Sinh kế cho người kém may mắn

VĨNH LỘC 23/12/2019 10:15

Gần 3 tuần nay, nhiều cụ già và trẻ khuyết tật sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam (đường Phạm Hồng Thái, TP.Hội An) có thêm công việc mới là thêu tay lên trang phục. Dự án do bà Lê Thị Hoàng Yến - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Minh Khuê hỗ trợ, góp phần cải thiện sinh kế cho đối tượng tại trung tâm.

Bà Lê Thị Hoàng Yến với dự án “Thêu vá” của mình. Ảnh: V.L
Bà Lê Thị Hoàng Yến với dự án “Thêu vá” của mình. Ảnh: V.L

Niềm vui

Bà Phan Thị Toàn ghì cánh tay không còn nguyên vẹn của mình lên tấm vải, tay kia cẩn thận kéo từng mũi kim đều đặn, đường chỉ cứ dài thêm ra theo từng nhịp thêu. Bà Toàn (89 tuổi) quê gốc Tam Kỳ, vào trung tâm từ những ngày mới giải phóng, cuộc sống trôi qua trong lặng lẽ. Nhưng gần 3 tuần nay, kể từ khi dự án “thêu vá” được triển khai, bà Toàn vui hẳn, sáng nào cũng lên hội trường từ sớm để ngồi chờ giáo viên đến hướng dẫn. Tại trung tâm này không chỉ bà Toàn mà rất nhiều người bỗng thấy khỏe và vui hơn kể từ khi “có việc làm”, bởi ai cũng thấy mình còn có ích.

Dự án “Thêu vá” được bà Lê Thị Hoàng Yến - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Minh Khuê chính thức triển khai đầu tháng 12.2019. Vốn là trẻ mồ côi từ nhỏ nên bà Yến hiểu được những thiệt thòi của người kém may mắn. “Trước đây tôi vẫn thường đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tặng quà, hỗ trợ các suất ăn… Dần dà tôi nhận ra tất cả điều mình làm không bền vững, cần phải có một sinh kế lâu dài cho những hoàn cảnh này” - bà Yến nói.

Trong một dịp tình cờ chị Yến gặp họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, vốn cũng là trẻ mồ côi từng sống trong Trung tâm Bảo trợ trẻ em Hội An trước đây. Ông Dân là một trong những họa sĩ sáng lập dòng tranh phi lập thể và theo đuổi nghệ thuật thêu tự do (Tick Art).  Ông đã tự thêu những hình vẽ trên trang phục của mình mà không tuân thủ một nguyên tắc, chủ đề gì. Điều kỳ lạ là rất nhiều khách nước ngoài thích thú và hỏi mua khi họa sĩ Dân mặc những trang phục này. Sau khi biết tâm nguyện của bà Yến, họa sĩ Dân đã chia sẻ ý tưởng về thêu tự do và cả hai quyết định cùng vận hành dự án.

“Cuộc sống mọi người ở đây cảm giác rất buồn và nhàm chán; nên khi tôi bàn với lãnh đạo trung tâm, họ rất mừng và ủng hộ. Vì vậy tôi quyết định tài trợ dự án này” - chị Yên cho biết.

Nhân văn

Một thuận lợi của thêu tự do là không yêu cầu người thêu phải có nghề thêu, trình độ hay hoa tay, chỉ cần sự cẩn thận, chăm chỉ. Hình thêu có thể chỉ là một đường chỉ, một tên gọi, hay một đồ vật bất kỳ, điều đó giúp người thực hiện thoải mái tưởng tượng và thêu bất kỳ điều gì mình muốn, giáo viên chỉ hướng dẫn về màu chỉ, kỹ thuật thêu… Do đó, một sản phẩm thường do nhiều người cùng làm, hỗ trợ lẫn nhau nên không bao giờ có sự trùng lặp. Tuy nhiên, vì mới triển khai nên tất cả còn khá mới mẻ, phần lớn mọi người chưa quen với công việc; chưa kể, một số người sức khỏe không bình thường. Do đó lúc đầu chỉ vài người tham gia, đến nay khoảng 11 người tham gia thêu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Theo bà Yến, sắp tới dự án sẽ tiếp tục triển khai đến các trẻ mồ côi tại cơ sở của trung tâm trên đường Nguyễn Tường Tộ nhằm giúp các em có thêm thu nhập. “Hiện nay công ty lo tất cả từ chuẩn bị trang phục, vật dụng, kim chỉ, thuê giáo viên hướng dẫn đến bao tiêu sản phẩm đầu ra và chi trả lương cho mọi người. Chúng tôi xác định giai đoạn đầu sẽ lỗ, nhưng vẫn quyết làm để mang đến niềm vui cho nhiều hoàn cảnh kém may mắn nơi đây” - bà Yến chia sẻ.

Ngoài trả lương cho giáo viên hướng dẫn, học viên học nghề cũng được trả lương với mức bình quân 2,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, sau khi có sản phẩm công ty sẽ trả lương dựa trên sự đóng góp của mỗi cá nhân (thông qua nhận xét của giáo viên), mức lương dự kiến từ 3,5 - 5 triệu/người.

Theo ông Trần Phước Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam, đây là dự án hỗ trợ sinh kế đầu tiên được triển khai tại trung tâm, học viên đăng ký tự nguyện và trung tâm luôn động viên mọi người cố gắng vì công việc không nặng nhọc. “Dự án này hoạt động phi lợi nhuận với những sản phẩm của người khuyết tật nên mang tính nhân văn cao. Vì vậy, dù chưa có kết quả cụ thể do mới triển khai nhưng tôi hy vọng sẽ mang lại hiệu quả, tạo việc làm cho mọi người có niềm vui và có thêm thu nhập” - ông Tuấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế cho người kém may mắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO