Sinh kế cho vùng ven biển Hội An

VĨNH LỘC 03/03/2017 08:54

Qua hơn một năm triển khai, chương trình tài trợ các dự án nhỏ trong khuôn khổ “Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai” do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam thực hiện đã góp phần tạo sinh kế cho người dân các vùng ven biển.

Hỗ trợ phát triển homestay

Được triển khai ngày 1.3.2016, dự án “Xây dựng làng du lịch homestay ở vùng quê sinh thái Cẩm Thanh” (Hội An) đã bắt đầu tạo dựng những nền móng cho mô hình du lịch cộng đồng mà lợi ích hướng đến là phụ nữ. Tại thôn Thanh Tam Đông (Cẩm Thanh), thông qua dự án đã có 6 hộ dân được lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch homestay. Trong 12 tháng thực hiện dự án, các hộ dân được tư vấn, tập huấn các kỹ năng về du lịch cộng đồng, nhất là mô hình lưu trú homestay, kết quả bước đầu rất khả quan. Bà Phạm Thị Hạnh, một trong 6 hộ dân được hỗ trợ phát triển homestay ở Thanh Tam Đông cho biết, thành công lớn nhất của dự án là đã thay đổi được nhận thức của người dân về phát triển du lịch, đặc biệt về sự phát triển bền vững của mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường. “Cán bộ dự án đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con cách làm hàng rào xanh, trồng hoa trong vườn, rồi đưa mình ra tỉnh Hòa Bình tập huấn, học hỏi về mô hình du lịch cộng đồng. Dù mới bắt đầu nhưng tôi rất kỳ vọng dự án sẽ thành công để giúp tạo sinh kế cho người dân” - bà Hạnh chia sẻ.

Phụ nữ tại Cẩm Thanh được dự án hỗ trợ tạo sinh kế bền vững qua mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: V.L
Phụ nữ tại Cẩm Thanh được dự án hỗ trợ tạo sinh kế bền vững qua mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: V.L

Theo bà Trần Thị Thiên - Chủ tịch Hội LHPÑ xã Cẩm Thanh, mô hình làng du lịch homestay là sự lựa chọn phù hợp tại Cẩm Thanh nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bền vững, nhất là với những phụ nữ vùng ven dựa vào du lịch cộng đồng. “Du lịch Cẩm Thanh đang phát triển mạnh, nhưng phụ nữ lại ít được hưởng lợi, nên việc dự án hỗ trợ xây dựng mô hình homestay chính là một trong những cách để phụ nữ có thể kiếm thêm thu nhập từ chính nơi họ đang sống, từ chính công việc thường nhật của họ. Đặc biệt, dự án cũng sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý và thực hiện du lịch cộng đồng của phụ nữ, do phụ nữ xây dựng và điều hành thực hiện” - bà Thiên nói.

Dự án “Xây dựng làng du lịch homestay ở vùng quê sinh thái Cẩm Thanh” chỉ là một trong 6 dự án nằm trong khuôn khổ “Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện, được hỗ trợ triển khai tại Hội An. Các dự án “Học sinh và cộng đồng chung tay bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học thông qua mô hình vườn trường”; “I learn, I play and I am safe  - Tôi học, Tôi chơi và Tôi an toàn”; “Nâng cao vai trò và năng lực cộng đồng trong tiến trình quy hoạch công viên cánh đồng Chùa (Cù Lao Chàm) theo định hướng phát triển bền vững”; Bảo tồn các đối tượng tài nguyên mục tiêu (tôm hùm, ốc vú nàng, bào ngư, bàn mai, trai tai tượng) tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm” và dự án “Quê tôi – Câu chuyện của tôi” với sự tham gia của 6 tổ chức, đơn vị là Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD), Hội LHPN xã Cẩm Thanh, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội LHPN Hội An, Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng.

Lan tỏa

Theo đánh giá của các địa phương, hầu hết 6 dự án đều truyền tải những nội dung rõ ràng về ý thức bảo vệ môi trường, tăng sức chống chịu của cộng đồng trước biến đổi khí hậu. Trong buổi triển lãm chia sẻ kết quả đạt được của các dự án nhỏ vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, các dự án dù có quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn (12 tháng) nhưng đã được lựa chọn kỹ lưỡng và đạt kết quả thiết thực, nhất là phù hợp với định hướng của Hội An xây dựng thành phố văn hóa, sinh thái, du lịch; bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa. “Các dự án đều tập trung nhấn mạnh các giá trị cần bảo tồn, qua đó giúp Hội An tăng cường sức chống chịu trước biến đổi khí hậu cũng như áp lực về tác động từ ngành du lịch địa phương” - ông Hùng nói.

Theo ông Vũ Thanh Ca - Trưởng ban Điều phối quốc gia MFF Việt Nam, Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai do IUCN và UNDP thực hiện với nguồn vốn tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad), Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) và Quỹ phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida). Với mục tiêu đầu tư cho hệ sinh thái ven biển vì một tương lai tốt đẹp cho cộng đồng, sáng kiến triển khai tại 11 nước thành viên khu vực châu Á. Tại Việt Nam, MFF đã được triển khai từ năm 2010 với nhiều hoạt động khôi phục và bảo vệ môi trường biển trải dài trên khắp các tỉnh ven biển. Trong khuôn khổ MFF, Quỹ dự án tài trợ nhỏ đã thực hiện 5 vòng lựa chọn, với tổng kinh phí 677 nghìn USD (khoảng 14,3 tỷ đồng). Năm 2015, chương trình tập trung vào khu vực Hội An, với 6 dự án nhận tài trợ, tổng kinh phí 75 nghìn USD. Chủ đề chủ yếu là nâng cao năng lực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; bình đẳng giới; quản lý thông tin và truyền thông; hợp tác với tư nhân. Phần lớn dự án quy mô nhỏ đã đóng góp cho việc xóa đói giảm nghèo và tăng quyền cho cộng đồng thông qua phát triển sinh kế bền vững. “Các dự án đã bao quát từ chính sách đến các hoạt động cộng đồng, các phương pháp tiếp cận mới như dự án quy hoạch cánh đồng Chùa (Cù Lao Chàm) hay các mô hình vườn trường, “hoạt động xanh” cho thiếu nhi và thanh thiếu niên... chắc chắn sẽ có sức lan tỏa và tác động lâu dài với thế hệ tương lai” - ông Ca nhận xét.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế cho vùng ven biển Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO