủ điều kiện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Nhờ vậy, 3 năm qua, gần 260 hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 15,39% (năm 2011) xuống còn 9,24% (năm 2014)”.
Trao bò cho phụ nữ nghèo. Ảnh: T.N |
Một trong những hoạt động thiết thực nhất là hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo với các mô hình trao bò, heo, gà, nông cụ, phương tiện kinh doanh… Chẳng hạn, Hội LHPN xã Đại Thạnh, Đại Tân và Đại Quang với mô hình trao gà giống, heo giống; Hội LHPN xã Đại Đồng, Đại Quang với mô hình trao bò giống… Nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế đã ra đời như: CLB phụ nữ phát triển kinh tế thôn Phước Yên (Đại An); CLB Nữ doanh nghiệp, Phụ nữ vượt khó, Phụ nữ tình thương của thôn Quảng Huế (Đại Hòa)… cũng đã góp phần đáng kể vào việc giúp đỡ phụ nữ xóa đói, giảm nghèo…
Cũng từ nguồn hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực trên đây, đến nay đã có nhiều gương phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2010, từ nguồn hỗ trợ vốn vay 8 triệu đồng với lãi suất thấp thông qua kênh Hội LHPN xã Đại Lãnh, gia đình chị Lê Thị Hường đã mua được con bò trị giá 8 triệu đồng. “Từ một con bò làm vốn liếng, đến nay gia đình tôi đã có 8 con bò cái và đực, tôi đã bán bớt 3 con để nuôi 6 con ăn học. Các con tôi hiện có một cháu học Đại học Bách khoa Đà Nẵng, một cháu học Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng và 2 cháu theo học Trường THPT Chu Văn An” - chị Lê Thị Hường tâm sự. Hiện, bản thân chị Hường còn vận động 10 chị em khác hình thành tổ góp vốn quay vòng với mức đóng góp mỗi chị 100.000 đồng/tháng với mục tiêu giúp đỡ các chị em khác có vốn liếng ban đầu để làm ăn.
Chị Cao Thị Liên (thôn Đại An, Đại Nghĩa) cũng là một tấm gương điển hình về thoát nghèo bền vững. Chồng mất sớm, để lại 3 con nhỏ, cuộc sống của 4 mẹ con chị hết sức khó khăn. Năm 2010, được hỗ trợ tín chấp vay 20 triệu đồng, chị Liên đã đầu tư chuồng trại nuôi bồ câu. Rồi từ nguồn vốn ít ỏi tích cóp được, chị Liên đã mua 50 cặp bồ câu giống, có thời điểm tổng đàn lên tới vài trăm cặp giống. “Nuôi bồ câu rất hiệu quả, hiện gia đình tôi không đủ nguồn cung vì có sẵn bạn hàng, mối lái từ Đà Nẵng và một số nơi lân cận” - chị Liên nói. Mới đây, chị vinh dự được Hội Nông dân huyện bình chọn gương điển hình “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, giai đoạn 2012-2014”.
TRIÊU NHAN